1026 Am Cua Bac pagoda
Chùa Am Cửa Bắc (Phổ Quang Tự)
q.Ba Đìnhnhà Nguyễnhồ đầmChùa Am Cửa Bắc có từ đầu thế kỷ XIX. Tên chữ: Phổ Quang Tự. Vị trí: số 29 phố Cửa Bắc, 2RVV+H6, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,2 km (hướng 12 h). Trạm bus lân cận: 86 Quán Thánh (xe 14, 22), Qua Nút Giao Cửa Bắc 120m - Yên Phụ (31, 33, 41, 50, 56, 58), Trường THPT Phan Đình Phùng - Cửa Bắc (143, E02)
Lược sử
Đầu thế kỷ XIX, non sông ta lại thống nhất, kết thúc cuộc nội chiến kéo dài đã mấy chục năm. Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, lấy quốc hiệu Việt Nam. Vua cho trả tiền bồi thường dời dân 8 làng ở Phú Xuân và phá dỡ toàn bộ hoàng thành của nhà Tây Sơn để xây dựng kinh thành mới của nhà Nguyễn vào năm 1803, tức cố đô Huế bây giờ.
Vua đã cử trung thần là danh tướng Thoại Ngọc Hầu ra Bắc, giao cho chỉ huy quân đội để phòng nội loạn và nhà Thanh. Ngài sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761) tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Tên ngài là Thụy, lập nhiều công lớn được phong tước hầu, đương thời gọi là Thoại Ngọc Hầu. Các sách cũ cũng viết tên ngài là Nguyễn Văn Thoại, mẹ là Nguyễn Thị Tuyết và cha là Nguyễn Văn Lượng làm quan văn trông coi việc lễ nghi trong triều của chúa Nguyễn Phúc Khoát.
- Tượng Thoại Ngọc hầu
Ở tuổi 43, Thoại Ngọc Hầu lãnh chức Khâm sai Thống binh Chưởng cơ, quản suất biền binh lưu thủ Bắc Thành và trấn thủ Lạng Sơn từ năm 1802 đến 1808. Ngài đóng đại bản doanh trong khu vực hoàng thành cũ đã bị cướp phá hoang tàn do quân Thanh xâm lược và Đông Đô hoàn toàn mất vị thế do nhà Lê sụp đổ vào cuối thế kỷ XVIII. Bà huyện Thanh Quan là một nhân chứng đương thời đã viết bài thơ nổi tiếng “Thăng Long thành hoài cổ”:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
- Tượng Phật chùa Am Cửa Bắc
Bà vợ cả của Thoại Ngọc Hầu là Châu Thị Tế cũng theo ra Bắc. Trong lúc chồng đi trấn thủ Lạng Sơn, phu nhân đã cho lập ở khu đất cao gần đê Yên Phụ bên ngoài cổng thành phía bắc một am nhỏ gần chùa Châu Long để thờ Phật và tụng kinh tu đạo. Dần dà nhận thấy trong bầu đoàn thê tử của tướng sĩ nhà Nguyễn và nhân dân sở tại cũng có rất nhiều Phật tử, phu nhân bèn huy động mọi người quyên góp công đức để mở rộng am thành một ngôi chùa lớn, đặt tên là Phổ Quang Tự.
Kiến trúc
Vị trí của chùa bây giờ lọt thỏm vào phía sau những cao ốc chọc trời, Một khu nhà dân mọc lên nham nhở vây kín xung quanh. Nếu chỉ đi bên ngoài phố, du khách thường không nhìn thấy dấu vết gì. Đi vào ngõ hẹp quanh co đến nơi thấy diện tích chùa sót lại khoảng trên dưới 1000m2 lại càng khó tưởng tượng ra quy mô của Phổ Quang tự xưa kia.
- Cổng chùa Am Cửa Bắc
Hiện cổng ngõ vào chùa ở số 29 phố Cửa Bắc, thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Mặt chùa quay về hướng tây ra phía hồ Trúc Bạch. Cửa ra vào chùa áp sát nhà dân. Chùa chính gồm 2 tầng, đúc bê tông, sân cũng nhỏ, hầu như các hạng mục đều được xây lại vào đầu thế kỷ XXI. Do các hộ dân cư xung quanh xâm lấn đất vườn chùa nên những ngôi tháp mộ của các vị sư trụ trì đã khuất nay phải nằm rải rác trong ngõ.
Di sản
Cũng may rằng bên trong chùa bảo lưu được những hiện vật vô cùng quý giá là ba tấm bia đá mang niên đại thuộc các đời vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thành Thái, và Duy Tân. Đặc biệt trong tấm bia năm Duy Tân thứ 3 (1908) có khắc ghi rõ công đức của bà Châu Thị Tế và tên của Thoại Ngọc Hầu. Ngài từng bảy lần sang Xiêm, hai lượt sang Lào, mười một năm bảo hộ đất Cao Miên. Ngài đặc biệt nổi tiếng với việc lập làng, đắp đê, bắc cầu, đào kênh Vĩnh Tế, kênh Đông Xuyên dẫn nước rửa phèn tưới ruộng cho dân và xây dựng sơn lăng, từ miếu cho vua nhà Nguyễn.
- Bia chùa Am Cửa Bắc
Chùa từng chứng kiến tàu thuỷ của quân Pháp nã pháo vào thành Hà Nội, vết đạn trên Cửa Bắc nay vẫn còn. Nơi đây lại nằm sát bên nhà máy điện Yên Phụ cũ, từng có thời là một mục tiêu ném bom của Không lực Mỹ. Chùa tồn tại bền bỉ qua được những biến động đổi thay cực lớn của lịch sử như thế thật là điều kỳ diệu.
Di tích lân cận
- Chùa Châu Long: 2RVR+RP, số 112 phố Trấn Vũ.
- Chùa Hòe Nhai: 2RRW+XW, số 19 phố Hàng Than.
- Chùa Thần Quang: 2RWR+C7, số 44 phố Ngũ Xã.
- Cửa Bắc Môn: 2RRR+6C, số 51 phố Phan Đình Phùng.
- Đền Yên Thành: 2RRW+93, số 28 phố Phan Huy Ích.
- Đình Ngũ Xã: 2RWR+G8, số 16 phố Nguyễn Khắc Hiếu.
©NCCông 2011-2023, Am Cua Bac pagoda