991 Trung Quan pagoda
Chùa Trung Quan (Đại Hùng Tự)
h.Gia LâmLê trung hưngsông ĐuốngChùa Trung Quan được xây vào thế kỷ XVIII. Tên chữ: Đại Hùng Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: WWW2+X57, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 18km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Trường THCS Kim Lan (xe 47b)
Địa lý
Làng Trung Quan hồi đầu thế kỷ thứ XIX là một xã thuộc tổng Đại Quan, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, làng Trung Quan thuộc về xã Văn Đức, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tháng 5-1961, xã Văn Đức được chuyển về huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Xã Văn Đức có mã hành chính là 00589, tổng diện tích đất tự nhiên 6,83 km², dân số năm 2022 là 7.912 người, mật độ dân số đạt 1.158 người/km². Phía bắc giáp xã Kim Lan. Phía tây và phía nam giáp sông Hồng. Phía đông bắc giáp xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Phía đông nam giáp thị trấn Văn Giang (Hưng Yên).Trong xã có 3 thôn: Trung Quan, Sơn Hô, và Chử Xá.
Lược sử
Làng Trung Quan nằm ở ngoài đê sông Hồng. Chùa làng có tên chữ Đại Hùng Tự, được khởi dựng tại một vùng đất cổ in đậm dấu tích lịch sử từ thế kỷ XI. Theo truyền thuyết, hoàng tử nhà Lý là Đông Chinh vương và đoàn quân trên đường đi dẹp giặc ở Văn Châu, Lạng Sơn đã dừng chân tại đây.
Thời Lê chùa từng có một khuôn viên to lớn, đến thời Nguyễn vẫn được tu sửa khang trang rồi lại xuống cấp. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến cuối thế kỷ XX di tích đã không còn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu. Tòa tam bảo chỉ còn lại nền móng cũ và một số mảnh bia bị vỡ, còn các pho tượng được đưa về bài trí tại nhà thờ Mẫu và nhà thờ Tổ.
Năm 2008, tại chùa Trung Quan đã khởi công xây dựng lại toà tam bảo và tôn tạo các công trình cũ đã xuống cấp bằng nguồn vốn xã hội hóa do công đức của nhân dân trong thôn và khách thập phương.
Kiến trúc
Chùa toạ lạc trên thế đất cao ở rìa làng, mặt nhìn qua ao sen về phía tây nam, khuôn viên có nhiều cây ăn quả và mộ tháp. Tam quan xây kiểu ngũ môn, cửa vòm cuốn, phía trên chồng diêm hai tầng, mái lợp giả ngói ống, giữa bờ nóc đắp hình bánh xe pháp luân, hai đầu đốc đắp hình rồng ngậm bờ nóc, các đao mái đắp hình rồng lá. Hai cổng phụ cũng giống cổng chính trừ mặt trời lửa ở giữa bờ nóc. Hai cột trụ đắp câu đối chữ Hán, nối với cổng phụ là bức tường lửng hai bên đề hai chữ "Thiện", "Ác" và 2 bức bình phong đắp hình rồng cuốn chỉ và phượng hàm thư.
Sau cổng và sân là đến toà tiền đường 5 gian xây "tường hồi bít đốc tay ngai", vì kèo kiểu "thượng giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên". Trên 2 bức tường lửng phía trước đắp cảnh "tùng hươu" và "mai điểu". Thượng điện 4 gian “tường hồi bít đốc”, vì kèo kiểu "thượng giá chiêng hạ chồng kẻ" dựa trên 6 hàng chân, mái lợp ngói ta, kết nối với tiền đường theo hình “chữ Đinh”.
Phía sau thượng điện bên phải là điện Mẫu 4 gian tường hồi bít đốc, vì kèo kiểu "kèo cầu quá giang, cột trốn". Ban thờ ở vị trí cao nhất là tượng Tam tòa thánh Mẫu, phía dưới có tượng Liễu Hạnh, hai bên là tượng Chầu Bà. Từ ngoài vào, bên phải là ban thờ đức Thánh Trần, bên trái ban Sơn Trang. Nhà thờ Tổ 5 gian, 2 dĩ, mái lợp ngói mũi hài, 4 vì gian giữa làm theo kiểu “giá chiêng hạ kẻ”, 2 vì gian hồi kiểu "kèo cầu quá giang". Điêu khắc trang trí đơn giản, chủ yếu là bào trơn. Bên trong gian giữa xây bệ cao, chính giữa đặt tượng Bồ đề Đạt ma, hai bên bày các tượng Tổ.
Di sản
Trang trí trên tiền đường tập trung vào các bức cốn chạm tứ linh, tứ quý, đầu dư chạm rồng. Hiện có 5 hoành phi, 4 bức nền gấm phủ hoàng kim, một bức sơn son thiếp vàng, 2 cuốn thư, 7 cửa võng, 8 đôi câu đối nền gấm, 1 chuông đồng, bát hương, bia đá... Đặc biệt còn lưu một hệ thống gồm 28 pho tượng Phật giáo Bắc tông với nghệ thuật tạc tượng và trang trí mang phong cách các thế kỷ XVIII, XIX, XX.
Ngày 13/2/1996 chùa [và đình] Trung Quan đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Bến đò Khuyến Lương: XV5V+758, phường Trần Phú, Q. Hoàng Mai.
- Đình Bát Tràng: XWG5+JV, xã Bát Tràng, H. Gia Lâm.
- Đình Chử Xá: WVRX+MM4, xã Văn Đức, H. Gia Lâm.
- Đình Khuyến Lương: XV9J+8WJ, phường Trần Phú, Q. Hoàng Mai.
- Đình Trung Quan: WVXW+PF7, xã Văn Đức, H. Gia Lâm.
- Lăng Chử Cù Vân: WWQ4+QF7, xã Văn Đức, H. Gia Lâm.
991 Trung Quan pagoda ©NCCong 2017-2023