962 Thuan Ton village hall
Đình Thuận Tốn
h.Gia Lâmsông HồngLê trung hưngĐình Thuận Tốn có ít nhất từ thời Lê trung hưng. Thờ: Bát Bộ Ma Vương và Đại Ma Vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: XWQH+M44, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 14km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: Trạm Y Tế Xã Đa Tốn.
Địa lý
Thôn Thuận Tốn thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Xã vốn là một vùng đất cổ còn lưu nhiều dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn như thạp đồng, vũ khí, tiền cổ và các dụng cụ khác bằng đồng. Xã có diện tích tự nhiên 716 ha và hơn 3000 hộ dân với khoảng 12.000 người sống trong 5 thôn: Khoan Tế, Lê Xá, Đào Xuyên, Ngọc Động, Thuận Tốn.
Xã Đa Tốn ở gần sông Hồng, vết tích của những lần thay đổi dòng chảy là con Đầm Dài - về sau bị chia cắt thành ao hồ trước mặt các đình, chùa của hai làng Thuận Tốn và Khoan Tế. Theo truyền thuyết trâu vàng Kim Ngưu nghe tiếng mẹ gọi bèn chạy từ Văn Giang (Hưng Yên) về Hồ Tây; dọc đường đi đã làm lún một phần cánh đồng thành con Đầm Dài.
Lại có thuyết nói Đầm Dài là khúc cạn của sông Đài Bi thời cổ, vốn là một nhánh lượn vòng của sông Nghĩa Trụ trước khi đổ vào sông Hồng. Sông Đài Bi từ năm 1961 đã được cải tạo thành một nhánh của con kênh đào Bắc Hưng Hải.
Lược sử
Đình Thuận Tốn được khởi dựng có thể cùng thời gian với miếu Cầu Vương tức vào khoảng thời Lê trung hưng. Căn cứ vào đạo sắc phong thần sớm nhất cho thành hoàng làng có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) ta dễ dàng đoán rằng ngôi đình đã ra đời sớm hơn thời gian đó. Trong hậu cung đình thờ hai vị thần là anh em được ban mỹ tự Bát Bộ Ma Vương và Đại Ma Vương; tuy nhiên chưa thấy có tài liệu nào nói rõ thân thế và sự tích của họ.
Năm 1996, đình [và chùa] Thuận Tốn được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Đình Thuận Tốn đã trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo, đầu thế kỷ XXI lại được đại trùng tu nhưng vẫn giữ khá nguyên vẹn kiến trúc thời Nguyễn. Đình quay về phía tây nam, nhìn qua ao sen sang chùa làng. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, phía sau là một sân rộng lát gạch Bát Tràng.
Toà tiền tế gồm năm gian hai chái, gian giữa rộng lòng hơn các gian bên. Bốn mái chảy lợp ngói mũi hài, các góc mái uốn cong mềm mại. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, ở giữa gắn mặt nguyệt, hai đầu trang trí hình linh thú. Toà thiêu hương là một nếp nhà ba gian nối gian giữa tiền tế với hậu cung và được xây theo kiểu hai tầng bốn mái, đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi phía ngoài đắp nổi mặt hổ phù.
Hậu cung 1 gian 2 chái, 4 mái với 4 góc đao cong vút. Hai bộ vì chính có kết cấu giống nhau làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ đấu kê”. Trang trí tại hậu cung chủ yếu tập trung trên các vì gỗ, các nét chạm trổ ở đây mang phong cách nghệ thuật thời Lê – Nguyễn.
Di sản
Hiện trong đình còn lưu giữ 01 cỗ kiệu bát cống bằng gỗ được chạm trổ tinh vi tạo tác vào thế kỷ XIX; 01 đôi chóe sứ men trắng với các hình rồng, mây, hoa lá dùng trong lễ rước nước; 01 bát hương, 02 lọ độc bình, 01 đỉnh đồng, 02 cây nến bằng đồng cùng đồ bát bửu và cỗ hậu bành là những cổ vật có giá trị cao. Các triều đại từ Lê, Tây Sơn đến Nguyễn đã ban tặng 15 đạo sắc phong cho Bát Bộ Ma Vương (10 sắc) và Đại Ma Vương (5 sắc), trong đó sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924).
Hằng năm cứ ngày 11 tháng 2 âm lịch, dân làng Thuận Tốn rước đôi chóe sứ đi từ miếu Cầu Vương xuống chùa xóm Nội để lấy nước giếng chùa, sau đó quay về miếu Cầu Vương để làm lễ mộc dục. Ngày 12 vào chính hội thì rước kiệu về đình và tổ chức tế lễ tại đây cho đến khi hết hội lại rước về miếu.
Di tích lân cận
- Chùa Đào Xuyên: thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn.
- Chùa Khoan Tế (Cự Đà Tự): thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn.
- Chùa Thuận Tốn (Linh Ứng Tự): thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn.
- Đình Bát Tràng: thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng.
- Đình Đông Dư Hạ: thôn Đông Dư Hạ, xã Đông Dư.
- Đình Ngọc Động: thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn.
962: Đình Thuận Tốn ©NCCong 2015-2022