97 Huong Tuong temple

Đền Hương Tượng

quận Hoàn Kiếmthời Trầnhồ đầm

Đền Hương Tượng có từ cuối thời Trần. Thờ danh thần Nguyễn Trung Ngạn (1289–1370). Xếp hạng Di tích quốc gia (2007). Vị trí: số 64 phố Mã Mây, 2VM3+JM, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: số 3 phố Hàng Muối (xe 04, 14, 18, 31, 34, 36, 40), 54 Nguyễn Hữu Huân (04, 08, 11, 14, 18, 23, 31, 34, 36, 40)

Lược sử

Đền Hương Tượng hiện ở góc ngã tư phố Mã Mây - Lương Ngọc Quyến. Trước kia thuộc giáp Hương Tượng nằm ở bờ nam nơi sông Tô Lịch thông ra Nhị Hà (đoạn sông Hồng chảy qua Thăng Long), vốn là một giang cảng trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, để lại những cái tên nổi tiếng của kinh kỳ như Hàng Bè, Hàng Buồm, Chợ Gạo, Hàng Chĩnh, Hàng Muối...

Đền thờ Nguyễn Trung Ngạn 阮忠彥 (1289–1370), tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên. Trải 5 đời vua Trần, ngài đạt đến chức Đại học sĩ, tước Trụ quốc khai huyện bá, Thân quốc công. Ngoài việc làm Đại doãn kinh sư (đô trưởng của kinh thành), ngài còn để lại nhiều tác phẩm như “Giới hiên thi tập”, “Ma Nhai kỹ công bi”, “Hoàng Triều đại điển”, “Hình thư”. Hiện nay tại Thư viện Khoa học Xã hội còn giữ một tập thơ chép tay từ cuốn sách in năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775), nhan đề “Vựng tập Giới hiên thi cảo toàn trật”, được chép toàn bộ trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn.

Cổng đền Hương Tượng. Photo ©NCCong 2015

Theo tấm bia “Hương Tượng giáp trùng tu bi ký” dựng năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825) thì “… Miếu Đại vương ... từ khi các bậc tiên hiền của giáp ta bỏ tiền của ra làm, phía trong là thần điện, trước thần điện là trung điện, trước trung điện là tiền điện liền nhau đều là 3 gian. Bên ngoài là cửa, xung quanh xây tường gạch, giáp ta quanh năm thờ cúng…”. Còn văn bia trùng tu miếu năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái 16 (1904) cho biết: “Ngôi đình của giáp ta sáng lập từ triều Trần, trang nghiêm rộng rãi. Phía trên để thờ các vị phúc thần, phía dưới để thờ các anh hùng dân tộc…”.

Đền Hương Tượng được khởi dựng từ thời Trần. Diện mạo của ngôi đền hiện nay mang dấu vết của lần đại trùng tu cuối thời Nguyễn. Những năm sửa chữa, tôn tạo đền bao gồm: Vĩnh Hựu 3 (1737), Gia Long (1802—1820), Minh Mệnh 6 (1825), Tự Đức (1848—1883), Thành Thái 16 (1904).

Hông đền Hương Tượng. Photo ©NCCong 2013

Năm 2007 đền Hương Tượng được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đền nằm theo hướng trục đông-tây, mặt nhìn ra phía sông Hồng. Các nếp nhà được tập trung trong một khuôn viên hẹp dưới tán lá cây si già. Cổng nhỏ ở phía phố Mã Mây dẫn khách vào sân. Đền có bố cục hình chữ “Tam” gồm 3 toà tiền tế, trung đường và hậu cung, đều xây kiểu tường hồi bít đốc với chỉ một gian hai dĩ.

Khung gỗ toà tiền tế bao gồm 2 bộ vì chính được làm theo kiểu giá chiêng. Mỗi vì có kết cấu mặt bằng theo lối 4 hàng cột được kê trên các chân tảng đá xanh hình lục lăng. Toà trung đường nối tiền tế và hậu cung có ranh giới giữa các mái gần khít nhau, phía dưới là hệ thống máng thoát nước. Mái lợp ngói ta, dựng bán mái. Hai bộ vì giữa có kết cấu kiểu vỏ cua và trang trí mặt hổ phù.

Sân đền Hương Tượng. Photo ©NCCong 2012

Toà hậu cung có phần mái cao vượt lên so với trung đường khoảng 50cm. Nhà có 4 bộ vì đều theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” được kẻ soi, bào trơn. Chính giữa hậu cung là một sàn gỗ cao có ván bưng ba mặt, bên trong bài trí long ngai bài vị thờ "Tử Y đại vương" mỹ tự của ngài Nguyễn Trung Ngạn.

Nhìn chung, kiến trúc đền chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Các mảng trang trí được tập trung trên các bức cốn, đầu dư, đầu xà, đấu kê, tất cả đều được chạm trổ dưới nhiều hình thức.

Di sản

Trong đền còn lưu giữ một bản “Sự tích vị đại vương” và 6 đạo sắc phong thần. Đạo sớm nhất đề năm Cảnh Hưng 44 (1783); tiếp theo là Chiêu Thống nguyên niên (1786), Quang Trung 4 (1791), Cảnh Thịnh thứ nhất (1793), Tự Đức 18 (1865) và Khải Định 9 (1924).

Đền Hương Tượng. Photo ©NCCong 2012

Lại có 7 tấm bia đá được dựng trong khoảng từ cuối thời Lê đến thời Nguyễn; bia sớm nhất mang niên hiệu Vĩnh Hựu 3 (1737). Tấm bia niên hiệu Minh Mệnh 6 (1825) ghi việc trùng tu ngôi đền, trong đó nêu rõ những tên người, tên đất và sự kiện cụ thể.

Di tích lân cận

©NCCong 2011-2015, Huong Tuong temple