1034 Ngoc Hoi village hall

Đình Ngọc Hồi

sông Tô Lịchnhà Trầnh.Thanh Trì

Đình có từ trước năm 1743. Thờ: Bảo Công và hai người em gái. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: thôn Ngọc Hồi, WRCX+GCC, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Chùa Ngọc Hồi trên đường Quang Trung (xe 12), Đối Diện Nhà Máy Thức Ăn Chăn Nuôi Ngọc Hồi (xe 06A, 06B, 06C, 06D, 06E, 62, 94, 101A, 101B)

Lược sử

Ngọc Hồi là một ngôi làng lớn ở sát đoạn phía tây đường quốc lộ QL1A kể từ cầu sông Tô Lịch. Bản hương ước quy định đất đai của đình, chùa và vành đai xung quanh làng được khắc trên tấm bia dựng ngày 18 tháng Mười năm Cảnh Hưng 5 (1743) cho thấy các di tích có từ trước thời điểm đó. Đạo sắc phong sớm nhất còn lại trong đình cũng ghi niên hiệu Cảnh Hưng 9 năm Đinh Mão (1747) tức là đời vua Lê Hiển Tông.

Cuối thời Lý nơi đây có tên là trang Vĩnh Khang, tương truyền do Bảo Công và hai em gái sinh đôi của ông là Ả Mô nương và Nhị Mô nương cai quản. Trần Thủ Độ dẫn binh đến đánh song không thắng. Rồi Bảo Công tự đem quân về với triều đình nhà Trần, được phong tướng và lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông.

Hông đình Ngọc Hồi. Photo ©NCCong 2023

Sau khi mất, Bảo Công được phong tặng là Cư sĩ Quảng Hoá đại vương, hai người em được phong là Công chúa, vua Trần giao cho làng Ngọc Hồi đời đời thờ phụng Tam vị thành hoàng.

Kiến trúc

Cổng đình nhìn về phía tây nam, cửa giữa hình vòm, hai bên vẽ hình voi ngựa. Khuôn viên rộng có nhiều cổ thụ và hàng cau ta. Toà tiền tế 5 gian 2 dĩ chồng diêm với 8 đầu đao cong nhẹ, tường hồi bít đốc, hai mặt để trống. Liền ngay sau là toà đại đình với hàng hiên trốn cột, 5 gian cửa bức bàn. Hai toà nhà này đều có tay ngai, trụ biểu đắp câu đối chữ Hán, trên đỉnh trụ, bờ nóc và các góc đao có gắn hình các linh thú. Đại đình kết nối với hậu cung 3 gian qua ống muống 3 gian nằm giữa 2 nhà tả hữu mạc.

Sân đại đình Ngọc Hồi. Photo ©NCCong 2023

Đình làng chỉ cách ngôi chùa Ngọc Hồi khoảng 200m về phía nam và cả hai đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, lần gần đây là vào thập kỷ 2010. Ngôi đình ngày nay từ dáng vẻ đến trang trí đều in đậm phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn.

Di sản

Trong đình hiện bảo lưu được 25 đạo sắc phong từ năm 1747 đến 1923 và một cuốn thần phả ghi sự tích Tam vị thành hoàng. Lại có 3 bộ long ngai bài vị sơn son thếp vàng, 3 bát hương bằng gốm đắp nổi hình rồng, một choé sứ cao 36 cm, một đỉnh đồng, 2 cửa võng chạm thủng hình lưỡng long triều nguyệt, 2 cỗ kiệu chạm thủng hình tứ linh, 4 bức hoành phi và 3 đôi câu đối chữ Hán.

Chánh điện đình Ngọc Hồi. Photo ©NCCong 2023

Hàng năm nhân dân Ngọc Hồi mở hội đình làng từ mùng 8 đến 10 tháng Hai âm lịch, chính hội vào mùng 9. Trong dịp này diễn ra lễ rước kiệu Thánh Ông và hai Thánh Bà, lễ dâng hương và lễ rước cỗ đêm. Một bộ phận các bô lão lo việc đón tiếp đoàn đại biểu từ làng Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng sang đưa lễ dâng Thánh. Lại có các trò vui chơi thể thao và văn nghệ dân gian theo truyền thống.

Vùng đất này đi vào lịch sử khi hoàng đế Quang Trung tự dẫn đại quân bao vây và hạ đồn Ngọc Hồi rạng sáng ngày 30-1-1789. Phó tướng của Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị là đề đốc Hứa Thế Hanh cùng tướng tiên phong Trương Triều Long đều bị chết. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến lên giải phóng hoàn toàn kinh thành vào chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu. Hai thế kỷ sau, một Đài kỷ niệm chiến thắng đã được dựng lên ở đầu làng Ngọc Hồi, dân thường gọi là "Đài ba mũi tên".

Tiền tế đình Ngọc Hồi. Photo ©NCCong 2023

Năm 1989 đình và chùa làng Ngọc Hồi đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2020, Ngoc Hoi village hall