Nguyễn Huệ

Nguyễn Huệ 阮惠 tức Nguyễn Quang Bình 阮光平 sinh năm Quý Dậu niên hiệu Cảnh Hưng 13 (1753) tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định bây giờ). Ngài vốn là Hồ Thơm, con trai thứ 2 của Hồ Phi Phúc.

Tổ tiên ngài họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, quân Chúa Nguyễn đánh ra tới Nghệ An năm 1655 bắt được đem về, cho ở tại huyện Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhơn. Vài đời sau, đến Nguyễn Nhạc được giữ chức Biện lại ở tuần Vân Đồn thu thuế.

Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ được học cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến ở An Thái. Thầy Hiến vốn là môn khách của Trương Văn Hạnh. Thầy Hạnh lại là thầy dạy của Nguyễn Phúc Luân – cha của Nguyễn Ánh.

Nghe lời khuyên của thầy Hiến, Nguyễn Nhạc khởi binh năm 1771. Ba anh em được tôn là Tây Sơn tam kiệt, đã đưa cuộc khởi nghĩa đi qua gian nan đến thắng lợi. Năm 1786 cả hai tập đoàn Trịnh - Nguyễn cùng nhà Hậu Lê đều bị lật đổ về thực chất, dọn đường chấm dứt tình trạng kéo dài 2 thế kỷ chia cắt Đại Việt.

Nhưng nhà Tây Sơn cũng rạn nứt trước khi về một tay Nguyễn Huệ. Ngài cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi, trong 20 năm liền chưa thua một trận nào, đánh bại cuộc xâm lược của Xiêm La từ phía nam (1785) và của nhà Thanh từ phía bắc (1789). Ngài lên ngôi Hoàng đế Quang Trung thay cho Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc và trị vì từ 22-12-1788 đến 16-9-1792.

Về quân sự, ngài cho xây dựng quân đội hùng mạnh, trang bị hiện đại. Về kinh tế, ngài cải cách chế độ đinh điền và ruộng đất, khuyến khích thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương với phương Tây. Về giáo dục, ngài cải tiến thi cử theo hướng thiết thực và ban hành chính sách khuyến học, khuyến khích dùng chữ Nôm thay chữ Hán, sắp xếp lại chùa chiền và bài trừ mê tín dị đoan.

Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 39. Sau đó nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Người kế vị là Quang Toản quá nhỏ tuổi nên triều đình lâm vào mâu thuẫn nội bộ và đã thất bại trong việc tiếp tục chống lại Nguyễn Ánh.

(Noted by ©NCCông 2015)

Miếu Trung Liệt, Gò Đống Đa

Gò Đống Đa ghi dấu chiến thắng Khương Thượng năm 1789. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1963). Vị trí: số 2 (...)