1025 Mo Lao community hall
Đình Mộ Lao
q.Hà Đôngsông NhuệLê trung hưngĐình Mộ Lao có từ cuối thời Lê. Thờ: Cao Sơn đại vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: Ngõ 42 P. Mộ Lao, XQHJ+79 Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 10 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Khách Sạn Sông Nhuệ (xe 01, 02, 19, 21A, 22B, 22C, 27, 78, 103A, 105, E04, E06)
Lược sử
Dưới thời nhà Nguyễn, Mộ Lao vốn là một làng thuộc tổng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến năm 1831, huyện Từ Liêm chuyển về thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Năm 1945, làng Mộ Lao cùng với các làng Văn Quán, Cầu Đơ, Hà Trì được sáp nhập vào thị xã Hà Đông. Khi đó Mộ Lao là một thôn ngoại thị.
Năm 1965, Mộ Lao sáp nhập với 3 thôn Văn Quán, Yên Phúc, Xa La để thành lập xã Văn Yên thuộc thị xã Hà Đông. Ngày 23-6-1994, Chính phủ ban hành Nghị định 52-CP, giải thể xã Văn Yên để thành lập hai phường Văn Mỗ và Phúc La. Phường Văn Mỗ gồm có các thôn Văn Quán, Mỗ Lao thuộc xã Văn Yên cũ và phố Trần Phú của phường Yết Kiêu với 266,96 ha diện tích tự nhiên và 13.703 người.
- Cổng đình Mộ Lao. Photo NCCong ©2023
Ngày 27-12-2006, phường Văn Mỗ thuộc thành phố Hà Đông mới thành lập. Ngày 1-3-2008, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2008/NĐ-CP, chia phường Văn Mỗ thành hai phường Văn Quán và Mộ Lao. Ngày 8-5-2009, quận Hà Đông được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thành phố Hà Đông, từ đó phường Mộ Lao thuộc quận Hà Đông cho đến nay.
Phường có mã hành chính 09541, diện tích 1,26 km², dân số năm 2022 là 24.221 người, mật độ dân số đạt 19.223 người/km². Di tích lịch sử - văn hoá còn lại bao gồm đình và chùa Mộ Lao. Ngày 21-8-1945, Việt Minh đã tịch thu kho gạo của Phát xít Nhật đặt ở chùa đem về đình chia cho các hộ nghèo nhằm giải quyết nạn đói khủng khiếp. Đến ngày 23-8-1945, Tự vệ và dân làng đã cùng Lực lượng vũ trang của một số địa phương khác tiến vào thị xã Hà Đông tước vũ khí, tiếp quản trại Bảo An binh, dinh Tỉnh trưởng và các công sở để giành chính quyền.
- Ao và phương đình Mộ Lao. Photo NCCong ©2023
Kiến trúc
Đình Mộ Lao có từ cuối thế kỷ XVIII, gần đây vào đầu thế kỷ XXI đã được sửa chữa lớn. Mặt đình hiện quay hướng tây nhìn ra sông Nhuệ. Cổng đình làm kiểu nghi môn tứ trụ, phía sau là ao đình với hòn non bộ rồi đến sân đình. Giữa sân là toà tiền tế xây 2 tầng 8 mái, lợp ngói mũi hài với 8 đầu đao cong. Hai bên tiền tế là dãy tả hữu mạc gian.
Toà đại bái 5 gian kết nối với hậu cung 3 gian thành hình “chữ Đinh”. Các bộ vì trong toà đại bái có kết cấu theo kiểu “giá chiêng chồng rường”. Hai bức cốn còn lại được trang trí theo đề tài tứ linh đan xen với hệ thống hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng sơn son thếp vàng và sơn mài khảm trai. Phía bắc đình, bên kia con ngõ còn có văn chỉ của làng.
- Trong đình Mộ Lao. Photo NCCong ©2023
Di sản
Trong hậu cung đình Mộ Lao có một pho tượng mang niên đại nhà Nguyễn, tạc hình Cao Sơn đại vương trong tư thế chống chân vuông góc trên bệ long ngai. Khuôn mặt tượng hiền hậu với đôi mắt nhìn xuống, râu đen, dài, đôi môi như cánh hoa, mũi dọc dừa, đầu đội mũ cánh chuồn, hàng cánh sen xếp liền nhau bên dưới tạo thành đai mũ, thân tượng khoác áo long cổn, đai áo có chữ “Thọ”.
Ngoài các hoành phi, câu đối, đình còn bảo lưu được 18 đạo sắc phong thành hoàng làng, đạo sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê Trung hưng.
Lễ hội đình làng hàng năm diễn ra vào hai ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch. Cứ 5 năm một lần dân làng lại tổ chức đám rước kiệu Thánh.
- Tượng thành hoàng đình Mộ Lao. Photo NCCong ©2023
Năm 1996, đình Mộ Lao được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Hà Trì: XQ8M+84F, Hà Trì, Hà Đông.
- Chùa Thanh An: XQ9V+W74, Tân Triều, Thanh Trì.
- Chùa Văn Quán: XQHJ+79 ngõ 42, P. Mộ Lao, Hà Đông.
- Đình Cầu Đơ: XQCG+584, P. Quang Trung, Hà Đông.
- Đình, miếu Xa La: XQ7Q+PF8, P. Phúc La, Hà Đông.
- Miếu Cổ Vạn Phúc: XQJG+9RH, Đường Vạn Phúc, Hà Đông.
1025 Mo Lao ©NCCông 2015-2023