977 Van Long natural reservation
Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long
Ninh Bìnhhồ đầmsông ĐáyKhu bảo tồn Vân Long phía bắc giáp huyện Lạc Thủy (Hoà Bình) qua sông Đáy. Phía nam giáp đê Đầm Cút, kéo dài từ thôn Mai Phương, xã Gia Hưng tới đồi Sói thuộc xã Gia Thanh. Phía tây giáp núi Một (bên tả ngạn sông Bôi) thuộc xã Gia Hưng. Phía đông giáp chân núi Đồng Quyến kéo đến núi Mây xã Gia Thanh, ven sông Đáy. Tọa độ từ 20°21′30″ tới 20°24′00″ vĩ bắc, và từ 105°48′53″ tới 105°54′ 40″ kinh đông
Lược sử
Vân Long nằm ở mạn đông bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, chỉ cách thủ đô Hà Nội 80km. Từ năm 1960, con đê dài hơn 30 km được đắp bên phía tả ngạn để trị thủy sông Đáy đã biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng đến 3.500 ha, thu hút những loài chim di trú dừng bay hạ cánh xuống kiếm ăn trên đường tránh rét. Năm 2020, vùng đất ngập nước này đã được Ủy ban Danh lục Xanh toàn cầu (IUCN) chính thức phê duyệt và chứng nhận như là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á đạt được danh hiệu Danh lục Xanh.
Theo các nhà khoa học, những hòn núi bị nước vây thành đảo đá giữa bùn đất bãi sậy mênh mông đã trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho nhiều loài động vật và thực vật thoát khỏi sự khai thác có tính triệt phá của con người. Nhưng sự tình cờ thú vị nhất xảy ra khi các chuyên gia nước ngoài phát hiện ở Vân Long có tới hơn 40 cá thể voọc mông trắng đang sinh sống. Sự kiện này làm giới khoa học ngỡ ngàng, bởi voọc quần đùi trắng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, bị ghi tên vào sách đỏ của thế giới. Trước đó, loài linh trưởng này chỉ được biết đến ở Vườn quốc gia Cúc Phương cách đó không xa.
- Đầm Vân Long. Photo ©NCCong 2022
Động vật, thực vật nơi đây rất đặc trưng cho hai hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài voọc mông trắng, tại Vân Long còn có nhiều loài sinh vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam như tuế lá rộng, mã tiền, lát hoa, gấu ngựa, báo gấm, kỳ đà hoa... Đặc biệt, còn có một loài côn trùng gần bị coi như tuyệt chủng, đó là cà cuống thuộc họ chân bơi. Theo các nhà khoa học, nơi mà loài cà cuống này sống được thì phải có môi trường nước thật sự trong lành.
Vân Long có lịch sử hơn nghìn năm, làng quê của Đinh Tiên Hoàng ở gần đó. Theo truyền thuyết, ngay từ nhỏ cậu bé Đinh Bộ Lĩnh đã bẻ hoa lau làm cờ tập trận cùng lũ trẻ chăn trâu. Núi Cửa Chùa, còn gọi là núi Thúi Thó, có vách đá nghiêng đến mức tưởng chừng sắp đổ ụp xuống. Một bức vẽ bằng đất màu đỏ nâu xẫm đã được phát hiện tại đây với những hình người và hai chữ Hán “Bất Bình” viết bên cạnh nhưng chỉ hiện lên khi tưới nước. Có thuyết cho rằng bức hoạ này là của một nhóm tác giả và nội dung miêu tả cảnh tra tấn hay hành hình tội nhân vào giai đoạn cách nay khoảng nghìn năm.
Du lịch
Năm 1999, Vân Long có tên trong danh sách khu rừng đặc dụng Việt Nam và được công nhận là một Ramsar [1] của thế giới. Khu này đang sở hữu 2 kỷ lục của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam năm 2010: "Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất" và "Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất". Một trong những ghi nhận đáng chú ý là ở Vân Long có đại bàng Bonelli và 9 loài bò sát ở đây được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: rắn hổ chúa, rắn ráo trâu, rắn sọc đầu đỏ, kỳ đà hoa, trăn đất,… Chắc chắn nếu biết bảo vệ thiên nhiên thì nơi đây sẽ thành điểm đến của rất nhiều du khách ở trong và ngoài nước.
Được mệnh danh là "vịnh không sóng" nhưng lúc đầu sức thu hút khách tại Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long còn nhỏ do sự thiếu hiểu biết và truyền thông yếu kém của những người liên quan. Nơi đây dường như đã ngủ quên trong sự hoang sơ cho đến khi có một đoàn điện ảnh Mỹ về chọn nó làm bối cảnh quay bộ phim “Kong: đảo Đầu Lâu”, một tác phẩm Hollywood với kinh phí 190 triệu USD. Truyện phim xoay quanh nhóm thám hiểm vượt bão biển bay vào vùng Hạ Long bằng trực thăng và bất ngờ đụng độ với những quái thú và thổ dân tưởng chỉ có thể sống trong thời tiền sử...
Khu bảo tồn được đưa vào khai thác từ năm 1998 và đến nay đã được ghi nhận là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Nếu đạp xe theo con đê sẽ thấy quang cảnh thật hữu tình. Từ những ngôi làng xung quanh đầm Vân Long nhô lên hình chữ thập óng ánh sắc vàng trên đỉnh tháp của các nhà thờ. Trước khi màn đêm buông xuống thì những đàn chim, nổi bật là loài cò trắng, sẽ bay về tổ của chúng được che giấu trong vườn tràm rậm rạp và bãi lau ngút ngàn. Tiếng chim kêu xao xác và vượn hú lảnh lót kéo dài vẳng đến từ những mỏm đá cao tít tuy buồn bã nhưng rất hợp với sắc núi tim tím ban chiều.
Phần lớn đầm Vân Long khá nông nên có thể nhìn thấy những sinh vật ở bên dưới. Đáy toàn bùn nhưng nước vẫn trong vắt do chảy qua vùng núi đá vôi. Bóng núi in xuống mặt đầm đen thẫm chen lẫn với hình mây trắng, trời xanh tuyệt đẹp. Du khách sẽ thăm chủ yếu con đầm Vân Long, nơi hoa súng và hoa lau nhiều vô kể. Nếu muốn chiêm ngưỡng sen nở nhớ đến vào mùa hè. Mùa xuân và mùa thu thì có đồng lúa chín vàng. Ngay cả mùa đông cảnh vẫn đẹp. Chỉ nên tránh khi mưa vì tiết trời âm u và việc đi lại có thể khó khăn. Từ cuối thập niên 2000 đến nay tại đây đã có một số khách sạn, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng được xây dựng cùng với hệ thống giao thông của tỉnh Ninh Bình.
- Núi Mèo Cào. Photo ©NCCong 2022
Vị khách nào dừng chân nơi đây lâu hơn thì ngoài việc bơi thuyền thăm hang động với những khối thạch nhũ kỳ ảo cũng nên trải nghiệm leo qua một vài ngọn núi như Mèo Cào, Mâm Xôi, Hòm Sách, Nghiên, Đá Bàn, Mồ Côi, Cô Tiên… Xung quanh đầm còn có các đình, đền, chùa cổ và những kiến trúc hoành tráng như Nhà thờ Mưỡu Giáp, Thánh đường Giáo xứ Lãng Vân...
Di tích lân cận
- Chùa Địch Lộng
- Chùa Đồng Đắc
- Chùa Nhất Trụ (Hoa Lư)
- Chùa Phúc Nhạc
- Chùa Yên Bình
- Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
- Lăng Định quốc công Nguyễn Bặc
977 Van Long natural reservation ©NCCông 2022
[1] Ramsar: khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định theo Công ước Ramsar, một hiệp ước liên chính phủ về môi trường do UNESCO thành lập vào năm 1971 và có hiệu lực vào năm 1975. Việt Nam tham gia Công ước Ramsar từ năm 1989.