952 Giong Mot village hall

Đình Gióng Mốt

huyện Gia Lâmsông Đuốngthời Huyền sửđình, quán

Đình Gióng Mốt được xây vào thế kỷ XVIII. Thờ: Đức Thánh Gióng, đức Thánh Mẫu, và đại vương Nguyễn Nộn. Lễ hội: 9 tháng Tư âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 2XP6+3HJ, Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 15 km (hướng 3 h). Trạm bus lân cận: Cty May Nam Sơn - Đường Ỷ Lan (xe 52b)

Địa lý

Đặng Xá là một xã nông nghiệp thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã có mã hành chính 00556, tổng diện tích đất tự nhiên 6,24 km², dân số năm 2022 là 20.251 người, mật độ dân số đạt 3.245 người/km². Địa giới phía đông bắc và phía bắc giáp sông Đuống (bên kia sông là xã Phù Đổng), phía đông và phía nam giáp xã Phú Thị, phía tây giáp xã Cổ Bi và thị trấn Trâu Quỳ.

Trên địa bàn xã Đặng Xá có 10 thôn cổ nằm ở hai bên đoạn đường Ỷ Lan đi từ Phố Sủi ra đê, tức đường 179 cũ. Đó là: thôn Lời (còn gọi thôn Lê), thôn Hoàng Long (do thôn Hoàng Hà sáp nhập với thôn Sa Long từ năm 1948), thôn Viên Ngoại (Kẻ Ngoài), thôn Nhân Lễ (thôn Lợ), thôn Kim Âu (làng Âu), thôn An Đà (Kẻ Già), thôn Đặng (Kẻ Đặng), thôn Cự Đà (làng Gồm), thôn Lở (thôn Lễ), và thôn Đổng Xuyên (Gióng Mốt, tức Kẻ Gióng).

Cổng đình Gióng Mốt. Photo ©NCCong 2022

Lược sử

Thôn Đổng Xuyên tên Nôm là Kẻ Gióng, thường gọi là Gióng Mốt bởi vì dân cư làng này vốn có cùng một gốc với dân làng Gióng tức thôn Phù Đổng ở bên kia sông Đuống. Trong hậu cung đình Gióng Mốt cũng thờ đức Thánh Gióng và đức Thánh Mẫu là mẹ ngài. Ngoài ra tại đây còn phối thờ đại vương Nguyễn Nộn là một danh thần sống ở cuối thời Lý.

Theo thần tích, trước làng Gióng Mốt có một tảng đá lớn với chỗ lõm như dấu chân của người khổng lồ, tương truyền gọi là Ông Đổng. Dưới thời đức Hùng vương thứ 6 một phụ nữ nghèo chuyên nghề trồng cà, tình cờ buổi sớm đi hái cà đã thử ướm chân mình lên vết chân đó và mang thai, sau sinh ra một bé trai.

Tượng Thánh Gióng trong hậu cung đình Gióng Mốt. Photo ©NCCong 2022

Năm cậu lên 3 vẫn chưa biết nói. Bỗng giặc Ân xâm lược nước ta, đức vua phải cho người đi khắp nơi cầu hiền tài. Nghe tiếng loa cậu chợt cất tiếng bảo mẹ gọi sứ giả vào rồi vụt lớn lên thành chàng trai và ăn hết cơm cả làng nấu cho. Chàng mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt và dùng gậy sắt đập tan quân địch... Đời sau tôn vinh thành đức Thánh Gióng, một vị trong “tứ bất tử” được rất nhiều nơi dựng đền thờ cùng bà mẹ.

Đình và chùa Gióng Mốt xưa kia được dựng ở Cố Viên tức trên mảnh vườn cũ của bà mẹ tại xã Phù Đổng. Đến thời Lý đình và chùa di chuyển về ngoài bãi sông, quay về phía đông nam. Sau do chiến tranh, lụt lội và lở đất bãi nên chỉ còn lại ngôi nhà Tổ của chùa. Năm 1967 thôn Đổng Xuyên được tách về xã Đặng Xá thì dân làng mới xây lại thành cụm đình và chùa ở khu đất trong đê Hữu Đuống.

Sân đình Gióng Mốt. Photo ©NCCong 2022

Kiến trúc

Đình làng Gióng Mốt nhìn về phía đông nam ra cánh đồng. Cổng làm kiểu tam quan, 3 chiếc cửa sắt giáp với con đường làng. Toà đại đình 3 gian 2 dĩ nối với hậu cung thành hình “chữ Đinh”. Hậu cung gồm 3 gian nhỏ xây bệ, gian giữa đặt ngai, bài vị thờ đức Thánh Gióng, hai gian bên thờ đức Thánh Mẫu và đại vương Nguyễn Nộn. Đại đình nằm liền với toà tiền tế 3 gian của ngôi chùa ở bên hữu. Cả hai xây tường hồi bít đốc tay ngai, các mái đều lợp ngói vẩy hến.

Di sản

Từ xưa đến nay, hằng năm cứ đến ngày 9 tháng Tư âm lịch nhân dân ở hai bên sông Đuống thuộc 5 thôn: Phù Đổng, Phù Dực, Hội Xá, Đổng Xuyên, Đổng Viên lại cùng nhau long trọng tổ chức lễ hội tưởng niệm đấng anh hùng làng Gióng. Còn lễ tưởng niệm đức Thánh Mẫu thì được tổ chức vào ngày 21 tháng Hai âm lịch.

Trong đại đình Gióng Mốt. Photo ©NCCong 2022

Năm 1995 ngôi đình [và chùa] làng Gióng Mốt đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2022, Giong Mot village hall 952