964 Chu Xa village hall & Chu Cu Van’s mausoleum

Đình Chử Xá, lăng Chử Cù Vân

sông Hồngh.Gia LâmChử Đồng Tử

Đình (hay đền) Chử Xá có từ trước năm 1675. Thờ: Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Hữu phu nhân, cùng Càn Hải đại vương và nhị vị thành hoàng bản thổ. Lễ hội: 17-19 tháng Giêng âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí đình: thôn Chử Xá, xã Văn Đức, WVRX+MM4, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 25 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Trạm Y Tế Xã Kim Lan.

Truyền thuyết

Dưới thời Hùng Duệ Vương, ở làng Chử Xá có ông Chử Cù Vân và bà Bùi Thị Gia, sinh được một trai gọi là Chử Đồng Tử (bé Chử). Ông ở vậy nuôi con sau khi bà mất. Nhà nghèo lại bị hỏa hoạn, hai cha con chỉ còn một cái khố, ai đi ra đường thì mới dùng. Mấy năm sau ông cũng qua đời, con liệm khố cho cha. Chàng thui thủi sống một mình, mờ sáng đã ra sông Hồng bắt cá rồi lội đến mạn thuyền buôn để đổi lấy gạo rau.

Đức vua lúc ấy có cô con gái đẹp tên là Tiên Dung, lớn lên chỉ thích du chơi. Một hôm nàng dẫn tuỳ tòng dong buồm xuôi dòng sông Hồng đến vùng Chử Xá xinh tươi. Nhìn thấy đoàn thuyền rồng từ xa đi tới, Chử Đồng Tử liền lội vào bãi lau và vùi mình xuống cát. Công chúa đến đó tự nhiên cho dừng thuyền và cùng nữ tỳ lên bờ quây màn tắm, ai ngờ đúng nơi chàng náu. Người đời sau gọi bãi ấy là bãi Tự Nhiên, nay vẫn còn di tích.

Cổng lăng Chử Cù Vân. Photo ©NCCông 2022

Tiên Dung dội nước làm cát trôi, lộ ra một thân hình lực lưỡng không quần áo. Giật mình, nàng vội đưa khăn cho chàng rồi dò hỏi ngọn ngành. Cảm động với chàng trai thật thà và hiếu thảo, nàng nói: “Ta và chàng gặp nhau ở đây chắc có ông Trời xe duyên”. Nàng bèn tự quyết làm lễ kết hôn ngay trên thuyền. Vua Hùng nghe tin nổi giận, đùng đùng từ bỏ công chúa.

Chử Đồng Tử theo vợ lên thuyền ra biển kiếm sống, được một đạo sĩ dạy nghề làm thuốc và tặng cho gậy thần, nón tiên. Một lần đến vùng Khoái Châu chữa bệnh xong thì trời tối, chàng cắm gậy và treo nón nghỉ ngơi. Bỗng một toà lâu đài hiện ra cùng đoàn người đón rước. Hùng vương nghe kẻ xấu tâu “Chử Đồng Tử dùng phép lạ dựng thành quách, muốn đối nghịch vua” bèn sai quân đến, thấy cổng đóng kín. Nửa đêm dông bão nổi lên, cả toà thành bay lên trời, để lại một đầm nước lớn nằm đối diện bãi Tự Nhiên. Người đời sau tôn Chử Đồng Tử thành một trong “Tứ bất tử” và gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch (đầm một đêm), nay vẫn còn di tích.

Trong đình Chử Xá. Photo ©NCCông 2022

Lược sử

Thôn Chử Xá đến cuối thế kỷ XV thuộc về huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm 1831 đổi là tỉnh Bắc Ninh). Trước tháng 8-1945, Chử Xá thuộc tổng Đại Quan, huyện Văn Giang; về sau cùng Sơn Hô và Trung Quan hợp thành xã Văn Đức, tỉnh Hưng Yên; năm 1961 nhập vào huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Thôn Chử Xá có tên Nôm là làng Sứa, nằm trên đấtt bãi sông Hồng ở ngay phía nam thôn Bát Tràng và đối diện Bến đò Khuyến Lương. Nơi đây có nhiều chi họ Chử. Đình làng vốn là ngôi đền thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Hữu phu nhân cùng tứ vị Càn Hải đại vương và nhị vị thành hoàng bản thổ. Căn cứ vào sắc phong cổ nhất trong đình ghi niên hiệu Dương Đức thứ 3 thời Mạc (1675) thì đền Chử Đồng Tử phải có từ trước năm đó.

Cổng đình Chử Xá. Photo ©NCCông 2022

Trong đình hiện còn 1 chân đèn ghi niên hiệu Đoan Khánh (1586), 2 cuốn thần tích, 2 hương án và 6 cỗ kiệu từ thế kỷ XVIII-XIX cùng 47 đạo sắc phong. Hội làng diễn ra hằng năm từ ngày 17 đến 19 tháng Giêng âm lịch với lễ rước kiệu và lễ rước nước lấy từ sông Hông.

Năm 1990, đình Chử Xá và lăng Chử Cù Vân được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Cả hai di tích cho đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, mới đây là vào cuối thập kỷ 2010. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, nhìn về phía tây nam ra bãi sông Hồng. Sau cổng là sân lớn với 2 dãy tả hữu vu dài 7 gian và đối xứng. Toà đại bái và tiền tế nằm song song theo hình “chữ Nhị”, đều gồm 5 gian 2 dĩ, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Toà hậu cung 3 gian nối qua thiêu hương tới nếp nhà phía trước thành hình “chữ Công”, sau lưng là hồ nhỏ.

Lăng Chử Cù Vân. Photo ©NCCông 2022

Lăng Chử Cù Vân có tường bao khuôn viên rộng khoảng 300m2, nằm cách đình làng hơn 900m về phía đông. Cổng xây nghi môn tứ trụ tuy nhỏ, nhìn về phía tây bắc ra một hồ nước dài chia thành 3 ao để nuôi cá. Sau cổng có 2 cây sung cổ thụ trước ngôi mộ hình lục giác. Cạnh đó là ngôi miếu nhỏ, bên trong thờ 2 pho tượng cha và mẹ của đức thánh Chử.

Di tích lân cận

964 dinh Chu Xa, lăng Chu Cu Van ©NCCông 2022