960 Thon Vang pagoda

Chùa Thôn Vàng (Giáo Linh Tự)

huyện Gia Lâmthời Lê trung hưngsông Đuống

Chùa Thôn Vàng có ít nhất từ thời Lê trung hưng. Tên chữ: Giáo Linh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 2WMQ+VPR, xã Cổ Bi, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 14 km (hướng 3 h). Trạm bus lân cận: Đối Diện Bưu Điện Trâu Quỳ - Nguyễn Đức Thuận (xe 11, 40, 52a, 52b, 100, CNG02)

Địa lý

Xã Cổ Bi nằm phía nam sông Đuống, nay thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Xã có tổng diện tích 503 ha, dân số năm 2012 là 10.254 người. Địa giới phía bắc giáp 2 xã Dương Hà, Phù Đổng; phía nam giáp thị trấn Trâu Quỳ và quốc lộ QL5; phía đông giáp xã Đặng Xá; phía tây giáp quốc lộ QL1B và phường Phúc Lợi. Xã có 3 thôn cổ là: Thôn Vàng, Thôn Hội, Thôn Cam.

Sân chùa Thôn Vàng. Photo ©NCCông 2022

Cổ Bi từng là nơi đóng đại bản doanh của quân đội các triều đại: Hai Bà Trưng, nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Trần, nhà Lê. Chúa Trịnh Cương cho xây hành cung đặt tên là phủ Kim Thành, định cho dời đô về đây. Đại Việt sử ký toàn thư viết Cổ Bi thời vua Hùng thuộc bộ Vũ Ninh. Đến thời Lý thuộc đất Long Biên, phủ Thuận Đức; thời Trần thuộc lộ Bắc Giang, phủ Thuận An, đạo Diên Bắc; thời Lê thuộc trấn Kinh Bắc; thời Nguyễn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Lược sử

Chùa Thôn Vàng tên chữ là Giáo Linh Tự, nay thuộc xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Chùa tồn tại ít nhất từ thời Lê trung hưng căn cứ vào nội dung tấm bia đá cổ nhất còn lại có niên đại Long Đức thứ ba (1734). Có tuổi lâu đời như thế lại nằm sát cạnh sông Đuống xưa kia thường bị lụt lội cho nên chùa không còn giữ được dấu tích xây dựng ban đầu.

Chính điện chùa Thôn Vàng. Photo ©NCCông 2022

Vào giữa thế kỷ XIX dưới thời vua Tự Đức chùa đã từng phải di chuyển một lần. Do đất bãi sông Đuống bị lở trong thời kỳ trước cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược, chùa lại phải di chuyển một lần nữa vào vị trí ngày nay. Tuy nhiên phần lớn số hiện vật và kiến trúc cũ với phong cách nghệ thuật thời cuối Lê và thời Nguyễn vẫn được bảo tồn.

Kiến trúc

Chùa Giáo Linh Tự nằm liền kề bên tay trái ngôi đình Thôn Vàng. Lưng chùa dựa vào chân con đường đê Vàng, mặt nhìn về phía tây nam qua cổng tam quan gồm 3 cánh cửa mở ra đường làng. Sau tượng đài Quan Âm trên sân gạch là toà tiền đường gian xây tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì làm theo kiểu chồng rường và đỡ lấy bộ mái lợp ngói vẩy cá, đè nặng lên 6 hàng chân cột kê đá tảng. Tại gian giữa hai đầu dư phía ngoài chạm rồng đỡ quá giang, phía trong không chạm rồng mà tạo hình hai con nghê.

Sân sau chùa Thôn Vàng. Photo ©NCCông 2022

Toà hậu cung sâu 4 gian kết nối với gian giữa tiền đường thành hình “chữ Đinh”. Hai bên có cửa nách ăn thông với sân sau và dãy nhà Tổ, nhà Mẫu. Trong sân sau có một quả đại hồng chung mới đúc gần đây.

Di vật

Chùa Giáo Linh Tự nổi tiếng với nhiều mảng chạm khắc đẹp trên gỗ. Bên cạnh các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối cổ còn có những tấm bia đá khắc chữ Hán phong phú về nội dung và niên đại, trong đó có tấm bia cổ nhất được dựng năm Long Đức thứ ba (1734). Chùa bài trí một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông khá đầy đủ. Đáng chú ý là bộ tượng Tam thế Phật ngồi thiền định trên toà sen và ngay bên dưới là pho A Di Đà mang phong cách nghệ thuật thời Lê trung hưng.

Cổng chùa Thôn Vàng. Photo ©NCCông 2022

Ngày 16/1/1995, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ký Quyết định số 65QĐ/BT xếp hạng chùa Giáo Linh Tự và đình Thôn Vàng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2019-2022, Thon Vang pagoda