1030 Dich Vong So community hall

ĐÌNH DỊCH VỌNG SỞ

sông NhuệLý Phật Tửq.Cầu Giấy

Đình Dịch Vọng Sở còn gọi đình Sở Vòng, có từ cuối thời Lê trung hưng. Thờ: Lý Phật Tử. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2001). Vị trí: Ngách 58/23 P. Trần Bình, 2QMG+W5, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 9km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: “Đối Diện ĐH Thương Mại - 6 Hồ Tùng Mậu”, hoặc “Vịnh Xén Hè Xe Buýt Trước Tòa Nhà PT2 - KĐT Phú Mỹ - Đường Nguyễn Hoàng”.

Địa lý

Địa danh Dịch Vọng Sở nổi tiếng với đặc sản cốm Vòng, trước kia thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, ngày nay thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Đây vốn là một trong 43 sở đồn điền được vua Lê Thánh Tông thành lập năm Hồng Đức 12 (1481), trong đó việc khai hoang và canh tác phần lớn do các tù binh Champa thực hiện. Năm Cảnh Hưng 18 (1757), người Champa đã hoàn toàn đồng hoá và chúa Trịnh bãi bỏ chế độ đồn điền, các sở chuyển thành làng xã.

Từ trung tâm thủ đô Hà Nội có các tuyến giao thông thuận tiện kết nối dễ dàng đến đây. Du khách có thể đi xe bus và xuống ở trạm dừng “Đối Diện ĐH Thương Mại - 6 Hồ Tùng Mậu”, hoặc ở trạm “Vịnh Xén Hè Xe Buýt Trước Tòa Nhà PT2 - KĐT Phú Mỹ - Đường Nguyễn Hoàng”.

Cỏng làng Dịch Vọng Sở. Photo ©NCCông 2024

Lược sử

Khoảng giữa thế kỷ VI, vùng đất màu mỡ ven sông Nhuệ này từng chứng kiến nhiều hoạt động khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Lương và bảo vệ nước Vạn Xuân non trẻ của người Việt do lãnh tụ Lý Bí lập ra năm 544. Triều đình Tiền Lý đã kết thúc vào năm 602 khi vị vua cuối cùng là Lý Phật Tử bị quân nhà Tuỳ bắt về kinh đô Tây An xử tử.

Đình Dịch Vọng Sở tức là đình Sở Vòng, được khởi dựng vào cuối thời Lê trung hưng để thờ vua Lý Phật Tử. Hội làng được tổ chức hằng năm từ mùng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch. Trong dịp này có lễ rước kiệu thánh và lễ rước nước cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Ngoài ra còn trình diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như hát cửa đình, đánh cờ người, chọi gà, v.v..

Cỏng đình Dịch Vọng Sở

Kiến trúc và di vật

Đầu thế kỷ XXI, đình Dịch Vọng Sở được xây lại trong một khuôn viên đã bị lấn chiếm mất nhiều. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ nhìn về phía đông nam, hai bên có cửa phụ. Sau cổng là sân rồi đến toà đại đình 5 gian tường hồi bít đốc tay ngai, kết nối theo bố cục hình “chữ Công” với trung cung và hậu cung 3 gian. Toà trung cung xây kiểu phương đình 4 mái, bên dưới để mở 4 mặt.

Trong đình bảo lưu được nhiều tư liệu chữ Hán như đại tự, hoành phi, câu đối, cuốn ngọc phả và 8 đạo sắc phong thần. Đạo sắc sớm nhất ghi niên đại Chiêu Thống nguyên niên (1787), đáng lưu ý còn có sắc mang niên hiệu Quang Trung 5 (1792) và sắc muộn nhất ghi niên hiệu Khải Định 9 (1924). Ngoài ra lại có một chiếc kiệu long đình sơn son thếp vàng là tạo tác của thế kỷ XIX và 2 cỗ long ngại bài vị chạm rồng của thế kỷ XVIII - XIX.

Trong đình Dịch Vọng Sở. Photo ©NCCông 2024

Năm 2001, đình Dịch Vọng Sở được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

  • Chùa Đại An: đoạn giữa phố Trần Văn Cẩn, phường Mỹ Đình 2.
  • Chùa Đình Thôn: Ngõ 402 Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 2.
  • Chùa Thánh Chúa: số 134 phố Xuân Thuỷ, phường Dịch Vọng Hậu.
  • Đình làng Hậu: số 1 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu.
  • Đình Phú Mỹ: đoạn cuối ngõ 63 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2.
  • Đình Mai Dịch: số 6 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch.

1030 Dich Vong So community hall ©NCCông 2015-2024