898 Le Lai temple

Đền Lê Lai

sông MãThanh Hoáthời Lê sơ

Đền có từ lâu đời, dân gọi là đền Tép hoặc chùa Tép. Thờ: Lê Lai người đã hy sinh thay cho Lê Lợi. Lễ hội: Lễ cầu an ngày 8/1 âm lịch và lễ dâng hương ngày 21/8 âl. Xếp hạng: Di tích tỉnh Thanh Hoá (2019). Vị trí: X9FV+534, thôn Tép, xã Kiên Thọ, H. Ngọc Lặc, Thanh Hoá. Cách BĐX Bờ Hồ: 160 km (hướng 7 h).

Đền Lê Lai toạ lạc tại đất làng Tép, tên chữ là Dựng Tú, nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá. Từ trung tâm Hà Nội bạn có thể lên xe chạy theo đường Hồ Chí Minh về phía nam. Đến Cửa hàng Xăng dầu Minh Tiến đi tiếp khoảng 3 km thì rẽ tay phải vào đường làng rồi rẽ tay trái qua cầu suối Tép là tới nơi.

Lược sử

Theo nhiều tác giả, Lê Lai sinh năm 1355, tại thôn Dựng Tú, xã Đức Giang, sách Lương Giang, phủ Thanh Hoa; đến thời nhà Nguyễn thuộc tổng Cốc Xá, châu Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá. Cha ngài tên là Lê Kiều, người dân tộc thiểu số, làm quan phụ đạo, cùng phu nhân Lê Thị Kiệu sinh được hai người con trai là Lê Viết Giản và Lê Lai.

Trước đền Lê Lai. Photo ©NCCong 2022

Lê Lai học giỏi, đến tuổi trưởng thành có vóc dáng cao, to, da ngăm đen, dung mạo khác thường, tính tình cương trực, chí khí cao cả, được kế nghiệp cha làm quan phụ đạo xã Đức Giang. Vợ ngài là Lê Thị Đạo, sinh được 3 người con trai: Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm, lớn lên đều trở thành tướng giỏi.

Ngày 10 tháng Hai năm Bính Thân (1416), tại Lũng Nhai, mường Gia Lão, đứng sau Động chủ Lê Lợi là Lê Lai, Đinh Liệt cùng nhóm người thân tín đã thề sống chết có nhau và thành lập nghĩa quân Lam Sơn. Ngày 29 tháng Tư năm Kỷ Hợi (1419) khi nghĩa quân bị giặc Minh vây trên núi Linh Sơn hết đường rút lui, Lê Lai đã mặc áo bào của Lê Lợi xông ra để lừa giặc cứu chúa.

Lê Thái Tổ ngay sau khi lên ngôi đã cho lập đền thờ Lê Lai ở làng Tép, ban chức Thái uý và phong là “Đệ nhất khai quốc công thần”. Nhà vua còn ra lệnh quần thần sau này làm giỗ Lê Lai vào hôm trước ngày giỗ của mình, từ đó dân gian có câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Triều vua tiếp theo đã gia phong tước Trung Túc Vương.

Vườn sau đền Lê Lai. Photo ©NCCong 2022

Năm 2019 ngôi đền và hang Bàn Bù (một căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn tại xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hoá.

Kiến trúc

Đền thờ Lê Lai nằm cách mộ Lê Thái Tổ ở Lam Kinh khoảng 5km về phía tây. Ban đầu, ngôi đền chỉ làm bằng tranh, tre, nứa, lá ở ven dòng suối Tép. Năm Bảo Đại 14 (1939), đền được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói ri, cột, xà, rui, mè đều bằng gỗ lim. Đến tháng 11-1989, nhân dân địa phương đã xây lại và định hình kiến trúc cho đến nay.

Đền được gắn liền với Khu di tích Lam Kinh. Năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin đã cấp kinh phí trùng tu tôn tạo ngôi đền khang trang hơn xưa nhiều. Với vị trí đẹp đẽ, rộng rãi và ngày nay thuận tiện về giao thông do ở gần đường quốc lộ, nơi đây đang trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của xứ Thanh.

Sân sau đền Lê Lai. Photo ©NCCong 2022

Đền nằm trên sườn đồi, mặt quay về phía đông nam nhìn ra một hồ bán nguyệt nhỏ và cánh đồng. Ba phía còn lại đều có rừng núi, tạo thế long chầu hổ phục trong một không gian rộng rãi và xanh ngắt. Từ ngoài đi vào chân đồi ta thấy một sân gạch rất dài, hai bên có bậc thang dẫn xuống hồ và lên đền. Cổng đền là một tam quan dưới bóng mát của hai cây đại có tuổi đời vài thế kỷ.

Sau cổng là sân đền và tòa đại bái xây chồng diêm có chấn song con tiện ở cổ diềm để lấy sáng và thoát khói hương. Tám mái chảy đều lợp ngói ri, các đầu đao cong vút đắp hình linh thú. Các vì kèo dựa trên 4 hàng chân cột gỗ lim kê đá tảng. Ba mặt trước có hàng hiên, các đầu dư được chạm nổi đề tài tứ linh và tứ quý.

Cách tòa đại bái một sân hẹp là toà hậu cung gồm 3 gian dọc, bên trong có hương án và khám thờ tượng ngài Lê Lai. Bên tả toà đại bái là một ngôi đền nhỏ hình “chữ Đinh”, trong hậu cung thờ phu nhân. Phía sau đền chính còn có các nhà phụ trong vườn cổ thụ rất rộng, cuối cùng là một khu mộ của hậu duệ Trung Túc Vương, có cổng và tường bao riêng.

Khám thờ Lê Lai. Photo ©NCCong 2022

Trong đền thờ ngài Lê Lai hiện còn bảo lưu được một số cổ vật từ thời Hậu Lê, đáng kể là bức hoành phi “Dịch bào thế quốc”.

Di tích lân cận

©NCCong 2022, Le Lai temple 898

Tập hồ sơ