921 Dong Tác pagoda
Chùa Đông Tác (Long Nhương tự)
chùaThanh Hoáthời Lê trung hưngChùa Đông Tác có từ cuối thế kỷ XVIII, xây lại vào đầu thế kỷ XXI. Tên chữ: Long Nhương tự, Long Khánh tự. Vị trí: RQGG+V8, phố Đông Tác, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. Tọa độ: 19°49’38"N 105°46’33"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 150km (hướng 6h). Điểm dừng xe khách gần nhất: Bến xe phía Bắc trên đường Bà Triệu.
Lược sử
Chùa Long Nhương xưa ở làng Đông Tác, nay ở phố Đông Tác, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa. Chùa có tên chữ là “Long Nhương tự” và “Long Khánh tự”. Các bậc cao niên trong làng cho biết, tên “Long Nhương tự” có trước, còn tên “Long Khánh tự” mới được đặt vào thế kỷ XIX. Theo truyền thuyết địa phương, chùa Đông Tác gắn bó kỷ niệm với anh hùng Nguyễn Huệ, người đã đặt tên chữ “Long Nhương tự” cho chùa này vào cuối thế kỷ XVIII. [1]
Hồi cuối thế kỷ XIX, chùa Đông Tác là nơi tập hợp của các văn thân, sĩ phu tham gia vào lực lượng nghĩa quân chống Pháp của Đề đốc Trần Xuân Soạn – một vị thủ lĩnh Cần Vương, người Thọ Hạc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chùa là địa điểm sơ tán của nhà Ga Thanh Hóa. Chùa chính, Nhà tổ, Nhà khách và phủ Mẫu đã trở thành nơi cất giữ hàng hóa, vũ khí, lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Năm 1975, toàn bộ kiến trúc của chùa chính và phủ Mẫu bị phá dỡ. Sau đó, đất chùa được chia cho một số hộ dân nên chỉ còn lại ao, giếng chùa và đất phủ Mẫu.
-
- Chùa Đông Tác (Long Nhương tự)
Đến đầu thế kỷ XXI, thể theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho làng Đông Tác xây lại ngôi chùa với dáng vẻ truyền thống trên một diện tích nhỏ khoảng 200m2, chỉ gồm 3 gian Tiền đường và Hậu cung kết nối theo hình “chữ Đinh”. Mười năm sau chùa được mở rộng, hoà đồng kiến trúc của phủ Mẫu (tức phủ Thiên Tiên) vào trong khuôn viên hoành tráng của ngôi chùa mới nhưng vẫn quay mặt ra Quốc lộ 10 ở phía đông nam (xưa kia chùa ban đầu quay về phía tây nam).
Kiến trúc
Cảnh trí hiện tại của chùa Long Nhương có sự mở rộng và tôn cao so với lần xây lại vào cuối thập kỷ 2000. Một ngôi chùa mới với quy mô bề thế 2 tầng đã mọc lên tại khu đất của chùa cũ nằm sát cạnh phố Đông Tác. Chùa chính gồm 5 gian Tiền đường và Hậu cung sâu 3 gian, phía sau là phủ Mẫu. Tất cả các sàn đều sử dụng cấu trúc bê tông cốt thép.
-
- Tiền đường chùa Đông Tác
Cụ thể Tiền đường xây 2 tầng 4 mái chảy, 11 bậc thềm bằng đá dẫn thẳng lên hàng hiên rộng với các cột cũng bằng đá vây quanh 3 mặt. Nhà Hậu cung kết nối với Tiền đường theo hình “chữ Đinh”. Cách một khoảng sân rộng là phủ Mẫu rộng 7 gian, cũng xây 2 tầng 4 mái chảy và mặt bằng kiến trúc vẫn theo hình “chữ Đinh” tuy hậu cung chỉ sâu 2 gian.
Hiện vật
Hiện nay chùa Đông Tác còn lưu giữ được 8 pho tượng cổ rất có giá trị như: tượng Tam Thế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đức Ông, Thánh Tăng… Ngoài hệ thống tượng Phật, tượng Mẫu, trong chùa còn có nhiều hiện vật mới, chủ yếu là các đồ thờ như đỉnh hương, lư lương, chân đèn, chân nến, chim hạc… đều bằng đồng, các loại mâm bồng, quả hộp, lọ hoa, lục bình bằng gỗ, bằng sứ… Đặc biệt, các tín đồ Phật tử đã cung tiến 4 quả chuông đồng đúc theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hai quả chuông lớn đều có chiều cao 1,2m và đường kính miệng 0,40m.
-
- Phủ Mẫu chùa Đông Tác
Di tích lân cận
- Đền Lê Lai: X9FV+534, thôn Tép, xã Kiên Thọ, H. Ngọc Lặc.
- Đền các vua Lê Trung Hưng: XGFM+GJR, WG47+8J9, thôn Dê, xã Xuân Sinh, H. Thọ Xuân.
- Đền vua Lê Hoàn: XGFM+GJR, xã Xuân Lập, H. Thọ Xuân.
- Lam Kinh: WCH4+JQG, QL47, xã Xuân Lam, H. Thọ Xuân.
- Thành Nhà Hồ: 3JF4+PP, H. Vĩnh Lộc.
Chú thích
[1] Năm 1776 Nguyễn Nhạc tự xưng Tây Sơn vương, phong cho em là Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Năm 1788 Nguyễn Huệ trở thành Hoàng đế thứ hai của triều Tây Sơn, hiệu là Quang Trung.
©NCCong 2019-2022, Dong Tác pagoda 921