92 Yen Thanh temple
Đền Yên Thành
q.Ba Đìnhs.Tô LịchLý Chiêu HoàngĐền Yên Thành có từ cuối thế kỷ XVIII. Thờ: vua Lý Chiêu Hoàng. Xếp hạng: Di tích thành phố (2002). Vị trí: số 28 phố Phan Huy Ích, 2RRW+93, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nnam. Cách Ga Hà Nội: 2,1 km (hướng 12 h). Trạm bus lân cận: đoạn giữa Quán Thánh, Hàng Than hoặc đoạn đầu Phan Đình Phùng, hoặc Phùng Hưng.
Lược sử
Yên Thành là vùng đất có bề dày lịch sử. Thời Lê, Yên Thành là một trong số tám làng có tên gọi bắt đầu bằng chữ “Yên”, thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Tám làng đó ở giữa một khu vực với mặt phía nam là tường thành Hà Nội (nay là phố Phan Đình Phùng), mặt phía bắc là hồ Trúc Bạch và hồ Mã Cảnh (Cổ Ngựa), mặt phía đông giáp phường Hòe Nhai và mặt phía tây giáp phường Thụy Chương.
Đền Yên Thành trải qua nhiều biến động đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị. Đó là những tượng thờ, hương án, sập thờ, cửa võng, kiệu rước mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX được nghệ nhân tạo tác rất tỉ mỉ, công phu, sơn son thếp vàng lộng lẫy và đều có chạm rồng phượng. Hệ thống tượng tròn gồm 21 pho, trong đó có 9 tượng các vua triều Lý và các tượng thánh, tượng chầu. Ngoài ra còn có các tư liệu thành văn như thần tích, sắc phong, bia đá.
- Tượng Lý Chiêu Hoàng ở đền Rồng
Đặc biệt trong đền có pho tượng Lý Chiêu Hoàng được thể hiện bằng trình độ nghệ thuật cao. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vì vua Huệ Tông không có con trai nên mùa đông tháng Mười xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Chiêu Thánh lên ngôi đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Năm thứ nhất tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng húy là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, con gái thứ của vua Lý Huệ Tông, mẹ là Trần Thị”.
Theo cuốn “Lý Thái Hậu thực lục” bản thần tích chữ Hán và một số tài liệu khác: Chiêu Hoàng sinh vào tháng 9-1218. Trước đó hai năm, người chị gái của bà là công chúa Thuận Thiên chào đời. Vì vua cha không có con trai, tháng 10-1224, bà được phong làm hoàng thái tử rồi lên ngôi vua lúc mới 7 tuổi. Tháng 12 năm Ất Dậu, do sự xếp đặt của Trần Thủ Độ —lúc này đang coi giữ mọi việc quân sự ở Kinh thành— Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh cũng 7 tuổi và nhường ngôi cho chồng, trở thành Chiêu Thánh hoàng hậu.
Vợ chồng ở với nhau được 12 năm nhưng hoàng hậu không hề có thai. Lúc này, người chị gái là Thuận Thiên lấy Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh) đang mang thai. Sợ vua không có người nối dõi, Trần Thủ Độ đã bắt Trần Liễu phải nhường vợ cho Trần Cảnh. Thế là nàng Thuận Thiên lại trở thành hoàng hậu, còn Chiêu Hoàng bị đánh tụt xuống làm công chúa và phải vào ở lãnh cung.
- Trong đền Yên Thành. Photo ©NCCong 2015
Cũng vì quyết định này mà Trần Liễu nổi dậy làm phản đem quân chống lại triều đình. Còn Trần Cảnh thì áy náy không yên vì mang tiếng cướp vợ anh và bỏ vợ mình, tuy tình cảm hai người đang rất nồng đượm. Ông quyết tâm bỏ ngai vàng để lên núi Phù Vân (Yên Tử) đi tu. Sự kiện đó xảy ra vào năm 1237.
Năm 1258, ở tuổi 40, Chiêu Thánh được gả cho Lê Phụ Trần một vị tướng có công lớn trong việc đánh lui quân Nguyên lần thứ nhất (vào năm 1257). Họ sống với nhau thuận hòa, sinh được hai người con, con gái tên là Khuê được phong Ưng Thuỵ công chúa, con trai tên là Tông được phong tước Thượng vị hầu.[1]
Bà mất tháng 3-1278 khi vừa tròn 60 tuổi. Theo truyền thuyết dân gian thì lúc ấy Chiêu Thánh vẫn còn là một người phụ nữ rất đẹp, má bà vẫn hồng, môi đỏ và đặc biệt tóc không hề có sợi bạc. Mộ bà được táng tại khu lăng mộ các vua nhà Lý ở Đình Bảng, gọi là lăng Cửa Mả. Tuy không được thờ trong đền thờ 8 vị vua triều Lý (đền Lý Bát Đế) nhưng bà được thờ ở một ngôi đền riêng, gọi là đền Rồng.
- Trong đền Yên Thành. Photo ©NCCong 2015
Chiêu Hoàng là nạn nhân của cuộc tranh ngôi nhưng cuối cùng đã được hạnh phúc. Sinh thời nổi tiếng là người nhân hậu, chết đi được tôn là Vua Bà, hiện còn đôi câu đối quý trong đền Yên Thành làm chứng:
“Vạn cổ tinh quang hồ thượng miếu
Thiên thu thắng tích nữ trung vương”
(Muôn thuở sáng soi miếu bên hồ nước
Nghìn năm cảnh đẹp vua giới nữ lưu).
Ngày 31.12.2002, đền Yên Thành được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Kiến trúc
Đền Yên Thành có nhiều điểm tương đồng như ngôi đền Yên Thái ở ngõ Tạm Thương. Tòa tiền tế 3 gian áp sát mặt phố Phan Huy Ích, hai bên bậc lên thềm có đôi rồng đá nằm chầu. Phía trong là nhà thiêu hương, hai bên có hành lang tả hữu với các ban thờ nhỏ. Hậu cung thâm nghiêm là nơi thờ đức Vua Bà Lý Chiêu Hoàng.
- Đền Yên Thành. Photo ©NCCong 2015
Điểm nổi bật của ngôi đền là nghệ thuật trang trí trên các bức chạm nổi hình rồng. Kẻ, xà ngang, đấu kẻ chạm hình lá đề, vân xoắn, diềm mái phía trước tiền tế có hình hổ phù, hoa lá, chữ triện. Rất lạ là gần đây người ta đưa ban thờ Mẫu vào lấn át dần dần nhân vật Vua Bà, mặc dù sau thời Lý mấy trăm năm thì tín ngưỡng Mẫu mới ra đời.
Di tích lân cận
- Chợ Đồng Xuân: 2RQX+5J, số 1 phố Đồng Xuân.
- Chùa Am Cửa Bắc: 2RVV+H6, ngõ 29 phố Cửa Bắc.
- Chùa Châu Long: 2RVR+RP, số 112 phố Trấn Vũ.
- Chùa Hòe Nhai: 2RRW+XW, số 19 phố Hàng Than.
- Chùa Quán Huyền Thiên: 2RQX+GJ, số 54 phố Hàng Khoai.
- Cửa Bắc thành Hà Nội: 2RRR+6C, số 46 Phan Đình Phùng.
92 den Yen Thanh ©NCCông 2011-2015
[1] Theo Trần Bá Chí trích dẫn lại Ngọc phả và Cổ Mai bi ký thì Thượng vị hầu Lê Tông chính là tướng quân Trần Bình Trọng. Vào năm 1285 trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, ông bị giặc bắt được. Trước sự dụ dỗ của giặc, ông đã nói một câu nổi tiếng: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc.”