1043 Ong pagoda

Chùa Ông (Bản Tịch Tự)

sông ĐuốngHưng YênTừ Đạo Hạnh

Chùa Ông có từ thế kỷ XII. Tên chữ: Bản Tịch Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2001). Vị trí: XXHF+RXG, Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 20km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: Ngã Ba Như Quỳnh - QL5 (xe 40, 40ct).

Lược sử

Chùa Ông có từ thế kỷ XII, tên chữ Bản Tịch Tự, toạ lạc ở gần chợ Như Quỳnh, thuộc thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngoài toà Tam bảo thờ Phật còn có toà trung đường ở phía sau để thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tên chùa Ông xuất phát từ việc dân ta thường tôn xưng thiền sư là Ông Thánh Láng.

Bản rập bia “Bản Tịch Tự Bi Minh” ký hiệu 5527 – 5528 hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán-Nôm cho biết chùa được khởi dựng dưới đời vua Lý Thần Tông. Văn bia mang niên đại Chính Hòa 20 (1644), nội dung ghi việc thờ phụng Từ Đạo Hạnh và ý nghĩa của việc đặt tên là Bản Tịch Tự: "Phật nhật hào quang, pháp luân chuyển mãi, bản tính tịch nhiên không hề lay động, thế nhân lấy đó mà đặt tên chùa".

Chùa Ông: điện thờ Từ Đạo Hạnh. Photo ©NCCong 2022

Theo tư liệu của chùa, thiền sư vốn tên là Từ Lộ, người làng Láng, gần Hoàng thành Thăng Long. Ngài học giỏi từ bé, lớn lên từng làm thầy cúng ở chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích. Do cha là Tăng quan Đô sát Từ Vinh bị Diên Thành hầu sai nhà sư Đại Điên chém làm ba khúc vứt xuống sông Tô Lịch, ngài tìm đường sang Tây Trúc học cách báo thù.

Sau khi trở về giết được Đại Điên ở chùa Duệ Tú gần Cầu Giấy, ngài tiếp tục chu du, tu hành đắc đạo và để lại sự tích kỳ lạ ở nhiều nơi. Cuối cùng ngài hoá ở hang Thánh Hoá trên núi Sài Sơn, đồng thời đầu thai vào nhà Sùng Hiền Hầu, em của vua Lý Nhân Tông (trị vì: 1072-1128). Vua già vẫn không có con trai, bèn lập con của Sùng Hiền Hầu làm Thái tử. Năm 12 tuổi, Thái tử kế ngôi vua, xưng là Lý Thần Tông (1128–1138).

Ngày nay, chùa Thầy (Thiên Phúc Tự) ở Sơn Tây, chùa Láng (Chiêu Thiền Tự) ở Hà Nội và chùa Ông ở Hưng Yên là ba trong số những nơi nổi tiếng có thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Chùa Ông: cầu dẫn tới tam quan. Photo ©NCCong 2022

Năm 2001, chùa Ông được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trải qua khí hậu nhiệt đới và những thăng trầm của lịch sử suốt 9 thế kỷ qua, ngôi chùa đã được sửa chữa, phục dựng nhiều lần, nhất là dưới thời Lê Trung Hưng. Dáng vẻ hiện nay chủ yếu mang phong cách kiến trúc của thời nhà Nguyễn.

Kiến trúc

Trước chùa Ông có chiếc cầu đá bắc qua một ao to. Cổng chùa là một tam quan 2 tầng đơn giản với 2 cửa phụ nhỏ nhìn về phía tây nam. Sau tam quan là một sân dài khá rộng, xung quanh có nhiều cổ thụ. Toà tiền đường gồm 7 gian cửa bức bàn với hàng hiên trốn cột trên thềm cao 5 bậc và nằm song song với toà Tam bảo thành hình “chữ Nhị”. Cả hai đều xây tường hồi bít đốc với bộ mái dựa trên các hàng chân cột gỗ lim.

Chùa Ông: sân tiền đường. Photo ©NCCong 2024

Bố cục khu chùa chính vẫn giữ nguyên theo lối "tiền Phật, hậu Thánh". Sau lưng Tam bảo là toà trung đường xây kiểu 3 tầng, 12 mái với các đầu đao cong. Phía dưới có đặt khám thờ tại chính điện với pho tượng Từ Đạo Hạnh ở tư thế kết già toạ sen. Nền nhà vẫn còn dấu tích của những viên gạch cổ. Cuối cùng là toà hậu đường đồ sộ kiểu 2 tầng, 8 mái. Dãy nhà Tăng và khu phụ nằm ở phía bên tả, có cây cối và vườn tháp ở trước sân nhỏ.

Lễ hội

Chùa Ông được khởi dựng vào mùa xuân, do vậy mỗi dịp xuân về, nhân dân tại cùng du khách thập phương lại tụ hội về đây mở hội, làm lễ dâng hương. Lễ hội truyền thống kéo dài liền 3 ngày, từ mùng 7 đến 9 tháng 3 âm lịch, ngày 9 tháng 3 là chính hội.

Chùa Ông: trung đường và hậu đường. Photo ©NCCong 2024

Nhân dịp này hội còn bao gồm các trò chơi, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như đánh cờ người, kéo co, đấu vật, trọi gà, thi đấu cầu lông,… giao lưu văn nghệ, hát hò trên thuyền và thi giã bánh dày.

Di tích lân cận

©NCCong 2018-2023, Ong pagoda