1033 Dong Xa community hall

Đình Đông Xá

東 舍 亭

sông Tô LịchGiấy dóq.Tây Hồ

Đình Đông Xá có từ cuối thời Lê. Tên chữ: 東 舍 亭. Thờ: Bảo Công, Tú Công và ông tổ nghề làm giấy dó. Xếp hạng: di tích thành phố (2006). Vị trí: số 444 phố Thụy Khuê, 2RX6+29, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 5,8km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: 324 Thụy Khuê, hoặc Đối diện 580-582 Hoàng Hoa Thám (xe 14, 14ct, 45)

Lược sử

Làng Đông Xá ban đầu tên là An Đông. Tương truyền dưới đời vua Hùng thứ 18 nước Văn Lang bị vua Thục đem quân sang đánh. Hùng Duệ Vương bèn vời Tản Viên Sơn Thánh và hai người em cùng quần thần bàn kế sách. Sơn Thánh cử cháu họ là Vũ Công Nhạc Phủ cùng hai em là Bảo Công và Tú Công phụ trách việc binh. Đóng quân ở An Đông được ít ngày thì Vũ Công chia quân tiến vào Hoan Châu.

Bảo Công và Tú Công ở lại xem xét địa thế, thiết lập đồn lớn, lấy nhánh sông Tô Lịch ở phía trước để che chắn. Hai ông cầm quân ở vùng An Đông, hàng ngày giáo hóa nhân dân, chăm lo việc nghĩa. Sau hơn một năm, thiên hạ thái bình, trong phủ không xảy ra chuyện gì lớn, nhân dân no đủ, bốn bề vui tươi. Nhà vua bèn triệu các đạo quân trở về triều. Từ đó hai ông đảm nhiệm triều chính cùng với Tản Viên Sơn Thánh.

Cổng đình Đông Xá. Photo ©NCCong 2019

Một hôm hai ông đi xe trở về chỗ đóng quân ngày trước, nhân dân An Đông làm lễ chúc mừng. Hai ông cùng gia thần ở lại tới gần chục ngày rồi lại lên ngựa chu du đến 300 doanh trại từng đóng ở khắp nơi. Ngày 12 tháng 11 Bảo Công trở về quê ngoại ở xứ Sơn Nam khi đi qua một con sông nhỏ bỗng một trận cuồng phong nổi lên, đất trời tối tăm, sóng nổi cuồn cuộn, các loài thuỷ quái vây quanh thuyền, ông tự chìm rồi biến mất. Cùng hôm đó Tú Công đang ngắm cảnh trên Nộn Sơn bỗng thấy đám mây ngũ sắc kéo đến, trời đất tối om, tứ linh từ trên trời giáng xuống, ông bèn cưỡi mây mà hóa.

Sau khi hai ông mất nhà vua cho nhân dân lập miếu thờ, ban mỹ tự, sắc phong cho hai ông là Thượng đẳng phúc thần. Thanh Đông và Nộn Sơn (nơi hai ông hóa) được phụng thờ chính, hai phường An Thái, Bồng Lai là nơi hộ nhi xuân thu hưởng theo quốc lễ. Ngày mùng 2 tháng Chạp là ngày tế lễ hai vị thành hoàng làng.

Chính điện đình Đông Xá. Photo ©NCCong 2019

Trong đình còn thờ ông Tổ nghề làm giấy dó. Đình Đông Xá được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 381/QĐ-UB ngày 18 tháng 1 năm 2006.

Kiến trúc và di sản

Đình Đông Xá có diện tích 511m2 sau 3 lần di chuyển. Lần cuối là năm 1903 từ trong làng chuyển ra chỗ liền kề chùa Mật Dụng. Hiện tại di tích bao gồm cổng, sân, đại bái và hậu cung. Toà đại bái 5 gian, làm theo kiến trúc thời Nguyễn. Các con rường, đầu bẩy, văn chữ Triện… đều được thể hiện công phu, hài hòa, chắc khỏe, bền vững nhưng lại không bị thô cứng. Đặc biệt trong đình còn giữ được nhiều hiện vật phong phú về thể loại và chất liệu như: hương án, cửa võng, long ngai, bài vị, kiệu gỗ, hoành phi, câu đối, bia đá, thần tích, sắc phong, v.v..

Trong đình Đông Xá. Photo ©NCCong 2019

Đình Đông Xá hiện nay nằm liền kề chùa Mật Dụng, cổng chung mang số nhà 444 phố Thụy Khuê, thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Di tích lân cận

1033 Dong Xa community hall ©NCCông 2019