101 Dong Co temple
Đền Đồng Cổ (Bưởi)
sông Tô Lịchq.Tây Hồnhà LýĐền Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông cho xây năm 1028. Thờ: thần núi Đồng Cổ. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 353 phố Thụy Khuê, 2RW6+GH8, Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4,7 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: 324 Thụy Khuê, hoặc Đối diện 580-582 Hoàng Hoa Thám.
Lược sử
Ngôi đền Đồng Cổ chính gốc nằm bên chân núi Khả Lao, làng Đan Nê, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Sách dã sử Việt điện u linh[1] cho biết năm 1020 Thái tử Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông (1028—1054) vâng mệnh Lý Thái Tổ dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, dọc đường có dừng chân nghỉ cạnh đền này. Đến giờ Tý bỗng từ ngoài có tiếng vọng lại vang rền như sấm; một vị thần cao lớn, râu cứng, mặc áo giáp, tay cầm binh khí hiện ra trước mặt Phật Mã và nói: “Ngài đi đánh giặc, tôi giúp một tay”. Phật Mã đem quân vào đến Tân Bình (Quảng Bình) thì đánh tan giặc... Thắng trận trở về, Thái tử đến núi Đồng Cổ làm lễ tạ.
Đại Việt Sử ký Toàn thư[2] chép rằng năm 1028, trước khi Lý Thái Tổ qua đời một ngày (mùng 3 tháng Ba âm lịch), Thái tử được thần núi Đồng Cổ báo mộng sẽ có ba vị vương nổi loạn... Phật Mã vội cùng tùy tùng cấp tốc về kinh đô. Quả như lời thần, Đông Chinh Vương, Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương nhân vua cha băng hà đã đưa quân vào trong Cấm thành. Do phòng bị trước và có các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp nên Thái tử đã dẹp được vụ này.
- Ao đền Đồng Cổ ©NCCong 2019
Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông cho xây một ngôi đền thờ thần núi Đồng Cổ ở bên Hoàng thành và quyết định lấy ngày 25 tháng Ba ÂL hàng năm để tiến hành hội thề tại đó. Trước đền đắp một đàn cao, trên bày thần vị, các quan văn võ từ phía đông đi vào quì trước đàn, uống máu và thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”. Về sau vì hội thề trùng với ngày kỵ của vua nên chuyển sang mùng 4 tháng Tư ÂL. Văn võ trăm quan, người nào vắng mặt thì bị phạt 5 quan tiền. Hôm ấy, dân chúng kinh thành nô nức đổ về xem. Đến thời Trần vẫn còn giữ lễ như thế. Sang thời Lê mới đổi nơi thề ra bờ sông, sai quân đến tế ở đền Đồng Cổ.
Kiến trúc
Đền Đồng Cổ nằm trên khu đất cao trông ra khúc sông Tô Lịch ven đường Thụy Khuê, trước kia thuộc thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái (Kẻ Bưởi). Từ thế kỷ XX, khúc sông này bị thu hẹp dần và trở thành một rãnh thoát nước bẩn. Sau nhiều lần trùng tu, hiện đền gồm có các hạng mục: nghi môn, tả hữu vu, tiền tế, trung đường, hậu cung, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Tam quan cũ làm lại như một nghi môn, tiền tế xây 2 tầng 8 mái kiểu phương đình.
- Cổng đền Đồng Cổ ©NCCong 2019
Ngày 31-1-1992, đền Đồng Cổ được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Di sản
Miền Bắc có 3 di tích lớn thờ thần núi Đồng Cổ. Đền ở Kẻ Bưởi và sự tích hội thề tại đây trải qua gần nghìn năm đến nay đã trở nên quan trọng hơn chính ngôi đền gốc tại Đan Nê, Thanh Hóa. Hiện nay, đền lại tiếp tục duy trì lệ thề truyền thống.
Trên trụ biểu ở cửa đền Đồng Cổ có đôi câu đối:
Bát diệp sơ đồng cổ sơn ngôn lịch đại bao phong lưu ngọc điệp / Thiên tải hậu chu bàn hải thệ nhất tâm trung hiếu phụng kim chương
Tạm dịch:
Tám đời vua, Đồng Cổ núi vang, hậu thế phong thần lưu sắc ngọc / Ngàn năm trải, Đàn Thề biển tạc, một lòng trung hiếu tỏa ánh vàng
- Đền Đồng Cổ ©NCCong 2019
Tiến sĩ Trần Bá Lãm (1757—1815) có bài “Vịnh Đồng Cổ đàn”:
Liên hoa bát diệp mộng sơ tình
Hà xứ sơn thần tự hiển linh
Tha niên Trần Cảnh di thần khí
Dao vọng minh đàn thảo sắc thanh[3]
Tạm dịch:
VỊNH ĐÀN THỀ ĐỒNG CỔ
Hoa sen tám cánh, mộng không thành.[4]
Thần núi nơi nào tự hiển linh?[5]
Trần Cảnh năm xưa dời trống thánh.[6]
Đàn thề xa ngắm: cỏ màu xanh
Bên trong đền Đồng Cổ còn giữ được 12 đạo sắc phong từ năm 1740 đến 1883, mang các niên hiệu: Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến mùng 4 tháng Tư âm lịch hằng năm, thôn Nam phường Bưởi mở hội. Không chỉ nhân dân và đại diện chính quyền sở tại mà đông đảo khách thập phương cũng về đây tham gia lễ hội trang trọng, linh đình.
- Tiền tế-đền Đồng Cổ ©NCCong 2019
Di tích lân cận
- Chùa Mật Dụng: số 442 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Chùa Sải (Tĩnh Lâu Tự): số 147 phố Trích Sài, phường Bưởi.
- Đền Dực Thánh: ngõ 378 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đền Vệ Quốc: số 342 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đình Hồ Khẩu: ngõ 378 Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đình Vĩnh Phúc: số 3 ngõ 515 Hoàng Hoa Thám, Di tích quốc gia.
101 den Dong Co (Buoi) ©NCCong 2013-2019
[1] Do Lý Tế Xuyên soạn, hoàn thành năm Kỷ Tỵ 1329.
[2] Phần đầu do Ngô Sĩ Liên soạn, hoàn thành vào năm 1479.
[3] Nguyên văn: 詠銅鼓壇蓮花八葉夢初醒何處山神自顯靈他年陳綆栘神氣遙望盟壇草色青. Tỉnh giấc mộng đầu, hoa sen tám cánh / Thần núi tự hiển linh ở đâu nhỉ? / Năm xưa Trần Cảnh di dời thần khí / Trông xa đàn thề, màu cỏ xanh xanh.
[4] Nhà Lý truyền được 8 đời vua 200 năm, dài hơn 175 năm của 13 vua Trần.
[5] Theo sử sách thì thần núi đều báo mộng ở những địa điểm xa Thăng Long.
[6] Trần Thủ Độ tuy thề nhưng vẫn đưa Trần Cảnh lên ngôi thay Lý Chiêu Hoàng.