CHÙA ĐẠI AN

Chùa Đại An có từ trước năm 1734. Tên chữ: Đại An Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 2QH9+W82, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 10km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Nhà CT2B KĐT Mỹ Đình - Lê Đức Thọ (xe 26).

Lược sử

Chùa Đại An nằm cạnh đoạn giữa phố Trần Văn Cẩn, cách bờ đông sông Nhuệ chỉ 1km và cách Ga Hà Nội khoảng 10km về phía tây. Nơi đây trước kia thuộc xã Phú Mỹ, tổng Phương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; ngày nay thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Thôn xóm và cánh đồng đã hoàn toàn đô thị hoá. Giao thông thuận tiện vì chùa ở gần Bến xe Mỹ Đình, ngoài đường ven sông Nhuệ thì ba phía khác còn có quốc lộ QL32, đường Vành đai 3 và đại lộ Thăng Long.

Chưa rõ đích xác năm khởi dựng đầu tiên nhưng trong chùa hiện còn tấm bia khắc việc trùng tu vào năm 1735, cho phép xác định sự tồn tại muộn nhất cũng từ thế kỷ XVIII. Các dấu tích khác chứng tỏ ngôi chùa định hình khung kiến trúc từ thời Lê trung hưng và cho đến nay đã trải qua vài lần sửa chữa lớn nhỏ.

Tam quan chùa Đại An. Photo ©NCCông 2023

Năm 1995, chùa Đại An được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Ngay liền bên phải ngõ chùa còn có Miếu thờ Thánh bà Ả Lã Nàng Đê, được xếp hạng Di tích lịch sử của thành phố Hà Nội tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND ban hành ngày 29-3-2019.

Kiến trúc

Sau lần đại tu vào đầu thế kỷ XXI, khuôn viên chùa với diện tích nay còn lại khoảng hơn 16.000 m2 đã được xây tường bao kín. Tam quan ngoài gồm 3 cửa vòm mở về phía nam, cửa giữa làm giả 2 tầng 8 mái không có gác chuông. Con ngõ rộng nối từ cổng chính thẳng đến sân trước toà tiền đường, bên trái ngõ có vườn hoa và ao dài hình chữ nhật giáp phố Trần Văn Cẩn. Bên phải ngõ có lối đi phụ vào khu ao bán nguyệt ở phía sau lưng Miếu thờ Thánh bà Ả Lã Nàng Đê.

Đại trung môn chùa Đại An. Photo ©NCCông 2023

Cuối ngõ là 3 bậc dẫn lên thềm toà đại trung môn gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, 4 mái chồng diêm dựa trên 8 cột đá vuông. Chùa chính bố cục hình “chữ Công”, gồm toà tiền đường nối với thiêu hương và thượng điện, các mái đều lợp bằng ngói mũi hài. Tiền đường 3 gian 2 dĩ và thượng điện 3 gian xây tường hồi bít đốc tay ngai. Sau lưng thượng điện và xung quanh sân hậu là nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà khách, nhà tăng.

Di sản

Trong chùa treo quả chuông “Đại An tự chung” được đúc vào năm Cảnh Thịnh 3 (1795). Trên chuông khắc bài văn do Đỗ Chí Trung soạn thảo, có đoạn viết: “Nay chùa Đại An ở xã Phú Mỹ, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, vốn là nơi ngàn năm danh thắng. Các đồ thờ Phật không thiếu thứ gì… nhưng bỗng dưng gặp buổi binh đao, đồ thờ dần dần thất lạc. Nghĩ mà đau lòng, song cái thế không biết làm sao được. Nay mùa màng bội thu, đời sống dân thôn khấm khá khôi phục những cái đã mất mát chính là lúc này đây”.

Trong chùa Đại An. Photo ©NCCông 2023

Ngoài tấm bia khắc việc trùng tu năm Vĩnh Hựu 1 (1735), trong chùa còn có các cột gỗ lim và 6 tấm bia hậu ghi danh sách của những người cung tiến công đức và nhiều bức hoành phi, đại tự, câu đối bằng chữ Hán.

Di tích lân cận

1045 Dai An pagoda ©NCCông 2014-2023

Đình Phú Mỹ (Mỹ Đình)

Đình Phú Mỹ (Mỹ Đình) có từ thế kỷ XVIII. Thờ thành hoàng: Lý Phật Tử và Ả Lã Nàng Đê. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 2QJC+49 Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 9km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Nhà CT2B KĐT Mỹ Đình - Lê Đức Thọ (xe 26), Vịnh Xén Hè Xe Buýt Trước Tòa Nhà Sun Square - Đường Nguyễn Hoàng (05, 97, E03)

Lược sử

Đình thôn Phú Mỹ toạ lạc trong ngõ 63 Lê Đức Thọ, cách bờ đông sông Nhuệ hơn 1km và cách Ga Hà Nội khoảng 9km về phía tây. Nơi đây trước kia thuộc xã Phú Mỹ, tổng Phương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; ngày nay thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Thôn xóm và cánh đồng cũ đã hoàn toàn đô thị hoá. Giao thông thuận tiện vì chùa ở gần Bến xe Mỹ Đình, ngoài đường ven sông Nhuệ thì ba phía khác còn có quốc lộ QL32, đường Vành đai 3 và đại lộ Thăng Long.

Đình nằm ở một vùng đất mang dấu tích của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào đầu Công nguyên và dãy luỹ đất chống quân Lương xâm lược do vị vua khai sáng nước Vạn Xuân là Lý Nam Đế (554-558) cho dựng. Trong hậu cung đình thờ Ả Lã Nàng Đê - nữ tướng huyền thoại của Hai Bà Trưng, và Lý Phật Tử (vị vua Tiền Lý cuối cùng, trị vì 571–602) - cháu họ của Lý Nam Đế.

Cổng đình Phú Mỹ. Photo ©NCCông 2023

Kiến trúc

Đình được dựng vào cuối thời Lê Trung hưng và cho đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu. Sau lần đại tu gần đây, đình vẫn nhìn về phía tây nam ra hồ nhỏ. Cổng chính xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán. Sau nghi môn là sân lớn, bên tả có cổng phụ mở ra đường làng. Mặt bằng xây dựng được bố cục theo lối "nội Công, ngoại Quốc" trong một khuôn viên khá rộng có tường bao quanh.

Giữa sân là toà tiền tế xây kiểu phương đình chồng diêm 2 tầng 8 mái dựa trên 16 chân cột gỗ lim. Các bộ phận dốc mái, đầu đao, cổ diêm được trang trí hình tứ linh. Các mảng kiến trúc gỗ bên trong tiền tế được chạm khắc dày đặc với những đề tài quen thuộc như: rồng cuốn thuỷ, trúc lão, mai lão, v.v..

Sân đình Phú Mỹ. Photo ©NCCông 2023

Hai dãy tả, hữu mạc nằm đối xứng nhau qua toà tiền tế. Ngay sau tiền tế là toà đại đình 5 gian 2 chái với 4 mái nặng đè trên 8 hàng chân cột. Các bộ vì được làm kiểu giá chiêng chồng rường hạ cốn. Toà hậu cung gồm 3 gian chạy dọc, phía trước được nối vào gian giữa đại đình theo hình "chữ Đinh"..

Năm 1995, đình Phú Mỹ được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di sản

Phần kiến trúc gỗ trong đại đình được trang trí bằng chạm khắc với các đề tài khá độc đáo. Hai bức cốn ở hai bên hồi được chạm hình tiên cưỡi rồng xen lẫn với hình long, ly, quy phượng. Bốn bức cốn ở đầu gian giữa được đục chạm trau chuốt hình rồng ngậm ngọc, râu xoắn mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX.

Tiền tế đình Phú Mỹ. Photo ©NCCông 2023

Trong đình đang bảo lưu những tư liệu Hán Nôm có giá trị. Cụ thể gồm có 2 cuốn ngọc phả được sao lại năm Duy Tân thứ 7 (1913), 21 đạo sắc phong thần của các triều đại Lê trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn, trong đó có 4 sắc phong từ đời Cảnh Hưng, 2 sắc phong từ đời Chiêu Thống, 2 sắc phong từ đời Tây Sơn. Lại có một tấm bia đá khắc bài “Sự lệ bi ký” và mang niên hiệu Cảnh Hưng.

Đình còn là nơi hằng năm diễn ra các lễ hội truyền thống dân gian của làng Phú Mỹ. Hội hát ả đào do phường hát họ Vũ trong làng thường được mời đi biểu diễn hát cửa đình, không chỉ ở vùng Mỗ, La, Canh, Cót ở gần đó mà còn đến vùng Phú Gia, Nhật Tân, Tứ Tổng... thậm chí sang tận vùng Phù Đổng - Gia Lâm và Đình Bảng - Tiên Sơn (Bắc Ninh).

Trong đình Phú Mỹ. Photo ©NCCông 2023

Tại xóm Chợ trong thôn Phú Mỹ hiện còn nhà thờ họ Vũ, trên tường có khắc ba chữ Hán “Ca Công Sứ”. Bên trong bài trí long ngai bài vị thờ ông tổ nghề hát và bà tổ Đào Thị Mẫu (người đã được nhà vua phong tặng là “Nam quốc danh ca Đào Thị Mẫu”).

Di tích lân cận

1040 Phu My (My Dinh) village hall ©NCCong 2012-2023

ĐỀN BÀ Ả LANH (TT. PHÚ XUYÊN)

Đền Bà Ả Lanh có từ lâu đời. Thờ Bà Ả Lanh, tướng của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: PWH2+88H, tiểu khu Đại Nam, TT. Phú Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 35 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: Đối Diện Công Ty Giống Cây Trồng Nam Dương - Quốc Lộ 1A (xe 06A, 101A, 101B, 108)
Lược sử Tương truyền Bà Ả Lanh là một nữ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Có một ngôi đền thờ Bà, còn gọi là đền Ả Lanh công chúa, nay tọa lạc tại thôn Đại Đồng Nam, thuộc tiểu khu Đại Nam, thị trấn Phú (...)