1013 Golden bull river

Sông Kim Ngưu

s.Kim Ngưus.Trung Liệt

Kim Ngưu (金牛) có nghĩa là Trâu Vàng. Tương truyền thời Lý có con Trâu Vàng ở bên Trung quốc khi nghe thấy tiếng chuông đồng của thiền sư Nguyễn Minh Không - ông Tổ nghề đúc ở nước Nam - liền chạy sang. Đến phía bắc thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, Trâu Vàng đào bới tung lên để tìm mẹ làm đất chỗ đó sụt xuống thành hồ Kim Ngưu, sau gọi là Hồ Tây. Đường nó chạy lún xuống thành sông Kim Ngưu.

Lược sử

Theo GS Trần Quốc Vượng sông Kim Ngưu cổ lấy nước từ sông Tô Lịch ở ô Cầu Giấy, chảy theo hướng tây-đông qua phố Đội Cấn bây giờ. Khi tới Thụy Khê nó lại lấy nước từ sông Tô Lịch chảy theo hướng bắc-nam qua Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, ô Cầu Dền, ô Đông Mác, Yên Sở, rồi hợp lưu với sông Tô Lịch ở Văn Điển.

Thời xưa có câu ca dao: “Nhị Hà quanh bắc sang đông / Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này” để chỉ vị trí sông Tô Lịch ở phía tây kinh thành, còn Kim Ngưu ở phía nam. Sông Kim Ngưu lại có các phân lưu là sông Trung Liệt (tách ra tại Hào Nam), sông Sét và sông Lừ (đều tách khỏi Kim Ngưu tại khu vực Kim Liên, Trung Tự, Phương Liệt), v.v...

Hiện trạng

Khi quân Pháp chiếm Hà Nội sông Kim Ngưu còn là một tuyến giao thông thuỷ. Sau sông cạn và chỉ còn 7,7 km để thoát nước cho 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Ngày nay ta không nhìn thấy đoạn từ Thụy Khê đến ô Đông Mác trên bản đồ Google vì nó đã bị lấp hoặc xây thành cống ngầm gần hết vào cuối thế kỷ XX.

Đoạn từ ô Đông Mác tới Yên Sở được nạo vét, kè bờ và làm hàng rào từ cuối thập niên 1990. Hai bên bờ sông được xây thành các con đường Đông Kim Ngưu, Tây Kim Ngưu, Tam Trinh... Ngoài ra nó còn được nắn lại dòng chảy để cho 2/3 lượng nước đổ vào hồ Yên Sở và có thể thoát ra sông Hồng.

Đoạn cuối cùng chảy từ Công viên Yên Sở qua Ngũ Hiệp và đổ vào sông Tô Lịch ở bên cạnh cầu Đông Mỹ. Đoạn này có nguy cơ biến mất vì không được cải tạo, nước cạn và bờ bị lấn chiếm.

Di tích ven sông và phân lưu

  1. Đình Ba Dân
  2. Chùa Bà Nành (Tiên Phúc Tự)
  3. Chùa Bà Ngô (Ngọc Hồ Tự)
  4. Chùa Bát Tháp (Vạn Bảo Tự)
  5. Bích Câu đạo quán
  6. Chùa Bộc (Sùng Phúc Tự)
  7. Chùa Am Cây Đề (Thanh Ninh Tự)
  8. Đình Đại
  9. Đình Đại Từ
  10. Đình Đại Yên
  11. Chùa Đông Phù (Hưng Long Tự)
  12. Đình Đông Phù
  13. Đình, đền Đông Thiên
  14. Chùa Đồng Quang
  15. Gò Đống Đa, miếu Trung Liệt
  16. Đình Giảng Võ
  17. Đình Giáp Tứ
  18. Đình Hào Nam
  19. Đình Hoàng Cầu
  20. Chùa Hoàng Mai (Nga My Tự)
  21. Đình Hoàng Mai
  22. Chùa Huy Văn (Dục Khánh Tự)
  23. Chùa Hưng Ký (Võ Hưng Thiền Am)
  24. Chùa Hương Tuyết
  25. Đình, đền Kim Liên
  26. Chùa Kim Mã (Kim Sơn Tự)
  27. Đình Kim Mã
  28. Chùa Liên Phái (Liên Tông Tự)
  29. Đền Liễu Giai
  30. Đình Liễu Giai
  31. Đình, chùa Linh Quang (Văn Chương)
  32. Chùa Linh Ứng (Khâm Thiên)
  33. Đình Lương Sử
  34. Đền Lừ
  35. Đình, nghè Mai Động
  36. Chùa Một Cột (Diên Hựu Tự)
  37. Chùa Mỹ Quang (Linh Quang Tự)
  38. Chùa Nam Đồng (Càn An Tự)
  39. Đình Nam Đồng
  40. Đình Ngọc Hà
  41. Đình Ngọc Khánh
  42. Chùa Pháp Vân
  43. Chùa Phổ Giác
  44. Chùa Phụng Thánh
  45. Chùa Phương Liệt (Linh Quang Tự)
  46. Đinh Phương Liệt
  47. Chùa Quang Minh
  48. Chùa Quỳnh Lôi (Long Khánh Tự)
  49. Chùa Sét (Đại Bi Tự)
  50. Đền Sòng Sơn
  51. Đình Tân Khai (Vĩnh Hưng)
  52. Chùa Thanh Lương (Hộ Quốc Tự)
  53. Chùa Thanh Nhàn (Linh Sơn Tự)
  54. Chùa Thanh Nhàn (Ô Chợ Dừa)
  55. Đình Thái Kiều
  56. Đình Thổ Quan
  57. Đình Trung Kính (Trung Phụng)
  58. Đình Trung Lập
  59. Đình, đền Trung Phụng
  60. Chùa Trung Tự (Phúc Long Tự)
  61. Đình Trung Tự
  62. Chùa Tương Mai (Linh Ứng Tự)
  63. Đình Tương Mai
  64. Chùa Tứ Hiệp (Long Quang Tự)
  65. Chùa Tứ Kỳ
  66. Đình Tứ Kỳ
  67. Chùa Văn Điển
  68. Đình Văn Điển
  69. Chùa Vân Hồ (Linh Thông Tự)
  70. Chùa Vua (Đế Thích quán)
  71. Chùa Xã Đàn (Kim Yên Tự)
  72. Đình Xã Đàn
  73. Y Miếu Thăng Long
  74. Đình Yên Duyên