904 Meo pagoda

Chùa Mèo

Lê sơThanh Hoá

Chùa Mèo còn gọi là chùa Chu, có từ thời Lê. Tên chữ: Đỉnh Miêu Thiền Tự. Lễ hội: Tết Nguyên Đán. Xếp hạng: Di tích cấp tỉnh (2005). Vị trí: 562J+RXQ, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hoá. Toạ độ: 20°09’08"N 105°13’57"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 160km (hướng 7h).

Địa lý

Huyện Lang Chánh nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, có Quốc lộ 15 chạy qua. Phía đông giáp huyện Ngọc Lặc; phía tây giáp huyện Quan Sơn và nước Lào; phía nam giáp huyện Thường Xuân; phía bắc giáp huyện Bá Thước. Diện tích huyện gần 586 km²; năm 2018 dân số là 50.120 người, đạt mật độ dân cư 85 người/km². Sống tại đây có các dân tộc: Thái (53 %), Mường (33 %), Kinh (14 %) với văn hoá đa dạng và đặc sắc.

Huyện có địa hình phức tạp với độ cao tăng dần từ 400-500m ở phía đông và 700–900m ở phía tây. Độ dốc trung bình 20-30°, có nơi 40–50°. Cao nhất là núi Pù Rinh (1.291m). Hàng năm có gió tây khô nóng 20–25 ngày. Khí hậu không quá nóng. Mùa mưa kéo dài từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 10. Mỗi năm trung bình mưa 2.200 mm và sương mù 70-80 ngày.

Hàng hiên chùa Mèo. Photo NCCông ©2022

Nơi đây có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Trong cuốn sách “Notes sur les Tay Dèng de Lang Chánh, Thanh-hóa, Annam” tác giả R. Robert từng mô tả: “Chùa Mèo ở làng Ban, xã Quang Hiến, khi xưa rất đẹp. Trên núi Mèo ở châu Lang Chánh có nhiều hoa tươi quả ngọt, phong quang xanh tốt cả năm, hoà hợp với màu xanh của nước và màu lam của núi, thật là một cảnh tượng tuyệt mỹ”. [1]

Lược sử

Tương truyền cuối thời Trần có công chúa Chu Huyền đi lánh nạn lên Mường Chanh (tức thị trấn Lang Chánh bây giờ), mang theo 2 quả chuông và một số người hầu. Công chúa được yên ổn đã cùng thổ ty hưng công xây dựng một ngôi chùa gọi là chùa Chu theo tên mình. Trong khi khai khẩn đất hoang, bà con đào được một pho tượng đá, bèn gọi là Bụt. Sau đó, công chúa đã rước tượng Bụt và tượng Quan Âm ở miếu làng lên chùa thờ phụng.

Phía trước chùa Mèo. Photo NCCông ©2022

Chùa Chu toạ lạc trên quả đồi cao ở rìa phía tây Mường Chanh, trước mặt có dòng sông Âm chảy vòng qua phía đông bắc, bên tả là núi Pù Bằng, bên hữu có núi Pù Rinh. Sau khi bắt đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tướng sĩ theo Lê Lợi di chuyển vị trí ở nhiều nơi thuộc vùng núi Thanh Hoá, trong đó có chùa Chu. Lê Lợi đã vào chùa lễ Phật và cầu nguyện cho thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống giặc Minh.

Tương truyền có lần Lê Lợi rẽ qua chùa Chu thấy trong sân chỉ còn lại một con mèo, ngài bèn sai nghĩa quân đưa nó cùng đi theo lánh nạn. Sau khi lên ngôi vua Lê Thái Tổ đã ra lệnh tướng Lê Khả về Mường Chanh đốc thúc thổ ty cho tu sửa chùa Chu và đổi tên thành chùa Mèo, tên chữ là Đỉnh Miêu Thiền Tự. Từ đó đến nay, hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, nhân dân Mường Chếnh, Mường Khạt, Mường Bỏ, Mường Nang và các vùng lân cận lại nô nức kéo nhau về chùa dự lễ hội.

Ngoài thờ Phật và thờ vua Lê Thái Tổ, về sau tại chùa Mèo còn thờ Thánh Mẫu và Mẫu Thượng Ngàn. Cuối mùa xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), đông đảo bà con và bản hội xứ Thanh đã cùng nhau quyên góp công đức để đúc và dâng lên chùa Mèo một quả chuông đồng cao 109cm, đường kính miệng 50cm, chu vi 149cm. Thân chuông hình trụ tròn, chia làm 4 ô có khắc bài minh bằng chữ Hán.

Xây lại chùa Mèo. Photo NCCông ©2022

Trải qua các thăng trầm của lịch sử, chùa Mèo dần dần xuống cấp và chỉ còn lại quả chuông khá nguyên vẹn. Năm 2013, chùa đã có Đại đức Thích Nguyên Hải về trụ trì. Từ đó tăng chúng phát triển, tín đồ phật tử thường xuyên cung tiến, xây dựng chùa trở thành một không gian đẹp và điểm hẹn của du khách muôn phương.

Năm 2019 UBND tỉnh Thanh Hoá tại Quyết định số 3250/QĐ-UBND đã xếp hạng chùa Mèo là Di tích Lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Notes sur les Tay Dèng de Lang Chánh, Thanh-hóa, Annam, R. Robert, Impr. d’Extrême-Orient, 1941 - 182 trang.

©NCCong 2022, Meo pagoda 904