988 Chua Dam pagoda (Bac Ninh)
Chùa Dạm (Đại Lãm Thần Quang Tự)
Kinh Bắcnhà LýỶ LanChùa Dạm được Nguyên phi Ỷ Lan khởi dựng năm 1094 trên núi Lãm Sơn. Tên chữ: Đại Lãm Thần Quang Tự, Cảnh Long Đồng Khánh Tự. Lễ hội: 8 tháng 9 âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1962). Vị trí: 44V2+CXJ, phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh. Cách Ga Hà Nội: 42km (hướng 2h).
Địa lý
Vùng đất Nam Sơn ở phía nam thành phố Bắc Ninh có dãy núi Dạm, tên chữ là Đại Lãm Sơn, nổi lên giữa những cánh đồng và sông hồ như một bức tranh sơn thuỷ tuyệt đẹp. Theo tên núi, ngôi chùa trên đó được gọi là chùa Lãm Sơn hay chùa Dạm. Mấy thôn nằm quanh chân núi Dạm cũng được gọi là "làng Dạm", gồm có: Triều Thôn, Sơn Trung, Tự Thôn, Môn Tự Thái Bảo.
Chùa Dạm, chùa Giạm, chùa Rạm, còn gọi là chùa Lãm Sơn, chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (khác chùa Trăm Gian Hải Dương và Trăm Gian Hà Nội), tên chữ là Đại Lãm Thần Quang Tự và Cảnh Long Đồng Khánh Tự. Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh.
- Lối lên chùa Dạm. Photo ©NCCong 2023
Lược sử
Theo các sách cổ, năm Quảng Hựu thứ nhất (1085), Nguyên phi Ỷ Lan đã nảy ra ý định xây một quốc tự khi dạo chơi núi Lãm Sơn. Năm sau triều đình ra lệnh khởi dựng. Năm 1087 vua Lý Nhân Tông đến thăm công trường, cho mở tiệc và làm thơ "Lãm Sơn dạ yến". Mãi đến 1094 chùa Dạm mới hoàn thành, được vua đặt tên là Cảnh Long Đồng Khánh Tự, ban 300 mẫu tự điền (ruộng chùa) để sư sãi có hoa lợi hương khói và bảy gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng, mở cửa chùa. Năm 1105 lại xây thêm ba tháp đá.
Trong mấy thế kỷ sau đó, chùa luôn được các triều đình quan tâm nên đã có sự tôn tạo và mở mang. Năm 1947, chùa đã bị đốt để tiêu thổ kháng chiến. Tượng vua Lý Nhân Tông và Nguyên phi Ỷ Lan được gửi vào chùa Hàm Long gần đó nên mới may mắn mà còn lại đến nay. Năm 1962 chùa Dạm [và đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan] đã được Bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 1996, nhân dân địa phương đóng góp xây ba gian điện nhỏ thờ thần Phật (ở nền cấp thứ ba) và ba gian đền (ở nền cấp thứ tư) thờ hai pho tượng nói trên.
- Chùa Dạm. Photo ©NCCong 2023
Kiến trúc
Chùa Dạm được xây sau và đã rút kinh nghiệm từ chùa Phật Tích nên quy mô lớn hơn nhiều. Chùa chiếm diện tích trên hai mẫu Bắc Bộ (khoảng 7.200 m²), với bốn cấp nâng cao dần và kéo thành một trục dài 120 m theo triền dốc của núi Dạm, chiều rộng mặt nền là 70 mét.
Các cấp nền chùa đều có xếp đá chống xói lở, chân hơi choãi, chếch khoảng 70 độ và cao 5–6 m, đường xuống mỗi cấp gồm 25 bậc đá. Đá này đều được khai thác tại chỗ, đẽo gọt vuông vắn như viên gạch dài rộng chừng 50 cm - 60 cm. Nối các tầng nền với nhau là các bậc thềm lát đá. Trên các tầng nền có dấu vết gạch ngói thời Lý, hoa văn hình rồng, phượng, sen dây, cúc dây. Những chân cột bằng đá 75 cm x 75 cm có chạm nổi hình những cánh sen rất khéo.
- Sân chùa Dạm. Photo ©NCCong 2023
Du khách lên cấp nền đầu tiên mà dân địa phương gọi là Bãi Hội bằng một lối đi gồm nhiều tầng bậc cao với bề rộng 16 m. Để lên cấp nền thứ hai có ba lối đi hẹp hơn với tầng bậc thấp hơn. Lên lớp nền thứ ba và thứ tư đều chỉ có hai lối đi hẹp. Kè đá ở cấp nền thứ hai là nền chùa chính, các viên đá xây có chạm sâu hình sóng nước với nét hoa văn to nổi khối. Trên nền tầng này, ở khoảng giữa ba lối cửa, bên phải chùa có một khu đất vuông cạnh 7 m, cao 2 m, kè đá chạm hoa văn sóng nước thời Lý.
Trên nền thứ hai ở khu đất này có dựng một tấm bia trên lưng rùa. Thân bia cao 1,5 m, rộng 1 m. Cả mặt bia đều mòn mờ, chỉ còn đọc được hai chữ 信施 ("tín thí") to, sâu ở mặt hậu. Diềm bia khắc hoa văn dây leo, có lẽ được làm vào quãng thế kỷ XVI. Đối diện khu đất này qua lối cửa giữa, bên trái có một khu đất nổi hình tròn đường kính khoảng 4,5 m, cao 1 m, kè đá cũng chạm hoa văn sóng nước thời Lý. Nền này còn có giếng Bống, tương truyền là nơi Nàng Tấm nuôi chú cá bống.
- Cột rồng chùa Dạm. Photo ©NCCong 2023
Phần trên khu đất tròn có một cột đá lớn, không kể phần chôn chìm đã cao gần 5 m. Cột gồm hai thớt khối, khối gốc hình hộp 1,4 m x 1,6 m. Khối hình trụ đặt ở trên, đường kính khoảng 1,3 m. Đoạn dưới phần trụ chạm nổi đôi rồng vươn cao đầu chầu vào viên ngọc, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Hình dáng rồng giống dạng rắn thời Lý với mào bốc lửa, bờm thành búi bay như cờ đuôi nheo, thân tròn uốn khúc, chân chim năm móng. Hai chân phía trước có móng sắc nhọn, giơ lên nâng viên ngọc dưới cằm. Xung quanh là các hoa văn hình hoa dây móc.
Di sản
Nền thứ ba và bốn có dấu tích chùa và đền thờ Nàng Tấm và Nguyên phi Ỷ Lan. Ở đây còn một tấm bia đá nhỏ, khắc năm Chính Hòa thứ 17 thời Lê (1696) cao 65 cm, rộng 140 cm. Bia "Đại Lãm Thần Quang Tự Tân Tạo Hộ Pháp" cho biết trước đó chùa chưa có Hộ pháp và hàng nghìn người làm việc phúc đã tu bổ chùa, dựng thêm tượng. Ngoài ra tại di tích chùa Dạm đã tìm được phần đầu pho tượng đá Kim Cương. Các chân đế cột bằng đá cỡ lớn chạm khắc hoa văn của công trình thời Lý còn sót lại và nhiều mảnh đất nung hình con vịt, con rồng, hoa lá...
- Bia đá chùa Dạm. Photo ©NCCong 2023
Lễ hội chùa Dạm được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian phong phú. Đây là một trong số ít lễ hội mùa thu cổ truyền (có trước lễ hội mùa xuân) còn được duy trì đến ngày nay,
Di tích lân cận
- Chùa Hàm Long: 44W4+53, phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh.
- Chùa Phật Tích: 32WG+JM5, xã Phật Tích, H. Tiên Du, Bắc Ninh.
- Chùa Tam Sơn: 4XVG+6VP, xã Tam Sơn, H. Từ Sơn, Bắc Ninh.
- Chùa Tiêu Sơn: 4XQM+55H, Tiêu Thượng, H. Từ Sơn, Bắc Ninh.
- Đình Tam Tảo: 5263+8PF, xã Phú Lâm, H. Tiên Du, Bắc Ninh.
- Nghè, chùa Phú Lâm: 5272+MVX, xã Phú Lâm, H. Tiên Du, Bắc Ninh.
988 - Chua Dam (Bac Ninh) ©NCCông 2023