983 Tong La Phu pagoda

Chùa Tổng La Phù (Thiên Hương Tự)

huyện Hoài Đứcsông Đáythời Tiền Lê

Chùa Tổng La Phù có từ năm 988. Tên chữ: Thiên Hương Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: XPRH+GMC Hoài Đức, Hanoi, Vietnam. Cách BĐX Bờ Hồ: 16km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: Cột Mốc H9/2 Ngãi Cầu - An Khánh (toạ độ: 20°59’26"N 105°43’35"E)

Địa lý

Xã La Phù nằm vào khoảng giữa hai dòng sông Đáy ở phía tây và sông Nhuệ ở phía đông, cách nhau hơn 7km. Giao thông phía bắc xã có đường tỉnh lộ DT72 với tuyến xe bus 89 và phía đông là đường Lê Trọng Tấn với tuyến xe bus 19, 66, E04, E06. Địa giới phía tây và phía nam giáp xã Đông La, phía tây bắc giáp xã An Khánh, phía đông và đông bắc giáp phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Xã La Phù có mã hành chính 09889, tổng diện tích đất là 3,46 km², dân số năm 1999 là 8.387 người, đạt mật độ 2.423 người/km2. Xưa kia xã thuộc về huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Tỉnh này năm 1965 hợp cùng tỉnh Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây, năm 1975 thêm tỉnh Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, năm 1979 nhập vào TP Hà Nội, năm 1992 trở về tỉnh Hà Tây, từ tháng 8/2008 lại thuộc Hà Nội.

Tam quan chùa Tổng La Phù. Photo ©NCCông 2023

Nhân dân La Phù xưa kia chủ yếu sống bằng nghề nông và buôn bán nhỏ. Phần lớn xã ngày nay đã công nghiệp hoá và đô thị hoá. Trên địa bàn vẫn còn lưu lại 4 di tích lịch sử văn hoá quốc gia gồm: đình La Phù, chùa Cả (Trung Hưng Tự), chùa Dộc (Quang Lộc Tự), chùa Tổng La Phù (Thiên Hương Tự).

Lược sử

Chùa La Phù thường được người dân gọi là chùa Tổng vì xưa kia từng đóng vai trò ngôi chùa hạng nhất trong tổng Yên Lũng, thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Ngoài thờ Phật chùa còn thờ Tam Thánh. Tương truyền, các vị thiền sư thời Lý là Minh Không, Giác Hải sau khi đắc đạo ở Tây Trúc trở về qua đây thì gặp bạn mình là Từ Đạo Hạnh dùng phép thuật hoá thành hổ để doạ nạt và thử tài v.v.. [1]

Sân chùa Tổng La Phù. Photo ©NCCông 2017

Theo văn bia dựng ở chùa Thiên Hương Tự được hòa thượng Thích Chân Từ người Hoa Lư chủ trì xây năm Mậu Tý (988), triều vua Lê Đại Hành, và khánh thành ngày 21-2 năm Kỷ Sửu (989). Chùa được trùng tu, thêm gác chuông và đúc chuông vào năm Đinh Tỵ (1667) triều vua Lê Hy Tông. Năm Nhâm Dần (1782), triều vua Lê Hiển Tông chùa lại được tăng quy mô, xây 9 gian thượng điện, 5 gian đại bái, 4 gian hậu cung. Năm 1947 chùa bị huỷ hoại, nhiều di vật được đưa về cất giữ trong ngôi chùa Cả ở cùng làng.

Năm 1965, một số cơ quan, đơn vị đã mượn đất chùa để đặt trụ sở trong thời chiến tranh. Quãng năm 1989 - 1990, đất chùa được trả lại cho dân làng. Năm 1992, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra quyết định giao 4.846m2 đất cho chùa. Thượng tọa Thích Thanh Phúc trụ trì đã kêu gọi phát tâm công đức để dựng lại chùa và cung thờ Tam Thánh. Năm 1997 nhà chùa xây Tam bảo và năm 1999 mở rộng khu chùa trong.

Hiên chùa Tổng La Phù. Photo ©NCCông 2017

Kiến trúc

Từ đường tỉnh lộ DT72 có nghi môn dẫn khách vào một con ngõ ngắn với hai cổng trong. Cổng thứ nhất là một tam quan xây tường hồi bít đốc tay ngai kiểu 2 tầng 4 mái, mặt nhìn về phía đông bắc, lưng nối với sân dẫn tới 5 bậc thềm của toà tiền đường. Cổng thứ hai dành cho ô tô đi thẳng đến cửa ngăn của khu chùa trong.

Toà tiền đường kiểu 2 tầng 8 mái, gồm 5 gian 2 dĩ với hàng hiên cột đá. Nằm song song có khe lấy sáng là toà trung đường 7 gian kiểu tường hồi bít đốc, 3 gian giữa được kết nối với thượng điện thành hình “chữ Đinh”. Đầu hồi mỗi bên trung đường ăn thông xuống hành lang dài, nơi bài trí các bộ tượng La Hán, rồi kéo xuống sân sau đến khu nhà Tăng và cung Tam Thánh, nơi thờ tượng của 3 vị thiền sư thời Lý...

Trong chùa Tổng La Phù. Photo ©NCCông 2023

Di vật

Sau lần phá huỷ năm 1947 và những lần trùng tu cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI một số cổ vật và điêu khắc của chùa Tổng La Phù cũ đã không còn. Phần trang trí ta nhìn thấy ngày nay nói chung là đơn giản, bào trơn đóng bén. Nhà chùa bài trí một hệ thống đầy đủ các tượng Phật giáo theo kiểu Bắc tông, trong đó nhiều tác phẩm mới được tô lại gần đây, trông như bản sao với các nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Ngoài ba pho tượng to gần bằng người thật thờ các vị thiền sư nổi tiếng thời Lý thì đáng chú ý nữa là một quả chuông đồng được đúc vào thời Tây Sơn.

Chùa Tổng La Phù đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật tại quyết định số 191/VHQĐ ban hành ngày 22/3/1988.

Phật điện chùa Tổng La Phù. Photo ©NCCông 2017

Di tích lân cận

983 Tong La Phu pagoda ©NCCong 2015-2023

[1Truyền thuyết kể tiếp: vua Lý Thần Tông là hoá thân kiếp sau của Từ Đạo Hạnh bỗng bị mọc lông và gầm gừ như hổ, phải nghỉ việc triều chính. Bao nhiêu danh y đều không chữa được bệnh này cho tới khi thiền sư Minh Không xuất hiện và nhắc lại cho vua chuyện hoá hổ năm xưa.