100 Kim Ma community hall
Đình Kim Mã
Bố Cái Đại VươngLinh Langq.Ba ĐìnhĐình có trước thời Tây Sơn. Thờ thành hoàng: Bố Cái Đại Vương, Linh Lang Đại Vương và thái giám Hoàng Phúc Trung. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: Ngõ 221 Kim Mã, 2RJF+F75, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,5km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: 240 Kim Mã.
Lược sử
Đình nhìn về hướng nam, lưng giáp với phố Kim Mã. Khách đến thăm đình thoạt tiên bước từ hè phố cao xuống một dốc ngắn rồi đi qua con ngõ hẹp. Dấu tích cổng đình cũ không còn gì ngoài hai cột trụ trước sân bái đường. Sau khi trùng tu vào đầu thế kỷ XXI, cổng mới hiện nay được mở ra ngõ 221 Kim Mã và nhìn về hướng tây.
Đình mang tên làng cổ Kim Mã, một trong Thập Tam Trại tương truyền được lập từ thế kỷ XI ở phía tây kinh thành Thăng Long. Vào thời Lý—Trần, đất làng Kim Mã được dùng làm nơi nuôi ngựa của Hoàng cung, nên còn gọi là Tầu Mã hay Mã Trại. Một số tư liệu cũng ghi nhận đình Kim Mã đã được xây dựng từ lâu đời như trong các văn bia trùng tu soạn vào niên hiệu Tự Đức 28 (1875) và Khải Định (1925).
- Hộ pháp đình Kim Mã. Photo ©NCCong 2013
Ngày 27-12-1990 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình Kim Mã là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Kiến trúc
Đình từng bị phá hủy năm 1947, về sau UBND phường xây trụ sở trên nền cũ, cuối cùng được trả cho dân dựng lại. Trong quá trình đô thị hoá, diện tích khu đình thu hẹp đi nhiều, chỉ còn chỗ cho sân gạch, nhà tả hữu vu và tòa đại đình. Sân lớn trước nghi môn nay là nơi chơi bóng chuyền và cầu lông. Đất xung quanh đình đã thành nhà cao tầng, các cây cổ thụ hai bên bị mất hết, hướng đình nhìn về phía nam cũng bị bịt kín. Bên trái trụ cổng cũ lạì mới xây thêm một ngôi miếu nhỏ càng làm cho khuôn viên trở nên chật hẹp.
- Sân đình Kim Mã. Photo ©NCCong 2013
Cổng đình cũ còn lại hai cột trụ, ở mặt trước và mặt sau trụ có đắp câu đối ca ngợi công đức của Thành hoàng làng là Bố cái đại vương:
Kim Mã hiếu trung tồn sử sách
Đường Lâm nghĩa dũng tráng sơn hà.
Sân sau nghi môn khá hẹp với các dãy tả, hữu vu nhỏ ở hai bên. Toà đại đình 5 gian được xây theo hình chữ nhật, ở hàng hiên có các cột đắp câu đối. Trên đỉnh nóc đình có đắp hình rồng chầu mặt nguyệt. Trong đình, phía sát tường cuối hậu cung có xây bệ, trên đặt long ngai thành hoàng làng. Bộ phận này được trang trí bằng một cửa võng từ thế kỷ XIX.
- Đình Kim Mã. Photo ©NCCong 2013
Di sản
Trong đình thờ ba vị thành hoàng: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Linh Lang Đại Vương và quan thái giám Hoàng Phúc Trung. Ba vị này đều có liên quan đến các sự kiện lịch sử trọng đại đã từng diễn ra trong vùng.
Đình Kim Mã còn lưu giữ được một đạo sắc phong thành hoàng Phùng Hưng của vua Quang Trung, một sập thờ kiểu chân quỳ dạ cá chạm trổ công phu hiếm thấy và 4 bia đá nói về các lần trùng tu. Đáng lưu ý tấm bia đá có giá trị tư liệu lịch sử được dựng vào năm 1875 và trên đó khắc bài văn “Trùng tu nội đình bi kí”, ghi chép về sự tích Phùng Hưng và làng Kim Mã, do tiến sĩ nho học Lê Đình Diên, tự Cúc Hiên soạn thảo.
- Chính điện đình Kim Mã. Photo ©NCCong 2013
Hiện nay ở cách đình Kim Mã khoảng 500m về hướng đông còn có chùa Kim Sơn và lăng Phùng Hưng cũng được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Bát Tháp (Vạn Bảo): số 211 phố Đội Cấn.
- Chùa Kim Sơn: số 73 phố Kim Mã.
- Đình Giảng Võ: ngõ 612 La Thành.
- Đình, đền Hào Nam: ngõ 29 Vũ Thạnh.
- Đình Ngọc Khánh: số 68 phố Phạm Huy Thông.
- Đình Vạn Phúc: ngõ 194 Đội Cấn.
100 dinh Kim Ma ©NCCông 2013