1014 Quan De temple

Đền Quan Đế

q.Hoàn KiếmBắc thuộcQuan Vũ

Đền do cộng đồng Hoa kiều gốc Quảng Đông xây dựng vào năm 1819. Thờ: Quan Vũ. Xếp hạng Di tích quốc gia (2015). Vị trí: số 28 phố Hàng Buồm, 2VP2+CR Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,9km (hướng 1h). Trạm bus lân cận: 22c Hàng Lược, hoặc 50 Hàng Cót.

Lược sử

Vào thời Lê trung hưng, sông Tô Lịch còn ăn thông với sông Hồng tại chỗ nay là phố Chợ Gạo. Suốt trên một khoảng đất rộng rãi ở ngay gần con đê phía đông kinh kỳ thời đó có bến cảng Hà Khẩu ngày đêm tấp nập thuyền buôn ghé đỗ để xuất và nhập hàng hoá cho muôn nơi. Trong giới thương lái, đặc biệt đông nhất và giàu mạnh nhất là những nhóm người gốc Hoa. Họ thường kết hội với mạng lưới các chủ tàu và các bang giang hồ bảo kê... Phần lớn họ đến đất Việt theo đường thuỷ, có lẽ vì vậy mới sinh ra cụm từ "người Tầu" chăng?

Ngoài dân buôn còn có khá nhiều dân tỵ nạn và dân nghèo từ Hoa Nam chạy sang đây sau khi quân Mãn Châu xâm lược Trung Quốc và lập nên triều đại nhà Thanh cai trị suốt từ năm 1636 đến 1912. Ngày càng đông người định cư, lấy vợ, sinh con và xây nhà, xây kho, mở tiệm, mở xưởng kinh doanh ở Kẻ Chợ, cho nên các cộng đồng Hoa kiều tại Hà Nội cũng bắt đầu chú trọng xây dựng nhà thương, nghĩa trang, và những công trình khác như hội quán Quảng Đông, hội quán Phúc Kiến, đền miếu, v.v.. vào cuối thế kỷ XVIII.

Phố Hàng Buồm. Ảnh NCCong ©2017

Chính quyền thực dân Pháp sau khi chiếm được thành Hà Nội liền cho san lấp cửa sông Tô Lịch và hầu hết hồ ao xung quanh, rồi cho đấu thầu các lô đất để sửa sang, mở rộng khu phố cũ và xây thêm các công trình theo quy hoạch của họ. Một số kiến trúc sư Pháp và chức dịch người Việt đã ngăn không cho phá nhiều di tích lịch sử văn hoá. Dân sở tại cũng nhanh chóng tiếp thu những tiến bộ của đô thị phương Tây vào cuối thế kỷ XIX như hệ thống công cộng về điện đèn, cầu đường, cống rãnh, vỉa hè, nước máy, trường học, bệnh viện...

Mặc dù văn minh đó mới chỉ ở mức độ thuộc địa nhưng thật sự đã dần dần làm thay đổi một phần xã hội Việt, tạo nên một nền văn hoá tiếp cận khoa học, công nghệ và văn học, nghệ thuật của chung toàn nhân loại, khác với thời kỳ chịu ảnh hưởng Nho học quá nặng và gần như duy nhất chỉ từ Trung Quốc. Cuộc sống cứ tiếp diễn qua các cuộc đảo lộn và ngày nay khách du lịch có một nơi gọi là khu phố cổ Hà Nội để chiêm nghiệm sự giao thoa đặc sắc ngàn năm giữa các nền văn hoá ngoại nhập và văn hoá bản địa hoà quyện đến mức khó lẫn vào đâu được.

Cổng đền Quan Đế. Ảnh NCCong ©2017

Đền Quan Đế mang biển số 28 phố Hàng Buồm là một trong những di tích minh chứng cho sự hội nhập và bảo tồn văn hoá ở khu phố cổ (hiện còn lại 54 ngôi đình, 6 chùa, 22 đền và 3 toà miếu). Ngôi đền được cộng đồng Hoa kiều gốc Quảng Đông xây dựng vào năm 1819 để làm nơi thờ Quan Đế (tức Quan Công, hay Quan Vũ), một đại tướng nổi tiếng là trung nghĩa của nhà Thục thời Tam Quốc (thế kỷ thứ III). Sau các lần trùng tu vào thời Nguyễn, đền tiếp tục bị xuống cấp trong chiến tranh và từng có tới 5 hộ dân sinh sống tại đây trước khi có dự án phục chế và cải tạo di tích.

Kiến trúc

Dáng vẻ ngôi đền bây giờ là kết quả của dự án với tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng, trong đó có gần 5 tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng. Công trình được khởi công vào ngày 16-2-2009 và hoàn thành vào đầu năm sau trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điều đặc biệt là dự án có những chuyên gia bảo tồn đến từ Pháp và thợ phục chế của xã Chàng Sơn (Thạch Thất) tham gia trong khuôn khổ hợp tác giữa hai thành phố Toulouse và Hà Nội.

Trong đền Quan Đế. Ảnh NCCong ©2017

Đền Quan Đế năm 2009 được cải tạo thành Trung tâm thông tin phố cổ với diện tích 275 m2. Cổng nghi môn là một nếp nhà tường hồi bít đốc, được 4 trụ gạch chia thành 3 gian và ngăn bằng 3 cửa gỗ đơn giản. Ngay phía sau dựng tấm bia đá “Trùng Kiến Quan Thánh Miếu bi ký” hình vuông khá lớn trên nền sân thấp để giữ nguyên cốt nền cũ. Sau sân là tiền tế 3 gian, phương đình 1 gian và hậu cung 3 gian, xếp thành hình “chữ Công”. Tại phương đình kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái có bộ hương án cổ bằng đá để thờ Công Đồng, tường hồi hai bên có đắp nổi Thanh Long và Bạch Hổ. Trong hậu cung đặt pho tượng đúc bằng đồng thờ Quan Công ở giữa, hai bên là tượng Châu Xương và Quan Bình.

Di vật

Theo Ban quản lý di tích, trong khi hạ giải đã phát hiện ở dưới nền là những trụ đá được các nhà khảo cổ đánh giá có niên đại cách đây khoảng 500 năm. Đền có giá trị đặc trưng về yêu cầu nghệ thuật do các chủ đầu tư chỉ đạo và được các nghệ nhân của Việt Nam thi công xây dựng. Ngoài các chi tiết trang trí kiểu cách phương Bắc, đền còn thể hiện lối kiến trúc truyền thống độc đáo của vùng đồng bằng sông Hồng với kết cấu chủ yếu bằng gỗ lim cùng các hoạ tiết được thực thi tinh xảo và độc đáo, ví dụ mặt hổ phù, “cá chép hoá rồng” và các đề tài tứ linh được chạm khắc trên gỗ. Có thể nói ở đây có sự giao thoa giữa văn hóa người Việt và người Hoa gắn liền với tín ngưỡng đạo Phật.

Hoành phi đền Quan Đế. Ảnh NCCong ©2017

Tại di tích thường có Giáo phường Ca trù Thăng Long biểu diễn ngoài các triển lãm về phố cổ. Toà nhà bên cạnh đền vốn là hội quán Quảng Đông có diện tích lớn hơn nhiều. Sau một thời gian khá dài bị sử dụng như nhà trẻ Hồng Hà thì gần đây nó cũng đã được phục chế và cải tạo, trở thành một điểm thu hút khách du lịch.

Năm 2015, đền Quan Đế được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

1014 den Quan De ©NCCông 2012-2023