Nguyễn Tam Trinh
Theo truyền thuyết, Đô úy Nguyễn Tam Trinh sinh ra và lớn lên tại một lò vật của huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Sau đó ngài chu du khắp nơi và dừng chân tại Kẻ Mơ (Cổ Mai), ngày nay thuộc phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ngài mở trường bên bờ sông Kim Ngưu, dạy cả văn lẫn võ, người theo học rất đông.
Tương truyền nghè Mai Động được xây trên nền ngôi trường cũ của Tam Trinh, phía trước có giếng Ngọc để ngài cùng tráng đinh tắm mát. Nghè được dựng lại vào năm Duy Tân 10 (1916) với tiền tế 5 gian và hậu cung 2 gian, quay mặt về phía tây bắc, bố cục hình “chữ Tam”.
Tháng Ba năm Canh Tý niên hiệu Kiến Vũ nhà Đông Hán (40), hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, ngài đưa tráng đinh đến Hát Môn tham gia khởi nghĩa. Vua Bà phong ngài chức Đô úy, chỉ huy một trong những cánh quân cùng tiến đánh trị sở Luy Lâu, làm thái thú Tô Định phải bỏ chạy.
Năm 43, vua Quang Vũ sai Mã Viện dẫn 2 vạn quân trở lại xâm lược Giao Châu. Đô uý Tam Trinh được Hai Bà cử về trấn giữ vùng đất phía nam Long Biên. Khi nghe tin Hai Bà tuẫn tiết trên sông Hát, ngài tiếp tục chiến đấu và hy sinh vào đêm 10 tháng Hai năm Quý Mão tại xứ Gò Đống, nay gọi là Cầu Voi.
Nhiều lò vật tôn vinh ngài là tổ nghề. Sau này, vua Lê Đại Hành (941—1005) gia phong ngài là Nam Sơn Tam Trinh Đại vương. Đến thế kỷ XVII, nhân dân Mai Động đã góp công đức xây dựng đình và rước bài vị từ nghè về thờ ngài làm thành hoàng làng.
Hội làng Mai Động được tổ chức hằng năm tại sân đình vào ngày 4, 5, 6 tháng Giêng âm lịch, cạnh đó có mở sới vật với khoảng một trăm đô từ các nơi về dự. Theo lệ cũ, các cuộc thi đấu bắt đầu diễn ra trên gò Đống Vật sau lễ rước kiệu và tế cáo yết thành hoàng.
Năm 1980, đình và nghè Mai Động được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia, có thêm một phần kinh phí nhà nước để sửa chữa, tôn tạo. Năm 1990, con đường dài nằm dọc bờ sông Kim Ngưu thuộc đoạn chảy thẳng qua vùng Thanh Nhàn - Hoàng Mai đã được UBND TP Hà Nội đặt tên là phố Tam Trinh.
(Noted by ©NCCông 2015)