940 Ngoai Binh Da village hall
Đình Ngoại Bình Đà
huyện Thanh Oaithời Lýsông ĐáyĐình Ngoại Bình Đà có từ lâu đời, năm 1993 được phục dựng. Thờ: hoàng tử Linh Lang nhà Lý. Lễ hội: 24-26 tháng Hai âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: VQR7+3FG, thôn Bình Đà, xã Bình Minh, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 22 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Qua Ngã 3 Tỉnh Lộ 427 (xe 78, 91), Đối Diện Bưu Điện Bình Đà (94, 103A, 103B).
Lược sử
Từ trung tâm thủ đô Hà Nội du khách đi về quận Hà Đông theo đường Quang Trung đến Ba La rẽ trái xuôi theo quốc lộ QL21B khoảng 7km sẽ đến Bình Đà. Làng này trước kia nổi tiếng với nghề buôn bán và sản xuất pháo, sau bị cấm. Cách nay quãng 4000 năm, cư dân cổ đại đã từng định cư tại nơi đây, xét theo kết quả khảo cổ học do phát hiện được trống đồng cùng các hiện vật khác của nền văn hoá Đông Sơn.
Tương truyền cuối thế kỷ X, sứ quân Đỗ Cảnh Thạc từng đóng đồn ở Bảo Đà (sau gọi là Bình Đà, thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), xây chùa Linh Thạc và trồng một cây Trôi. Năm 1032, vua Lý Thái Tông đã tổ chức lễ hội Tịch Điền đầu tiên tại cánh đồng làng này. Đình Ngoại Bình Đà thờ hoàng tử Linh Lang nhà Lý là một người có công đánh giặc Tống xâm lược, cứu giúp dân.[1]
-
- Nhà khách, giếng vuông và cổng đình nhìn từ trong ra. Ảnh NCCong ©2018
Đình Ngoại Bình Đà có từ lâu đời nhưng năm 1947 bị phá huỷ nặng nề chỉ còn lại toà hậu cung. Năm 1993 toàn bộ di tích được phục dựng. Năm 2012, sau 13 tháng xây dựng đình đã hoàn thành đại tu với sự đầu tư hơn 20 tỷ đồng của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và UBND TP Hà Nội.
Ngày 16-3-1985 tại quyết định số 23 VH/QĐ, đình Ngoại Bình Đà đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Cổng đình là một nghi môn tứ trụ mở ra quốc lộ QL21B. Khách đi qua sẽ thấy trước mặt là nhà khách và bên trái là một giếng vuông to rồi đến tam quan nội, bên hữu có một tấm bia đá. Toà tiền tế 2 tầng 8 mái đao cong, mặt nhìn về phía tây nam qua cây cầu bắc trên ao. Tiếp theo là toà đại bái đã qua trùng tu, gian giữa kết nối với hậu cung 3 gian dọc mang niên đại thời Nguyễn (1918) tạo thành hình “chữ Đinh”.
-
- Giếng và tam quan nội. Ảnh NCCong ©2018
Di sản
Lễ hội Bình Đà được mở chính thức từ ngày 24 tháng Hai và kéo dài đến mùng 6 tháng Ba âm lịch hằng năm, trong đó ngày 26 tháng Hai là lễ giỗ Đức Thành hoàng Linh Lang đại vương tại đình Ngoại với lễ vật đặc biệt là bò đực thui cả con và mùng 6 tháng Ba là lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, nhân dân Bình Đà rước kiệu từ đình Nội ra đình Ngoại với mong muốn mang sắc của Đức Quốc tổ truyền cho Linh Lang.
Trong dịp này có rước lễ vật dâng thánh gồm cỗ nhất làm lễ phẩm đình Nội, cỗ nhì làm lễ phẩm đình Ngoại. Tất cả đều là cỗ chay với 100 phẩm oản, 100 quả chuối, 100 miếng cau và 100 chiếc ghế chéo dành cho 100 người con của Lạc Long Quân về dự. Lại có lễ rước bánh vía đặt trong hộp gỗ, gồm 3 chiếc bánh thuỷ, 12 phẩm oán, 1 tráp trầu cau, 100 tờ tiền mã rước ra giếng Cả thả xuống hiến cho thần Giao Long tức Đức Quốc tổ.
-
- Toà tiền tế và đại bái. Ảnh NCCong ©2018
Di tích lân cận
- Chùa Bối Khê: VQJP+HQ, xã Tam Hưng.
- Chùa Thượng Thanh (Diên Phúc Tự): VQQ4+VV, xã Thanh Cao.
- Đình Đàn Viên: VQW3+88, xã Cao Viên.
- Đình Nội Bình Đà: VQV8+RP, Bình Minh.
- Miếu Cai Công (Thượng Thanh): VQQ4+HJ, xã Thanh Cao.
Chú thích
[1] Theo truyền thuyết, Linh Lang tên là Hoàng Chân, hoàng tử thứ tư. Năm 1076 nhà Tống sai Triệu Tiết, Quách Quỳ thống lĩnh đại quân xâm lược nước ta. Hoàng tử xin vua cha một ngọn cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi đực, chỉ huy đoàn quân cùng thân binh xông ra trận đánh tan tác giặc phải rút chạy về nước. Hoàng Chân trở về Trại, ít lâu sau bị bệnh nặng, hóa thành giao long trườn mình xuống hồ Dâm Đàm biến mất.
©NCCông 2015-2021, Ngoai Binh Da village hall