970 Bell pagoda

Chùa Chuông (Kim Chung Tự)

金 鍾 寺

Hưng Yênthời Lê sơsông Hồng

Chùa Chuông được khởi dựng từ thế kỷ XV (thời Lê sơ). Tên chữ: Kim Chung Tự (金鍾寺). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: M342+73, phố Chùa Chuông, phường Hiến Nam, Hưng Yên, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 57km (hướng 5h).

Lược sử

Chùa Chuông toạ lạc trên địa phận của thôn Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng cũ (nay thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên). Chùa được khởi dựng từ thế kỷ XV (thời Lê sơ) và có tên chữ 金 鍾 寺 (Kim Chung Tự, nghĩa là chùa Chuông Vàng).


Sau đợt đại trùng tu vào năm Đinh Hợi (1707), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ ba đời vua Lê Dụ Tông, Kim Chung Tự đã hoàn chỉnh về quy mô kiến trúc và trở thành "đệ nhất danh thắng" nổi tiếng bên cạnh đền Mẫu, đền Đức Thánh Trần, chùa Hiến, đình Hiến, Văn miếu Xích Đằng trong quần thể di tích Phố Hiến.

Năm 1992, chùa Chuông được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Mặt tiền Kim Chung Tự giáp hè phố Chùa Chuông, tam quan nhìn ra vườn hoa Bãi Sậy về hướng nam. Cổng chính xây kiểu 3 tầng 12 mái, cổng phụ ở hai bên xây kiểu 2 tầng 8 mái, các mái đều đắp ngói ống giả. Sau cổng là bậc thềm dẫn xuống cây cầu đá 3 nhịp được xây từ năm 1702. Cầu này bắc qua ao nhỏ và ở đầu bên kia có đôi tượng sấu đá nằm chầu trước sân gạch rộng. Giữa sân có con đường lát đá xanh dẫn du khách đi thẳng đến khu chùa chính.


Chùa chính có mặt bằng xây dựng hình “nội Công ngoại Quốc”, gồm các hạng mục: tiền đường, thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và 2 dãy hành lang. Toà tiền đường 5 gian 2 chái, hai bên có cửa ngách thông với hành lang. Phía sau là sân nhỏ với cây cột nhang cổ đặt ở trước thượng điện, bốn mặt cột khắc ghi công đức. Thượng điện cũng gồm 5 gian 2 chái, mang đậm nét kiến trúc cuối thời Lê và có kết cấu kiểu con chồng đấu sen giống tiền đường.

Di vật

Hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông ở thượng điện được bài trí theo thứ tự: trên cùng là 3 pho Tam Thế; tiếp đến là Phật A-di-đà và tứ vị Bồ-tát; lớp dưới là nhị vị Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền; tiếp theo là Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu; tiếp nữa là Địa Tạng Vương và Phạm Thiên, Đế Thích; sau cùng là tòa Cửu Long và tượng Thích Ca sơ sinh.


Ở hai đầu phía đông và phía tây nối tiền đường và nhà Mẫu là 2 dãy hành lang được bài trí đối xứng với các lớp tượng. Đầu tiên là "Thập điện Diêm Vương" tả 10 vị phán quan ngồi xét xử và cảnh từng loại âm hồn tội lỗi bị quỷ sứ hành hạ, tiếp theo có tượng “Bát bộ Kim Cương” rồi đến tượng “Thập Bát La Hán”. Cuối hành lang là tượng Đức Ông với Già Lam - Chân Tể và tượng Đức Thánh Hiền với Diệm Nhiên - Đại Sĩ.


Tại nhà Mẫu có cầu thang dẫn lên lầu chuông, tháp khánh. Ngoài ra, một trong những hiện vật có giá trị nhất vẫn bảo lưu được tại chùa Chuông là tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) khắc tên những người đóng góp công đức tu sửa chùa. Phần đặc biệt trong văn bia ghi lại cảnh đẹp của Phố Hiến và một số phường cũ như: Hàng Bè, Hàng Sũ, Hàng Thịt, Cự Đệ, Thợ Nhuộm... mà ngày nay đã không còn nữa.

Di tích lân cận

970 Chuong (Bell) pagoda ©NCCông 2022