908 Xua Temple

Đền Tuệ Tĩnh (đền Xưa)

Hải Dươngđền, miếu

Đền Tuệ Tĩnh tức đền Xưa, có từ thế kỷ XVIII. Thờ: danh y Tuệ Tĩnh. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1974). Vị trí: X6CW+CX, thôn Nghĩa Phú, Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương. Cách BĐX Bờ Hồ: 48km (hướng 3h)

Giới thiệu

Du khách từ Hà Nội qua thị trấn Như Quỳnh nếu đi thẳng theo tỉnh lộ TL388 sẽ rút ngắn thêm được 6km, trong khi cứ theo quốc lộ QL5 thì phải quặt vào đền bằng một trong vài lối rẽ trái ở quãng đường giữa Văn miếu Mao Điền và Khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương. Trên bản đồ, đền Xưa khá dễ tìm vì tọa lạc ở ngay ven TL388, cách chợ Phú Lộc khoảng 500m và cách đền Bia 1km, gần bờ tây sông Thái Bình.

Tại huyện Cẩm Giàng có hai ngôi đền thờ danh y Tuệ Tĩnh [1] là đền Xưa ở làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ và đền Bia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn. Tuy ở hai xã khác nhau nhưng đường đi bộ lòng vòng cũng chỉ hơn 1km và chiều dài theo đường chim bay chừng 700m, bởi vì quả thật xưa kia cả hai ngôi đền đều cùng thuộc về đất thôn Nghĩa Phú.

Ngôi đền Xưa. Photo ©NCCong 2015

Theo bản khai sự tích Thành hoàng làng Nghĩa Phú trong báo cáo lên triều đình năm 1938 của 2 vị lý trưởng, chánh hội xã Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tấm bia dựng ở đền Bia trước kia vốn nằm tại nơi giáp giới giữa hai làng Văn Thai và Nghĩa Phú. Còn văn bia “Thực sự bi ký” —hiện ở trong khuôn viên nhà thờ dòng họ Nguyễn tại thôn Nghĩa Phú và do chính tiến sỹ Nguyễn Danh Nho soạn— thì cho biết ông đi sứ năm 1690 và về nước năm 1692. Sách “Quốc sử di biên” của tiến sỹ Phan Thúc Trực chép sự kiện đền Bia hiển thánh lần thứ nhất năm 1846 cũng ghi vị trí văn bia này là mốc giới giữa hai thôn nói trên. Như vậy có thể nghĩ rằng cách đây hơn 3 thế kỷ và gần đây nhất là năm 1938, đất đền Bia vốn thuộc thôn Nghĩa Phú. Một thôn mà có hai ngôi đền cùng thờ Tuệ Tĩnh thì quả là quý hiếm và do đó phần di sản sẽ được mô tả chung dưới đây.

Di sản

Trong đền Bia và đền Xưa có 8 hoành phi và bản gốc 2 đạo sắc phong cho Tuệ Tĩnh mang niên đại Khải Định 9 (1924, đền Bia) và Bảo Đại 15 (1939, đền Xưa). Đền Xưa còn có một quả chuông đồng được đúc năm Tự Đức 8 (1855) và một cuốn sách in 100 quẻ thẻ viết bằng chữ Hán.

Tiền tế đền Xưa. Photo ©NCCong 2015

Đền Bia từng phát hành 100 quẻ thẻ, nay còn chừng 40 quẻ đã được số hóa, lưu trong máy tính và có thể in lại cho những ai quan tâm. Tại đây treo tới 13 câu đối, trong đó có 1 câu đối chữ Nôm trên cột nhà bia trong hồ nước trước sân. Câu đối 黃 甲 芳 名 騰 北 地 / 聖 師 妙 藥 振 南 邦 (Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa / Thánh sư diệu dược chấn Nam bang) được treo trong hậu cung.

Bức hoành phi 先 聖 靈 祠 (“Tiên thánh linh từ”: Đền thiêng thờ tiên thánh) treo tại nhà tiền tế đền Bia, phía trên ban thờ tiến sỹ Nguyễn Danh Nho là người mới được phối thờ sau đợt trùng tu năm 2006. Gian chính trong nhà hậu cung còn treo bức hoành phi 太 醫 禪 師 (Thái y thiền sư). Theo truyền ngôn và bản báo cáo năm 1938 thì đây là câu của vua nước Tàu ban tặng Tuệ Tĩnh vì có công chữa bệnh cho hoàng hậu.

- Sân đền Xưa. Panorama ©NCCong 2015

Câu đối 名 魁 二 甲 標 陳 監 / 使 命 十 全 醒 北 醫 (Danh khôi nhị giáp tiêu Trần giám/ Sứ mệnh thập toàn tỉnh Bắc y) treo ở đền Xưa[2], theo niên đại ghi tại lạc khoản: 戊 午 年 冬 (Mậu Ngọ niên Đông) thì có lẽ được viết vào mùa đông năm 1918. Dịch nghĩa: Đại khoa đỗ bậc nhị giáp, tên ghi trường Giám nhà Trần / Sứ đoàn hoàn thành nhiệm vụ, thức tỉnh ngành y phương Bắc.

Sân hậu cung đền Xưa. Photo ©NCCong 2015

Trên thượng lương hậu cung ngôi đền này hiện có một dòng chữ Hán mang niên đại sớm nhất ghi năm trùng tu đền là Thiệu Trị 6 (1846). Trên bức hoành phi 春 臺 壽 域 (Xuân đài thọ vực: lên đài xuân nhìn xa lòng khoan khoái, nghĩa bóng chỉ đời thịnh trị) hiện treo ở đền còn có 2 dòng lạc khoản, bên phải ghi “Tự Đức Kỷ Dậu niên cung tiến” (năm 1849), bên trái ghi “Khải Định Mậu Ngọ niên trùng tu” (1918).

Kiến trúc

Đền Xưa được xây lại và mở rộng năm 2005, không dựa trên nền cũ nhưng vẫn mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn. Đền quay về phía tây bắc, diện tích lớn dù không bằng đền Bia. Đền chỉ có một cổng ra vào với bốn trụ biểu. Du khách bước qua cổng sẽ thấy tiền đường ngay trước mặt, hai bên là giếng sen, bình phong thay bằng một tường chắn thấp ở giữa hai cột cờ. Sân không sâu nhưng khá rộng, bên phải có cây cổ thụ, bên trái là hai dãy nhà giải vũ.

Hậu cung đền Xưa. Photo ©NCCong 2015

Hơi khác đền Bia, tại đây khu đền chính bao gồm các tòa tiền tế và hậu cung nằm song song, ở giữa là một sân nhỏ với hòn non bộ, bên sân có hai gian tả, hữu mạc; tất cả được kết nối với nhau thành hình chữ “Nhật”. Toà tiền tế xây hai tầng tám mái; gồm 5 gian cửa bức bàn, chấn song con tiện, trong chính điện có đặt bài vị và bức tượng thờ bằng gỗ sơn. Hậu cung cũng hai tầng tám mái nhưng thấp và hẹp hơn, gồm ba gian với khám thờ và bức tượng đồng đen đặt ở gian giữa.

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Tuệ Tĩnh Thiền sư (慧靜禪師, 1330 - 1400) từng đỗ Thái học sinh. Hai tác phẩm y học của ngài là: “Nam Dược thần hiệu”, trong đó nghiên cứu 580 vị thuốc Nam và 3873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh; và “Thập tam phương gia giảm” đã khắc in từ trước, đến đời vua Lê Dụ Tông (1717) được khảo đính lại và đổi tên là "Hồng nghĩa giác tư y thư" (lấy tên quê hương tác giả là làng Nghĩa Phú, phủ Thượng Hồng). Những lời ca ngợi công đức ngài hiện diện trên các câu đối, hoành phi, bình phong, trụ biểu, cổng đền, chuông đồng, sắc phong của đền Xưa và đền Bia. Từ đợt đại trùng tu năm 2005 đến nay đã có thêm một số văn bản mới bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm.
[2] Câu này còn có trong “Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” của Ngô Vi Liễn, in lần đầu năm 1931, và được đắp ở cổng làng Nghĩa Phú, cũng là cổng ngoài của ngôi đền giáp đường giao thông liên huyện từ ngã tư Lai Cách nối với đường QL 5B.

©NCCong 2015 Xua Temple