928 Ngo Sai Community Hall
Đình Ngô Sài
h.Quốc Oaisông TíchĐỗ Cảnh ThạcĐình Ngô Sài khởi dựng năm 1766. Thờ 2 thành hoàng: Ả Lã Nàng Đê và Đỗ Cảnh Thạc. Xếp hạng: di tích quốc gia (1990). Vị trí: XJWM+7WG, thôn Ngô Sài, TT Quốc Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 27 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 TL419 - Đại lộ Thăng Long (xe 74, 88, 89, 107)
Địa lý
Thị trấn Quốc Oai nay thuộc huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, cách Bến đỗ xe Bờ Hồ khoảng 27 km về phía tây nam. Tổng diện tích đất tự nhiên là 5,1 km², dân số năm 1999 là 10.920 người, mật độ dân số đạt 2.141 người/km². Thị trấn được thành lập vào ngày 23-12-1988 trên cơ sở giải thể xã Hoàng Ngô của huyện Quốc Oai; khi đó xã có tổng diện tích đất tự nhiên 483,9 ha và dân số 9.302 người.
Địa giới phía nam thị trấn giáp xã Đồng Quan; phía đông bắc giáp xã Yên Sơn; phía tây giáp xã Ngọc Mỹ; phía tây nam giáp xã Thạch Thán; phía tây bắc giáp xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất). Giao thông có các tuyến xe bus 74, 88, 107 chạy trên Đại lộ Thăng Long theo trục đông-tây; xe bus 87, 89, 163 chạy trên đường bắc-nam và tỉnh lộ DT419. Bên xã Yên Sơn còn có con sông Đáy chảy từ bắc xuống nam.
- Cổng đình Ngô Sài. Photo ©NCCông 2022
Lược sử
Xưa kia thôn Ngô Sài từng được gọi là Sài Trang, đến đời Lê mới đổi tên. Trước năm 1945 thuộc tổng Hoàng Xá, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Chính quyền VNDCCH sau Cách mạng tháng 8 bỏ huyện An Sơn, đổi phủ Quốc Oai thành huyện Quốc Oai. Nay thôn Ngô Sài thuộc khu vực phía tây trong thị trấn Quốc Oai, phía bắc giáp đường Đại lộ Thăng Long.
Thôn Ngô Sài có một ngôi đình lớn, toà đại bái được xây vào thời Lê nhưng bị hạ giải rồi phục dựng sau đó vào năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766) theo như ghi chép trên một tấm bia đá còn dựng tại đây. Bên trong hậu cung đình thờ công chúa Ả Lã Nàng Đê và sứ quân Đỗ Cảnh Thạc làm thành hoàng làng.
- Sân đình Ngô Sài. Photo ©NCCông 2022
Bản ngọc phả viết Ả Lã Nàng Đê là một người con gái của Hùng Vương. Nàng được vua yêu quý cho đi du ngoạn khắp nơi. Đến Sài Trang do mến cảnh đẹp nàng xin cha cho ở lại sinh sống. Nàng giúp dân khai khẩn đất hoang trồng lúa và dệt vải nên sau khi hoá đã được dân lập miếu thờ. Đỗ Cảnh Thạc là một đại tướng giúp Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán tại Bạch Đằng. Ngài trấn giữ ở vùng Quốc Oai, Thanh Oai và trở thành một sứ quân. Sau khi hoá ngài được dân lập miếu thờ và tôn vinh là Đức Vua Ông.
Kiến trúc
Đình Ngô Sài đã trải qua tôn tạo, sửa chữa nhiều lần; gần nhất có đợt trùng tu toà đại bái bằng bê tông vào năm 2006. Ngôi đình nằm giữa khuôn viên rộng, cổng xây kiểu nghi môn tứ trụ mở về phía tây nam nhìn qua bức bình phong đắp cuốn thư ra một ao vuông. Sau cổng là sân đình với dãy nhà tả hữu mạc ở hai bên. Toà đại bái ở giữa rộng 5 gian, 2 chái, 4 mái chảy có các đầu đao cong cong.
- Trong đình Ngô Sài. Photo ©NCCông 2022
Lưng đại bái xây như một nghi môn nhìn qua sân ngắn sang toà trung đường 3 gian 2 dĩ có hàng hiên vây quanh, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long trào nguyệt. Bên trong có nhiều bức chạm khắc mang phong cách dân dã. Tiếp theo là toà hậu cung xây chồng diêm 2 tầng 8 mái với các đầu đao cong vút hình rồng. Cả 2 toà được làm lại vào thời Nguyễn, hiếm thấy ở nơi khác. Hậu cung có 3 cửa, bên trong có 4 cột cái liên kết bằng các xà ngang, xà dọc bào trơn đóng bén. Cuối cùng là cửa võng trang trí hình rồng, phượng, điểu, mai, tùng, lộc, hai bên có mãnh hổ.
Di vật
Đình Ngô Sài mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVIII-XIX. Ngoài các tác phẩm chạm khắc trên gỗ với các đề tài tứ linh, tứ quý, đình còn bảo lưu được 3 tấm bia đá, những bức hoành phi, câu đối, đồ tế khí và nhiều đồ tiến cúng khác mang niên đại thời Nguyễn.
Năm 1990 đình Ngô Sài đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Đồng Bụt: xã Ngọc Liệp, Quốc Oai.
- Chùa Ngọc Phúc: xã Ngọc Liệp, Quốc Oai.
- Chùa Phú Mỹ: xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai.
- Đình Ngọc Than: xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai.
- Đình Phú Mỹ: xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai.
- Động Hoàng Xá: thị trấn Quốc Oai.
©NCCông 2021-2022, Ngo Sai Community Hall