942 Thanh Than Village Hall

Đình Thanh Thần

h.Thanh Oaisông ĐáyThục Phán

Đình Thanh Thần có từ thời Lê trung hưng. Thờ 2 vị đại vương Hoằng Trị và Thiên Đá, tướng của An Dương Vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: VQM2+5QQ, xã Thanh Cao, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 23km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 TL427 (xe 78, 91)

Địa lý

Làng Thanh Thần nằm ở phía nam con đường Bình Minh - Thanh Cao từ thôn Thượng Thanh đi sang thôn Cao Mật Thượng. Nơi đây vốn thuộc trang Thượng Thanh Thần, một vùng đất cổ nằm ven sông Đáy (tên chữ Hát Giang). Trải qua thời gian, sông Đáy đổi dòng để lại dấu tích là hồ Thanh Đàm, sau được ngăn thành mấy cái đầm, lớn nhất là đầm Cao Viên và đầm Thanh Cao.

Thượng Thanh Thần từ một trang trại thời nhà Lý trở thành một xã của hương Thanh Oai. Đến đầu thời Nguyễn, xã Thượng Thanh Thần thuộc về tổng Nga My, huyện Thanh Oai. Năm 1945, tổng Nga My đổi thành xã, sau đó tách làm hai xã Thanh Mai và Thanh Cao. Xã Thanh Cao có diện tích 4,64 km², dân số năm 2018 là 10.000 người, mật độ dân số đạt 2.153 người/km².

Đình Thanh Thần: chạm khắc. Ảnh ©NCCong 2022

Lược sử

Thôn Thanh Thần ngày nay thuộc xã Thanh Cao, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Dân làng nổi tiếng với nghề dệt khăn, dệt vải, dệt len. Đình Thanh Thần được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX dưới thời Lê trung hưng. Đến niên hiệu Bảo Đại (1925-1945) đã có đợt trùng tu lớn và định hình kiến trúc đến tận bây giờ.

Trong hậu cung đình có thờ nhị vị thành hoàng làng là Hoằng Trị đại vương và Thiên Đá đại vương, khai quốc công thần của Đức vua Thục Phán An Dương Vương. Ven đầm Thanh Cao còn có một ngôi miếu cùng tên và cũng thờ các vị đại vương này. Không xa về phía đông nam trên đất bãi Rồng ven sông Đáy đã phát hiện chiếc chuông Thanh Mai có niên đại năm 798, được công nhận là bảo vật quốc gia.

Đình Thanh Thần: sân. Ảnh ©NCCong 2022

Kiến trúc

Đình Thanh Thần nhìn chếch về phía đông nam. Trước đình là một bức bình phong đắp cuốn thư và ao nhỏ hình bán nguyệt, xa hơn là vườn hoa và cánh đồng lúa đang bị đô thị hoá. Cổng đình kiểu nghi môn tứ trụ mở ra con đường làng, tường hai bên đắp nổi hình đôi voi có bành cưỡi. Sau cổng là sân với hai dãy tả hữu mạc ở hai bên.

Toà đại bái gồm 3 gian 2 chái, cửa bức bàn đóng đố lụa ván bưng. Mái lợp ngói ri, bờ nóc gắn hình các linh thú, 4 đầu đao cong cong. Đình cao 5,5m, dài 15m, rộng 8m, nền cao. Bên trong có các bộ vì kiểu “chồng rường, giá chiêng” dựa trên 4 hàng chân cột tròn vẫn còn dấu vết mộng của sàn gỗ. Toà hậu cung dài 8m rộng 4,5m kết nối với gian giữa toà đại bái thành hình chuôi vồ, tại đây còn một vì kèo kiểu “chồng rường con nhị” với phong cách thời Lê.

Đình Thanh Thần: hổ phù. Ảnh ©NCCong 2022

Di sản

Tại toà đại bái các câu đầu, cốn, đầu dư, đầu bẩy, đầu đỡ có chạm khắc công phu những hình tứ linh và hoa lá cách điệu. Các bức cốn ở gian giữa chạm khắc hình tứ linh, long cuốn thuỷ, long mã, kim quy, phượng vũ thể hiện quyền uy và sức mạnh của nhị vị thành hoàng. Các vì kèo ở gian bên được trang trí tỉ mỉ với bức cốn chạm hình hổ phù mặt quỷ dữ tợn, miệng ngậm chữ, chân tỳ lên đỉnh đôi lân trông rất sinh động.

Trong hậu cung đình có nhiều hoành phi và câu đối chữ Hán, đặc biệt còn giữ được 21 đạo sắc phong thần, đạo sớm nhất mang niên hiệu Dương Đức thứ 3 (1674). Lễ hội đình làng được chính quyền và nhân dân sở tại tổ chức hằng năm từ ngày 10 đến 12 tháng Hai âm lịch.

Đình Thanh Thần: cổng. Ảnh ©NCCong 2022

Năm 1990 đình Thanh Thần đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2018-2022, Thanh Than Village Hall