1057 Tonkin historico-cultural sites - Art and architecture
Mỹ thuật và kiến trúc di tích lịch sử - văn hoá ở Bắc Bộ
di tíchBắc BộArchitectureCÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ
Đền, miếu, nghè (sau đây gọi chung là đền) có mặt rất sớm tại vùng đồng bằng rộng lớn ngày nay gọi là Bắc Bộ, thậm chí một số ít đã tồn tại trước khi quân xâm lược tràn sang từ phương Bắc. Đền ban đầu được xây dựng để thờ các vị vua và thần thánh theo truyền thuyết, như: Hùng Vương, An Dương Vương, Chử Đồng Tử, Sơn Tinh, Thánh Gióng, v.v.. Về sau có thêm rất nhiều ngôi đền thờ các nhiên thần và nhân thần như: đền Quán Thánh, Bà chúa Liễu Hạnh, Hai Bà Trưng, Lý Chiêu Hoàng, Trần Hưng Đạo, v.v..
Các Thánh Mẫu và thần linh được thờ trong đền có nguồn gốc không chỉ từ Bắc Bộ mà còn từ các vùng dân tộc thiểu số như người Mường, Tày, Nùng, Dao… Ngoài ra còn có các ngôi đền thờ thần linh và nhân vật lịch sử nước ngoài do quan đô hộ hoặc dân di cư từ phương Bắc lập nên như đền Quan Đế, Đền Mẫu Hưng Yên, v.v..
Chùa vốn được xây dựng như một nơi để thờ Phật và truyền giáo. Khác với nhiều vùng theo đạo Phật truyền thống, tại những ngôi chùa Bắc Bộ thuộc hệ phái Bắc Tông có thể có thêm các ban thờ Mẫu, một số ít thần linh và nhân vật lịch sử. Bên cạnh chùa am tư nhân và chùa làng còn có quốc tự. Chùa Bắc Bộ ra đời từ đầu công nguyên nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ vào thời nhà Lý. Trong thời kỳ này, đạo Phật trở thành quốc giáo, tăng đoàn được triều đình quản lý và hỗ trợ. Các vị vua chúa và quý tộc trước kia đã góp không ít công đức vào việc thành lập, tôn tạo hoặc trùng tu những ngôi chùa lớn như chùa Láng, chùa Keo (Thái Bình), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Dạm (Bắc Ninh) v.v..
Đình làng Bắc Bộ (có nơi gọi là quán) ban đầu được xây dựng như một nơi nghỉ chân cho quan lại và sứ thần đi qua địa phương. Đến thời nhà Trần, đình bắt đầu có chức năng thờ [các] vị thần linh bảo hộ cho làng xã. Tuy nhiên, đình làng chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ vào thời Lê sơ, khi nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích xây dựng đình. Đây không chỉ là nơi thờ thành hoàng làng mà còn là nơi để chính quyền hội họp và dân sở tại thường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở sân đình, hát và họp chợ trước cổng đình.
Ngoài ra còn một số di tích khác vốn là quán tu hành đạo Lão, về sau chuyển thành đền hoặc chùa như Đế Thích quán, Bích Câu đạo quán, Chùa Quán Huyền Thiên, v.v..
Tóm lại, đền, miếu, chùa, quán, nghè và đình làng Bắc Bộ là những công trình kiến trúc đặc biệt. Trải qua lịch sử lâu đời những di tích đó đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần to lớn hun đúc tinh thần tự hào và quật khởi của dân tộc Việt.
ĐẶC TRƯNG KIẾN TRÚC
Đền, chùa và đình làng Bắc Bộ có những đặc điểm kiến trúc riêng biệt nhưng thường toạ lạc trên một khu đất cao ráo, có ruộng vườn, ao, giếng và cổ thụ. Trừ những thành phần như nghi môn, sân và khu phụ, công trình trung tâm là toà nhà được xây dựng theo kiểu hình chữ Công hoặc chữ Đinh. Phía trước phần hậu cung nhỏ nhắn, kín đáo là một không gian rộng rãi, thoáng mát và sáng sủa hơn nhiều với cấu trúc có tính chất mở. Vật liệu xây dựng và trang trí chủ yếu gồm: gỗ, đá, gốm, sứ và kim loại.
Mái ngói và đầu hồi thường là vị trí thể hiện đặc trưng của di tích. Các hình linh thú đắp trên đó mang ý nghĩa tôn giáo hoặc tín ngưỡng như: la hầu, si vẫn, lân giác, và cặp rồng (hoặc phượng) chầu mặt trời hoặc mặt trăng, v.v..
Các vì kèo, cột, cửa là những vị trí được chạm khắc nhiều nhất. Các tạo tác trên đó thường xoay quanh các đề tài như: thần tiên, tứ linh, tứ quý, riêng ở đình làng thì còn có các cảnh sinh hoạt, lao động, hay các hình ảnh thể hiện sự phồn thịnh, may mắn của con người và làng xã.
Độc giả muốn đi sâu hơn có thể tìm đến các bài viết như: Sơ lược về đình Việt Nam, Chùa Việt Nam và danh sách bổ sung trong phần THAM KHẢO. Dân gian đã đánh giá cao một số di tích trúc nghệ thuật ở Bắc Bộ qua câu "Đình Đoài, chùa Bắc, cầu Nam", riêng tại xứ Đoài lại có câu "Đẹp đình SO, to đình Cấn, v.v..
ĐIÊU KHẮC, HỘI HOẠ, TRANG TRÍ
Có cả một kho tàng tác phẩm điêu khắc phong phú và đặc sắc trong các di tích lịch sử văn hoá ở Bắc Bộ, vd như đình Thổ Tang, đình Hoàng Xá, đình Tây Đằng, chùa Mía, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Thái Lạc, v.v..
Các nghệ nhân tỏ ra rất tự do phóng khoáng ở nhiều ngôi đình làng nhưng phải tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt hơn ở trong đền và chùa. Có một điểm nổi bật là chúng ta không được biết lai lịch và sự nghiệp của hầu hết các tác giả. Tuy vậy những tác phẩm của họ đã mang đậm những ý nghĩa đặc trưng cho nghệ thuật và tâm hồn Việt.
Ý nghĩa biểu tượng
Tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) là các biểu tượng phổ biến trong các di tích lịch sử văn hoá ở Bắc Bộ. Cần lưu ý rằng người Việt tạo hình khác hẳn các nguyên mẫu nhập ngoại. Nhìn chung, con rồng Việt khác cả về hình dáng lẫn tính chất với rồng phương Tây và rồng phương Bắc. Từ xưa đến nay, tuy hình tượng con rồng có những biến đổi về hình dáng, thể hiện qua các chi tiết về râu, sừng, vây lưng, đuôi, sự uốn lượn của thân…, nhưng trên đại thể thì hình ảnh và tính chất của con rồng dưới các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn tương đối thuần nhất: rồng là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy...
Trong khi rồng biểu thị cho yếu tố dương thì phượng biểu thị cho yếu tố âm. Hình tượng chim phượng thường xuất hiện nơi các cung điện hay trên trang phục dành cho hoàng hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu, và được thể hiện bởi 3 hay 5 chiếc đuôi, phân biệt với chim loan (là biểu tượng của công chúa) chỉ có 1 chiếc đuôi. Còn trong kiến trúc dân gian, hình ảnh phượng hoàng thường gắn với nơi thờ các vị nữ thần. Khi khai quật Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện nhiều tượng đất nung thể hiện hình đầu chim phượng. Đó là do các triều đại Lý - Trần coi đạo Phật là quốc giáo và chim phượng là linh điểu của nhà Phật. Có ý kiến khác cho rằng đó là tượng của đại bàng kim sí điểu (một trong “Bát bộ chúng” của nhà Phật) mà tiền kiếp là chim thần Garuda - vật cưỡi của thần Visnu trong thần thoại Ấn Độ.
Ngoài tứ linh, người Việt còn tôn vinh và sử dụng hai linh thú khác làm biểu tượng: 1) Long mã là hóa thân của kỳ lân, rồng và ngựa. Đó là một linh thú có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa, hiện có thể thấy ở đình Xuân Quan và những cung điện cũ. 2) Nghê canh giữ về mặt tinh thần chống lại các thứ tà ma, ác quỷ. Nghê không có sừng, mình thon nhỏ, đuôi dài, dáng khác kỳ lân nên được cho là hóa thân của chó - con vật trung thành với con người.
Một số loài vật khác như voi, ngựa, hổ, hạc, cá, cóc… cũng là biểu tượng quen thuộc của người Việt. Voi là 1 trong 4 con thú đại diện cho sức mạnh và sinh lực bên cạnh hổ, sư tử và báo. Voi cũng là 1 trong 7 báu vật của Phật giáo. Hình ngựa rất phổ biến tại các di tích và thường được thể hiện trong một cặp hồng - bạch, v.v..
Ý nghĩa nhân văn
Nếu bạn để ý sẽ thấy có rất ít tác phẩm tả cảnh bạo lực hoặc độc ác xuất hiện trong các đình, chùa Bắc Bộ. Hình tượng các vị thần tiên và nhân vật lịch sử tích cực hay thường dân không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó thể hiện những ước mơ, khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc và cũng thể hiện niềm tin và sự lạc quan của tác giả... Hình tượng phụ nữ có mặt ở rất nhiều vị trí cho thấy vai trò quan trọng của họ và quan niệm phi Nho giáo ở Bắc Bộ.
Ý nghĩa hiện thực
Nghệ thuật trong các di tích văn hoá lịch sử ở Bắc Bộ, đặc biệt là trong đình làng, thường mang tính hiện thực, phản ánh những sinh hoạt lao động, sản xuất, hoặc nghỉ ngơi, giải trí, phồn thực của con người, đôi khi có tính hài hước, diễu cợt. Ví dụ như hình ảnh nhà nông cày cấy, ngư ông quăng chài, tiều phu đốn củi, mục đồng chăn trâu, chú phỗng hầu hạ, hoặc cảnh vợ chồng âu yếm, trai gái đùa cợt, ông nghè vinh quy, đám cưới, hội hè, đánh cờ, uống rượu, đua thuyền, đấu vật...
Ý nghĩa siêu thực
Nghệ thuật siêu thực có thể thấy rõ qua những hình tượng mang tính ước lệ, tượng trưng, vượt qua những giới hạn của hiện thực, thể hiện những quan niệm tôn giáo hoặc thế quyền, hoặc ước mơ, mong muốn của người dân. Ví dụ, tứ linh là những linh vật cao quý, có ý nghĩa tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy, sự trường thọ và vẻ đẹp. Tuy nhiên, đề tài tứ linh trong các đình, chùa Bắc Bộ lại được cách điệu, biến tấu một cách sinh động, mang đậm dấu ấn nghệ thuật dân gian.
Hay tứ quý là những loài cây biểu tượng cho sự trường thọ, sức khỏe và khí tiết thanh cao. Tuy nhiên, đề tài tứ quý trong các đình, chùa Bắc Bộ lại được chạm khắc một cách tinh tế, mang đậm tính thẩm mỹ, trang trí.
Ý nghĩa trang trí
Các khối hình chạm khắc trong các đình, đền chùa Bắc Bộ thường mang tính trang trí với những đường nét đều đặn, hài hoà hoặc táo bạo, mãnh mẽ, hoặc mềm mại, uyển chuyển, được trau chuốt hoặc sơn son thếp vàng thể hiện được sự khéo léo của nghệ nhân.
CHỦ ĐỀ PHỤ NỮ
Có thể tìm thấy những thông tin về hình tượng phụ nữ trong các đình, đền chùa Bắc Bộ qua 2 bài viết: Hình tượng tiên nữ cưỡi rồng và Hình tượng các Mẫu. Thể loại tác phẩm gồm có: tượng đài, tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ. Ngoài ra còn có một lượng lớn tượng hậu và bi ký nêu rõ tên tuổi và công đức của những người đã đóng góp lớn cho các đình, đền, chùa Bắc Bộ, trong đó phụ nữ chiếm đa số.
Phụ nữ hiếm khi được thờ ở phương Bắc nhưng lại là một trong những chủ đề quan trọng và có mặt ở hầu hết các di tích kiến trúc nghệ thuật ở Việt Nam. Hình tượng phụ nữ được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ những vị nữ thần hay bồ tát được thờ phụng, cho đến những nàng tiên và hình ảnh đời thường của người phụ nữ Việt Nam.
Những vị nữ thần được thờ phụng thường là những người có công với đất nước, dân tộc, hoặc là những người phụ nữ có phẩm chất, đức hạnh cao đẹp. Ví dụ như: công chúa Tiên Dung là con vua Hùng Vương thứ 18, được thờ ở đền Hoá Dạ Trạch và nhiều nơi khác ở Hưng Yên. Nàng đã tình cờ nên duyên với Chử Đồng Tử là một người đánh dậm nghèo khổ cùng cực. Hai người dũng cảm vượt qua lễ giáo để trở thành vợ chồng, đó là một trong những truyền thuyết tình yêu nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Chị em Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai vị nữ vương đầu tiên của người Việt và được chính sử Trung quốc cổ đại ghi chép về sự nghiệp gây chấn động đến tận kinh đô nhà Đông Hán ở phương Bắc. Hai Bà được thờ phụng suốt 20 thế kỷ qua tại hàng trăm nơi, trong đó có những ngôi đền nổi tiếng thiêng liêng như: Đền Hát Môn, Đền Đồng Nhân, Đền Mê Linh. Những ngôi đền thờ các vị nữ tướng của Hai Bà Trưng cũng có mặt ở khắp miền Bắc Việt Nam.
Bà Triệu là một vị nữ anh hùng dân tộc đã cùng anh trai Triệu Quốc Đat lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô vào thế kỷ thứ III. Bà Triệu được thờ chủ yếu tại quê hương Thanh Hóa. Còn Lý Chiêu Hoàng là vị nữ hoàng cuối cùng của nhà Lý và đã có một số phận long đong chìm nổi éo le. Về sau bà được thờ ở đền Yên Thành và nhiều nơi khác ở Bắc Ninh.
Công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông được thờ ở chùa Kim Liên. Con vua Lý Thánh Tông là công chúa Từ Thục và Từ Huy được thờ ở chùa Đông Phù. Còn nữ tướng Lý Châu Nương được thờ ở đình Giảng Võ (Hà Nội) và đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), v.v..
Cuối cùng cần nêu lên hiện trạng là hầu như cả nước đều có đền thờ một người phụ nữ khác, được dân gian và vua chúa tôn vinh là Bà chúa Liễu Hạnh.
Nguyễn Chí Công ©2023
THAM KHẢO
Trong năm 2023 đã xuất bản xong 2 tập đầu tiên của BỘ SÁCH "1000 điểm đến Đồng bằng Bắc Bộ":
Trước đó đã có những tác phẩm chuyên đề như:
[1] Chùa Hà Nội, Nguyễn Thế Long – Phạm Mai Hùng, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 1997
[2] Đình, đền Hà Nội, Nguyễn Thế Long, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 1998
[3] Chùa Việt Nam, Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long, Nxb Thế giới, 2013, ISBN 978-604-7706-49-5
[4] Đình Việt Nam, Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự, Nxb Khoa học Xã hội 2014, ISBN 978-604-9024-86-3
[5] Những linh thú đất Việt, Trần Đức Anh Sơn, 2014.