915 Vong Tien temple

Đền Vọng Tiên

Lê Thánh Tôngq.Hoàn Kiếmtiên nữ

Đền Vọng Tiên nguyên là quán đạo Lão, nay thờ Mẫu và thờ Phật. Vị trí: 120B phố Hàng Bông, 2RHW+V8, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 900m (hướng 1h). Trạm bus lân cận: 10 Quán Sứ và 28 Đường Thành (xe 01), 167 Phùng Hưng (18, 23), 40 Tràng Thi (02, 09, 09act, 45).

Lược sử

Đền Vọng Tiên nay ở số 120B phố Hàng Bông, các gian trong thờ Mẫu và thờ Phật, gian ngoài thờ Chư Vị. Phố Hàng Bông có lịch sử ít nhất từ thời Lê. Nó vốn là con đường nằm theo trục tây-đông và nối phía nam hoàng thành cũ với hồ Hoàn Kiếm. Đường phố đi qua nơi từng là vương phủ của chúa Trịnh Tùng được khởi dựng năm 1595. Thời ấy có 3 cửa ra vào phủ chúa: cửa Chính Nam (chỗ phố Bà Triệu bây giờ), cửa Tuyên Vũ (gần Bưu điện Hà Nội), và cửa Diệu Đức (thông ra phố Cửa Nam).

Khoảng năm 1781, Hải Thượng Lãn Ông khi lên kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán từng đi qua phố Hàng Bông. Trong cuốn sách “Thượng kinh ký sự” vị danh y có mô tả ngắn gọn như sau: ..."Từ cửa cung Khánh Thụy qua đình Quảng Minh, rồi qua cửa Đại Hưng theo đường phía hữu (bên phải, tức Hàng Bông) đi hơn nửa dặm nữa thì đến dinh quan Chính Đường".

Đền Vọng Tiên 120B Hàng Bông

Đền Vọng Tiên nằm trên đất giáp ranh của ba thôn cũ gồm: Đông Mỹ, Thương Môn, Đông Hạ. Nguyên đây là một quán tu tiên của các đạo sĩ Lão giáo. Tên đền gắn với tên của lầu Vọng Tiên, tương truyền là để kỷ niệm sự tích vua Lê Thánh Tông gặp tiên. Theo đó có lần đức vua đi vãn cảnh chùa Ngọc Hồ gặp một thiếu nữ rất đẹp bèn làm thơ và nàng đáp lại. Vua thích lắm liền mời lên xe rước về cung. Gần tới cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua sai xây lầu ở ngay chỗ đó và gọi là Vọng Tiên Lâu.

- Đền Vọng Tiên. Panorama ©NCCong 2011

Ban đầu đền ở quãng gần cửa Đại Hưng tức Cửa Nam. Đến thời Nguyễn, khi vua Gia Long cho dỡ bỏ hoàng thành cũ để xây toà thành nhỏ hơn thì cửa Đại Hưng bị phá và ngôi đền bị chuyển đến phố Hàng Bông.[1]

Đền Vọng Tiên - Điện Mẫu

Đền được đại trùng tu vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928). Trải qua chiến tranh liên miên, đến cuối thế kỷ XX diện tích khuôn viên của ngôi đền đã bị thu hẹp do các hộ dân xung quanh lấn chiếm. Ngay cạnh đền Vọng Tiên, tại số nhà 120 Hàng Bông là ngôi đền thờ Quốc Mẫu Thiên Tiên (có 5 đạo sắc phong), bên trong là đình thờ Thái úy Lý Thường Kiệt (có 7 đạo sắc phong), hiện nay đã trở thành CLB văn hóa phường và nhà dân.

Kiến trúc và di vật

Mặt bằng xây dựng của đền Vọng Tiên hiện nay có hình “chữ Tam” và mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Từ ngoài có 3 cửa dẫn khách đi vào, qua sân đến toà tiền tế rồi trung tế được làm theo kiểu chồng diêm. Trong đền có nhiều mảng trang trí đẹp các hình tứ linh chạm nổi và bong kênh. Đặc biệt còn lưu giữ được 36 tấm bia đá khắc chữ Hán, hàng chục bức hoành phi và câu đối cũng bằng chữ Hán với nội dung phong phú và khá đầy đủ về lịch sử đền Vọng Tiên và các vị trụ trì đền.

Đền Vọng Tiên

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Có thuyết nói đền chuyển về 120B Hàng Bông khi cô Tư Hồng được thầu việc dỡ bỏ thành Hà Nội và khu vực xung quanh để giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho thực dân Pháp xây khu phố Tây. Gần đền từng có cây đa to trước cửa ngôi miếu thờ Cô Quyền, lại có đình Kim Hội (Quy Long) do các nhà buôn bông dựng lên trong ngõ 95 Hàng Bông để thờ Trần Hưng Đạo, và có đình Đông Mỹ ở nhà 127 Hàng Bông do lái buôn thôn Đông Mỹ lập ra. Đến nửa cuối thế kỷ XX cây đa và mấy di tích kia đều không còn nữa.

915 Vong Tien temple ©NCCong 2011-2022