1021 Bai An community hall

Đình Bái Ân

q.Cầu Giấys.Tô LịchÔng bà Dầu

Đình Bái Ân có từ thế kỷ XVII. Thờ thành hoàng: vợ chồng ông bà Dầu và em trai ông. Lễ hội: 9-10 tháng Hai âl. Vị trí: số 42 Ngõ 175 Đ. Lạc Long Quân, Nghĩa Đô, 3R35+84, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 5,8 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: 196 Lạc Long Quân (xe 25, 33, 55), Đd Nhà Hàng Ngọc Được 3 - Võ Chí Công (09a, 09act, 96, 146, 159)

Lược sử

Đình nằm trong một khuôn viên có tường bao khá dài ở giữa làng Bái Ân, nay bị nhà dân vây kín. Tương truyền đình có từ đời vua Lý Nhân Tông trị vì (1072-1127), thực ra được khởi dựng vào thế kỷ XVII, là di tích cổ nhất trong số các ngôi đình của Kẻ Bưởi. Thần phả còn lưu trong hậu cung có chép sự tích ba vị thành hoàng làng gồm: Chiêu Ứng Vũ đại vương và Thuận Chính công chúa (tức vợ chồng ông bà Vũ Phục, còn gọi là ông bà Dầu, có miếu thờ ở đầu đình An Thái) cùng Chiêu Điều đại vương (tức người em, còn gọi là ông thánh Chú).

Tục truyền ông bà Vũ Phục làm nghề bán dầu, đã gieo mình xuống sông Tô hy sinh để chữa bệnh đau mắt cho vua và ngăn được dòng nước xoáy vào tường thành Thăng Long ở Kẻ Bưởi. Người em nghe tin dữ vội vàng chạy đến nhưng bị vấp phải cây ở gần nơi tổ chức lễ tang và ngã chết. Về sau dân làng Bái Ân lập miếu thờ ông em tại nơi vấp ngã, gọi là miếu Quán Cây.[1]

Tam quan ngoại đình Bái Ân. Ảnh NCCong ©2023

Kiến trúc và di vật

Đình từng trải qua nhiều lần trùng tu bắt đầu từ đời Lê Thần Tông vào những năm 1634 – 1637, 1652. Di tích ngày nay mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn muộn đã được định hình sau đợt đại tu vào cuối thế kỷ XX. Tam quan ngoại mới được xây gần đây, gồm 3 gian tường hồi bít đốc tay ngai có đắp nổi hai ông hộ pháp khá lớn và mang biển số 42 ngõ 175 đường Lạc Long Quân, thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Phía sau là sân nhỏ với bức bình phong cuốn thư trước nghi môn cũ xây kiểu tứ trụ, mặt nhìn về phía tây bắc với 3 cửa sắt. Trong sân lớn có nhà hữu mạc 5 gian và toà tiền tế ở giữa là một phương đình kiểu 2 tầng 8 mái. Sát lưng tiền tế là toà đại bái 5 gian, xây tường hồi bít đốc tay ngai. Toà thượng điện 3 gian nhô cao nằm ngang, kết nối với đại bái thông qua toà thiêu hương 4 gian nằm dọc ở giữa hai nhà hành lang thấp hơn. Tất cả các mái đều lợp ngói ri.

Sân trong đình Bái Ân. Ảnh NCCong ©2023

Hiện vật lưu giữ trong đình gồm: 01 cuốn ngọc phả có từ thời Gia Long, 20 đạo sắc phong của các triều vua từ thời Lê đến thời Nguyễn, 03 ngai thờ, 03 cỗ kiệu bát cống được chạm khắc kiểu thế kỷ XVII, 01 tấm bia hậu thần đời Cảnh Hưng, 01 tấm bia đá đời Gia Long. Lại có 01 chiêng đồng, 01 quả chuông đúc vào đời Gia Long cùng nhiều hoành phi, câu đối và đồ đồng, đồ sứ mỹ thuật.

Lễ hội

Lễ hội đình làng được tổ chức hàng năm trong 2 ngày 9-10 tháng Hai âm lịch. Sáng mùng 9, các bô lão được làng chọn mặc lễ phục truyền thống vào lễ cáo với Tam vị thành hoàng và cầu mong phù hộ cho con cháu sống khỏe mạnh, nhân đức và làm ăn thuận lợi. Cỗ cúng gồm có xôi dẻo, bò béo, gà mái ghẹ, bánh rán, chè kho theo ước muốn của ông bà trước khi chết. Sau đó là lễ rước kiệu quanh làng. Buổi chiều diễn ra các tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian.

Tam quan và nghi môn đình Bái Ân. Ảnh NCCong ©2023

Mùng 10 là chính hội, bắt đầu bằng màn tế lễ nam và tế lễ nữ của các bậc cao niên được lựa chọn trong làng. Tiếp theo là lễ dâng hương của đại diện các làng khác được mời tham dự lễ hội và bà con trong làng. Buổi chiều trình diễn các tiết mục ca hát dân gian và các trò chơi như chọi gà, đánh cờ. Kết thúc lễ hội là màn lễ tạ của các cụ bô lão trong làng vào lúc xế chiều.

Theo lệ cũ, đoàn rước ông thánh Chú từ đình Bái Ân theo đường làng vòng đến ngã ba Kiệu Quỳ. Đoàn rước ông bà Dầu từ đình An Thái theo đường Lạc Long Quân cũng đến ngã ba này, gặp nhau thì kiệu ông em hạ xuống chào, người khiêng kiệu phải quỳ. Kiệu ông anh cũng hạ xuống đáp lễ. Rồi hai đoàn đi tới miếu Quán Cây hạ kiệu làm lễ. Ở đây có hai phiến đá phẳng để bày lợn cúng. Cúng xong bát tiết được đổ xuống ao. Lễ xong thì tiếng trống chiêng nổi lên, kiệu ông anh rước về đình An Thái, kiệu ông em rước về đình Bái Ân.

Đình Bái Ân: tiền tế. Photo ©NCCong 2023

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Hàng năm vào ngày 6 tháng Giêng, dân làng làm lễ cúng ông em tại miếu Quán Cây, theo lệ thì phải giết 6 con lợn và đổ hết tiết xuống ao. Đời sau cho đó là mê tín lạc hậu nên tục này đã chấm dứt từ cuối năm 1954.

©NCCông 2015-2019, Bai An community hall