1048 Co Vu community hall
Đình Cổ Vũ
Bạch Mãhồ Hoàn KiếmLinh LangĐình Cổ Vũ có từ thời Lê trung hưng. Thờ: thần Bạch Mã và Linh Lang đại vương. Xếp hạng: Di tích thành phố (2016). Vị trí: 2RJX+MW, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,5 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: BĐX Bờ Hồ, 56 Hàng Cân.
Lược sử
Ngày nay đình Cổ Vũ tọa lạc tại số 85 phố Hàng Gai, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Bên nghi môn có một cây đa cổ thụ che bóng mát xuống đình. Theo nhà văn Hữu Ngọc, gia đình cụ vốn có cửa hàng tạp hóa lấy tên là hiệu Bảo Hợp, mang biển số 69 phố Hàng Gai. Cụ sinh năm 1918 tại đây và từ nhỏ đã thấy đình có cây đa to cao với mấy bình vôi quanh gốc và những chùm rễ dài rủ xuống hè đường.
-
- Cổng đình Cổ Vũ. Photo ©NCCông 2017
Nửa phía Đông của phố Hàng Gai vốn nằm trên đất thôn Đông Hà và nửa phố phía Tây nằm trên đất thôn Cổ Vũ, đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội cũ. Đình Đông Hà nay không còn nhưng ảnh chụp hồi đầu thế kỷ XX cho thấy đình mang số nhà 46 phố Hàng Gai. Ngôi đình đó thờ thần Quý Minh tương truyền là một người em họ của Sơn Tinh, đã cùng nhau chống Thủy Tinh và giặc Thục.
Theo nội dung bài văn khắc trên tấm bia đá vẫn còn trong đình Cổ Vũ thì di tích được xây dựng vào thời Lê trung hưng. Trong cung cấm thờ phụng Bạch Mã đại vương là vị thần trấn giữ trấn phía Đông Thăng Long và Linh Lang đại vương là vị thần trấn giữ phía Tây kinh thành. Ngoài ra còn phối thờ Bảo Ninh công chúa là phu nhân của Châu mục châu Chân Đăng dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128).
Ngày 4-8-2016, đình Cổ Vũ được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá.
Kiến trúc
Đình đã trải qua hai lần trùng tu vào năm Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng 39 (1778) và năm Tân Tỵ Tự Đức (1881). Đến năm Đinh Hợi 2007 lại có một đợt đại tu lớn. Năm 2019, đình được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo. Sau 1 năm thi công, dự án đã hoàn thành vào ngày 27/7/2022.
-
- Trong đình Cổ Vũ. Photo ©NCCông 2017
Đình Cổ Vũ có bố cục mặt bằng xây dựng với hai nếp nhà xếp song song theo hình “chữ Nhị” trên một thửa đất dài và hẹp, đặc trưng cho kiến trúc truyền thống trong khu phố cổ. Các hạng mục công trình chủ yếu bao gồm một nghi môn nhỏ với cửa vòm và hai toà tiền tế, hậu cung đều là nhà gỗ 3 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri.
Di sản
Trong đình hiện bảo lưu các đạo sắc phong thần mang niên đại triều Nguyễn như Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924). Đặc biệt có các tấm bia đá gắn chìm trong tường, nội dung chủ yếu là ghi lại việc trùng tu và biểu dương những người đóng góp công đức. Đáng lưu ý tấm bia cổ nhất được dựng năm Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778). Ngoài đồ tế khí còn có các mảng chạm khắc khéo léo trên các bức hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ và kiến trúc gỗ trang trí.
Mỗi năm 2 lần tại đình Cổ Vũ chính quyền và nhân dân địa phương lại tổ chức lễ tế trang nghiêm để tưởng nhớ công đức của các vị thần. Ngày 16 tháng Tư âm lịch là ngày hóa của thần Bạch Mã, ngày 12 tháng Chạp là ngày hóa của thần Linh Lang.
Di tích lân cận
- Chùa Kim Cổ: số 73 phố Đường Thành.
- Đền Đông Hương (Hàng Trống): số 82 phố Hàng Trống.
- Đền Phù Ủng: số 25 phố Lý Quốc Sư.
- Đình Đồng Lạc: số 38 phố Hàng Đào.
- Đình Yên Thái: trong ngõ Tạm Thương.
- Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: số 2 phố Đinh Tiên Hoàng.
©NCCông 2014-2021, Co Vu community halll