920 Tu Xa pagoda

Chùa Tứ Xã

h.Mỹ Đứcsông Đáynhà Lý

Chùa Tứ Xã tương truyền có từ thời Lý. Tên chữ: Thuỷ Vân Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1991). Vị trí: QPJ8+CH8, thôn Phú Văn, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 45 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Trước Đường Vào Thôn Dân Cư Số 7 Thôn Vĩnh Lạc Xã Mỹ Thành Khoảng 50M (xe 125)

Địa lý

Bột Xuyên là một xã nằm ven bờ tây sông Đáy, thuộc huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Xã có mã hành chính là 10459, diện tích 5,78 km², dân số 7.017 người (1999), một số theo đạo Cơ Đốc. Địa giới phía nam giáp xã An Mỹ, phía tây giáp xã Mỹ Thành, đều cùng huyện Mỹ Đức và có đường tỉnh lộ DT419 chạy qua. Địa giới phía đông bắc giáp xã Viên Nội, phía đông nam giáp xã Cao Thành, đều cùng huyện Ứng Hoà.

Xã Bột Xuyên nay gồm 7 thôn: Bột Xuyên, Lai Tảo, Mỹ Tiên, Phú Hữu, Phú Văn, Phúc Khê, Tảo Khê. Trong xã có 4 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp thành phố đã được xếp hạng.

Bia chùa Tứ Xã. Ảnh: ©NCCong 2022

Lược sử

Chùa Tứ Xã nằm ở thôn Lai Tảo có tên chữ Thuỷ Vân Tự, còn gọi là chùa Khổ. Tương truyền chùa thành lập từ thời nhà Lý, về sau mở mang thành một ngôi chùa có các điện thờ được bài trí kiểu “tiền Thần, hậu Phật”. Theo cuốn thần phả ghi niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937) lưu giữ trong chùa thì vị thần ở đây có tên là Vân Mộng. Thần còn được thờ trong động đá gần chùa và tại ngôi đền Vân Mộng, nay thuộc thôn Giáp Bốn, xã Tuy Lai.

Vân Mộng sinh ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch, hoá ngày 22 tháng Mười dưới triều vua Lý Thái Tông. Thần vốn là một cô gái người ở xã Sơn Lãng, huyện Sơn Ninh, năm 16 tuổi đã tới tu Phật ở đây. Năm 1069 giặc Chiêm Thành đến xâm lược, bà đi lánh nạn và học được nghề y. Bà về lại chùa khi giặc tan, trở thành người có uy tín nhờ những bài thuốc hay đã từng chữa trị được nhiều loại bệnh phát sinh trong vùng.

Nghi môn chùa Tứ Xã. Ảnh: ©NCCong 2022

Do nhân dân 4 thôn Bột Xuyên, Lai Tảo, Phú Hữu, Tảo Khê góp tiền vào tôn tạo nên chùa mới có tên là Tứ Xã. Chùa xưa đã trải qua trùng tu tôn tạo nhiều lần, lần lớn nhất là vào năm 1942.

Trước năm 1945 các ông Văn Tiến Dũng, Bùi Quang Tạo đã lấy chùa làm cơ sở đi lại gây dựng phong trào cách mạng vùng phía nam tỉnh Hà Đông. Trong thời kỳ chống Pháp, cơ quan hành chính kháng chiến và nhiều cán bộ cũng đã làm việc tại đây.

Kiến trúc và di vật

Chùa Tứ Xã được xây dựng trên một thế đất cao tại mé trong đê thôn Lai Tảo, mặt nhìn ra dòng sông Đáy ở phía đông, sau lưng ở phía tây là hồ Quan Sơn (đầm Vân Mộng) và đoạn đầu của dãy núi Hương Sơn. Chùa có khuôn viên khá lớn với cổ thụ che bóng mát.

Nghi môn nội chùa Tứ Xã. Ảnh: ©NCCong 2022

Mặt bằng xây dựng ban đầu chỉ bao gồm hai toà tiền đường và thượng điện với bố cục truyền thống theo hình “chữ Đinh”. Sau này mới làm thêm tam quan ngoại và tam quan nội.

Hiện vật cổ nhất còn lại trong khu vực chùa là 2 phiến đá chạm rồng đã bị mất đầu. Dựa vào dáng vẻ có thể đoán định đây là rồng tạo tác vào thời cuối Lý. Lại có bát hương thời Trần, bia đá thời Mạc, ngựa gỗ thời Lê, chuông đồng thời Tây Sơn... Chùa có một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông khá phong phú và được bài trí theo mô hình rất phổ biến ở thời Lê-Nguyễn.

Năm 1991 chùa Tứ Xã đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Tiền đường chùa Tứ Xã. Ảnh: ©NCCong 2022

Di tích lân cận

  • Chùa Phúc Khê: thôn Phúc Khê, xã Bột Xuyên, H. Mỹ Đức
  • Chùa Tử Dương: xã Cao Thành, H. Ứng Hòa
  • Đền Vân Mộng: thôn Giáp Bốn, xã Tuy Lai, H. Mỹ Đức
  • Đình Bột Xuyên: thôn Bột Xuyên, xã Bột Xuyên, H. Mỹ Đức
  • Đình Phú Hữu: thôn Phú Hữu, xã Bột Xuyên, H. Mỹ Đức
  • Đình Phúc Khê: thôn Phúc Khê, xã Bột Xuyên, H. Mỹ Đức

920 Tu Xa pagoda ©NCCông 2021-2022