967 Tran Kings temple

Đền Trần (Thái Bình)

đền, miếuThái Bìnhthời Trầnsông Hồng

Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ và lăng mộ của hoàng gia triều Trần. Lễ hội: từ 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2014). Vị trí: H4XW+JP, thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, H. Hưng Hà, Thái Bình. Cách BĐX Bờ Hồ: 68km (hướng 5h)

Lược sử

Khu di tích gồm đền thờ và lăng mộ các vị Tổ, vua, hoàng hậu và đại quý tộc khác của nhà Trần tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, H. Hưng Hà, Thái Bình. Đất Tam Đường còn gọi là Thái Đường Lăng và được coi là nơi phát tích, sinh tồn và dựng nghiệp của triều đại vẻ vang này. Hoàng gia Trần đã sinh ra các vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và nhiều nhân vật lịch sử đặc biệt tài ba như Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Trần Hưng Đạo...

Trong 175 năm tồn tại, vương triều Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt lập nên bao chiến công hiển hách, nổi bật là ba lần đánh thắng các đạo quân xâm lược Nguyên - Mông hùng mạnh nhất thời đó. Suốt cả 3 cuộc kháng chiến, vùng đất Long Hưng - Ngự Thiên đều là hậu cứ cực kỳ quan trọng chỉ sau kinh thành Thăng Long để những đoàn thuyền của nhà Trần xuất nhập thần tốc. Chính tại đất này đã diễn ra đại lễ bái yết tổ tiên và ăn mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba (17-3-1288).


Mùa hạ 1312 vua Trần Minh Tông đi tuần thú biên giới phía nam về đã làm lễ báo tiệp tại lăng các tiên đế tại Thái Đường Phủ Long Hưng. Tháng 11-1390 sau khi viên tướng trẻ Trần Khát Chân phá tan thuỷ quân Champa và giết được vua Chế Bồng Nga tại cửa Hải Thị - Ngự Thiên, vua Trần Thuận Tông cũng về Long Hưng bái yết để dâng công chiến thắng lên tổ tiên.

Tại Tam Đường hiện lưu giữ hài cốt của Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa... Thái Đường Lăng còn là nơi an nghỉ của 3 vị vua đầu triều gồm: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, và Trần Nhân Tông.

Các hoàng hậu đầu triều sau khi qua đời cũng đều được quy về hợp táng tại Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dự Lăng, Quy Đức Lăng. Trong 4 vị hoàng hậu thì 2 vị được ghi rõ là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu (vợ vua Trần Nhân Tông), Tuyên Từ Hoàng thái hậu (em gái bà Khâm Từ). Hai vị còn lại có thể là Thuận Thiên Hoàng thái hậu (vợ vua Trần Thái Tông) và Nguyên Thánh Thiện Bảo Hoàng thái hậu (vợ vua Trần Thánh Tông).

Kiến trúc

Hiện nay quần thể di tích có tổng diện tích 22 ha. Các công trình được bố trí trong vườn cây xanh theo trục chính, gồm tiền tế, bái đường và hậu đường. Trong tòa bái đường thờ ngai và bài vị của hội đồng các quan, bên tả thờ Văn quan, bên hữu thờ Võ tướng triều Trần. bên ngoài còn có đền thờ Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo và đền Mẫu...

Toà hậu đường có kết cấu hình “chữ Đinh”, gồm 2 toà nhà 8 gian trên diện tích 359m2. Chính giữa toà thứ nhất thờ: 1. Linh vị của Trần Kinh (Truy tôn Mục tổ Hoàng đế); 2. Linh vị của Trần Hấp (Truy tôn Linh tổ Hoàng đế); 3. Linh vị của Trần Lý (Truy tôn Nguyên tổ Hoàng đế); 4. Thánh tượng của Trần Thừa (truy tôn Thái tổ Hoàng đế), con trưởng của Trần Lý, tháng 10 năm Bính Tuất (1226) nhường ngôi làm Thượng hoàng, mất ở cung Phụ Thiên năm Giáp Ngọ thứ 3 (1234) tháng Giêng ngày 18, táng tại Thọ Lăng. Bên phải thờ Thánh tượng của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Ngài mất năm Giáp Tý (1264), đền thờ, lăng mộ đặt ở xã Liên Hiệp, H. Hưng Hà. Bên trái thờ Thánh tượng của Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, mất năm 1259, đền thờ và lăng mộ đặt tại xã Liên Hiệp.


Chính giữa toà thứ hai thờ Thánh tượng của Trần Thái Tông (Trần Cảnh 1218 - 1277), vị vua Trần đầu tiên, con trưởng của Trần Thừa, được Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi năm Ất Dậu (1225), năm Mậu Tý (1258) nhường ngôi làm Thượng hoàng, mất năm 1277 ngày 1 tháng 4 âl, thọ 60 tuổi, mộ táng ở Chiêu Lăng - Thái Đường. Bên trái thờ Thánh tượng vua Trần Thánh Tông (Trần Hoảng 1240 - 1296), con trưởng của Thái Tông, năm 1258 làm vua, 21 năm sau (Giáp Thân 1284) nhường ngôi làm Thượng hoàng, mất ngày 25 tháng 5 Canh Dần (1290) thọ 51 tuổi, táng ở Dụ Lăng - Thái Đường. Bên phải thờ Thánh tượng vua Trần Nhân Tông (Trần Khâm 1258 - 1308), con trưởng vua Thánh Tông. Năm 1293 (Kỷ Tỵ) nhường ngôi làm Thượng hoàng và xuất gia, mất năm Mậu Thân (1308) ngày 3 tháng 11 âl ở Am Ngọa Vân Yên Tử, thọ 51 tuổi, được hỏa táng theo phép nhà Phật, xá lỵ đặt ở Thái Đường (Long Hưng), Tức Mặc (Nam Định) và Yên Tử (Quảng Ninh).

Di sản

Lễ hội đền Trần diễn ra hằng năm từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch. Năm Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Năm 2014 đền Trần đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích lân cận

967 Tran Kings’ temple ©NCCong 2014-2022