965 Long Doi pagoda
Chùa Long Đọi (Diên Linh Tự)
thời Lýsông ĐáyHà NamChùa Long Đọi có từ năm 1054, thời Lý. Tên chữ: Diên Linh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2017). Vị trí: HXMG+V2Q, xã Đọi Sơn, H. Duy Tiên, Hà Nam. Cách BĐX Bờ Hồ: 58 km (hướng 6 h).
Lược sử
Chùa Long Đọi tọa lạc trên núi Long Đọi, thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Chùa có tên chữ là Diên Linh Tự, do vua Lý Thánh Tông và vương phi Ỷ Lan chủ trì khởi dựng năm 1054. Đến đời vua Lý Nhân Tông lại cho mở rộng và xây bảo tháp (1118-1121). Tương truyền chùa mang tên núi Long Đội Sơn dưới thời Lý, đến thời Hậu Lê đổi tên là Đọi Sơn.
Núi cao chừng 400m, chu vi khoảng 2500m. Trong quá trình khai quật khảo cổ học ở xã Yên Bắc đã phát hiện nhiều ngôi mộ quay đầu về hướng núi. Những di tích đầu tiên là khu mộ táng cổ cách nay chừng 2000 năm ở vùng ven Đầm Vực, Ao Gấu và gò Con Lợn. Khu di chỉ này cách chân núi 1 km. Trong 11 ngôi mộ được tìm thấy có 3 ngôi mộ thuộc loại quan tài hình thuyền, 2 ngôi mộ đất kè đá và 4 ngôi mộ dát giường.
-
- Phật điện chùa Long Đọi. Ảnh ©NCCong 2022
Dân nơi đây lưu truyền câu ca dao: “Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, phát tích đế vương, lưu truyền vạn đại”. Theo sử, chùa từng là một đại danh lam kiêm hành cung thời Lý, về sau bị quân Minh phá hủy cả bảo tháp, chỉ còn lại tượng thần Kinnari, bia Sùng Thiện Diên Linh và 6 trong số 8 pho tượng Kim Cương. Đầu thế kỷ XX, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã đề nghị chính quyền Pháp đưa chùa vào danh sách các di tích cần bảo vệ.
Kiến trúc
Quần thể di tích có khuôn viên xây dựng rộng tới 10.000m2. Quanh chân núi có 9 giếng nước tự nhiên mà dân gian gọi là chín mắt rồng. Lưng chừng núi còn có ngôi đền Cổ Động. Từ dưới chân núi, du khách qua nghi môn rồi leo 373 bậc đá đi xuyên rừng cây sẽ thấy khu vườn tháp với 37 mộ Tổ ở bên trái, bên phải là cổng chùa kiểu tam quan 2 tầng 8 mái. Mặt bằng chùa rất rộng, lưng tựa vào núi nhìn xuống 3 con sông uốn khúc chảy quanh.
-
- Tiền đường chùa Long Đọi. Ảnh ©NCCong 2022
Sau tam quan là nhà bia Sùng Thiện Diên Linh, xung quanh có vài bia khác. Leo tiếp các bậc sẽ đến sân tiền, trong nhà tả mạc còn lưu 6 pho tượng Kim Cương bằng đá. Chùa từng trải qua nhiều lần tu bổ vào các triều Lê, Mạc, Nguyễn. Lần đại trùng tu cuối thế kỷ XIX đưa quy mô lên hơn 100 gian lớn nhỏ với mặt bằng kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Toà tiền đường toạ lạc trên nền cao, hai bên là 2 dãy hành lang nơi bài trí tượng 18 vị Tổ truyền đăng và nối xuống hậu đường nơi thờ tượng một số nhân vật lịch sử và các sư trụ trì xưa kia. Tại khoảng sân hậu nhỏ nay trưng bày nhiều cổ vật khai quật được từ nền cũ.
Di sản
Trong chùa còn giữ được các hiện vật quý như: 6 pho tượng Kim Cương bằng đá cao 160cm, tượng thần Kinnari đầu người mình chim, 4 tượng hình người có cánh cao 40cm, rộng 30cm, nhiều mảng chạm trang trí bằng đất nung, gạch hoa văn thời Lý. Lại có 01 tượng Phật Di Lặc bằng đồng đúc năm 1864...
-
- Nhà bia chùa Long Đọi. Ảnh ©NCCong 2022
Đặc sắc nhất là bia Sùng Thiện Diên Linh do vua Lý Nhân Tông cho dựng năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121), được xếp hạng báu vật quốc gia năm 2014. Bia cao 288cm, rộng 140cm, dày 29cm, đặt trên đế đá chạm rồng, hình chạm khắc và hoa văn trang trí mang đậm phong cách thời Lý. Văn bia do Hình bộ Thượng thư Nguyễn Công Bật soạn, thư pháp là của Công bộ Thượng thư Lý Bảo Cung. Bia khắc chữ Hán cả hai mặt. Mặt trước khắc bài ca ngợi vua Lý Nhân Tông và thái úy Lý Thường Kiệt, triết lý duyên khởi và Phật giáo thời Lý… Mặt sau bia ghi việc thái hậu Ỷ Lan cúng 72 mẫu ruộng, rồi lại khắc thêm bài thơ của vua Lê Thánh Tông đề năm Quang Thuận thứ 8 (1467) và việc chùa được sửa sang thay đổi vào năm 1551 thời Mạc.
Những thửa ruộng dưới chân núi gắn liền với sự kiện vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan lần đầu tiên đến cày ruộng ở đó vào mùa xuân năm 987 để khuyến khích nghề nông. Sau nhiều thế kỷ lãng quên, Lễ hội Tịch điền đã được khôi phục lại vào năm 2009 với các nghi lễ và diễn xướng văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra liên hoàn từ mồng 5 đến mồng 7 Tết âm lịch.
-
- Tam quan chùa Long Đọi. Ảnh ©NCCong 2022
Năm 1992 chùa Long Đọi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tháng 12/2017, chùa lại là một trong 10 di tích hàng đầu được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích lân cận
- Chùa Đa Chất: thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, H. Phú Xuyên.
- Chùa Thần Quy: thôn Thần Quy, xã Minh Tân, H. Phú Xuyên.
- Đền Trần Thương: H4G4+F9, xã Nhân Đạo, H. Lý Nhân.
- Đình Đa Chất: thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, H. Phú Xuyên.
- Đình Thần Quy: thôn Thần Quy, xã Minh Tân, H. Phú Xuyên.
965 Long Doi pagoda ©NCCong 2014-2022