1059 Duc Dien pagoda
Chùa Đức Diễn (Sùng Khánh Tự)
sông Nhuệq.Bắc Từ LiêmLê trung hưngChùa Đức Diễn có từ thời Lê trung hưng. Tên chữ: 崇慶寺 Sùng Khánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: Ng. 23 Đức Diễn, 3Q22+H7, Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Gần Ngõ 25 Võ Quý Huân - 86 Văn Tiến Dũng, hoặc 135 Tổ 3 (Đd Trường Mầm Non Sao Mai-Kiều Mai).
Giới thiệu
Từ trung tâm thủ đô Hà Nội có thể đến chùa Đức Diễn bằng nhiều tuyến xe bus chạy về phía Cầu Giấy. Nếu đi theo đường quốc lộ QL32, du khách qua cầu sông Nhuệ khoảng 1,5km thì rẽ phải vào đường Văn Tiến Dũng đi tiếp khoảng 300m lại rẽ phải vào đường Đức Diễn rồi rẽ trái vào ngõ 23 Đức Diễn là tới nơi.
Chùa được xây dựng khá sớm, đến thế kỷ XVIII đã có một quy mô khang trang, to lớn và định hình từ thời Nguyễn cho đến nay. Cổng chùa được xây kiểu tam quan, làm giả tầng 3, trên gác 2 treo chuông đồng, bên dưới là cửa chính có 2 cửa phụ ở hai bên. Sau tam quan là một sân rộng có nhiều loại cây cảnh quý cùng các cây lưu niên.
- Cổng chùa Đức Diễn. Photo ©NCCong 2024
Năm 1995, chùa Đức Diễn được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Chùa chính quay hướng Nam, mặt bằng có bố cục theo hình “chữ Đinh”. Toà tiền đường 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, giữa nóc mái có bức cốn thư đắp 3 chữ Hán lớn 崇慶寺 (Sùng Khánh tự). Các bộ vì làm kiểu "thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ". Gian giữa tiền đường nối với tòa thượng điện 5 gian, 1 chái chạy dọc về phía sau, xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt.
Nhà thờ Mẫu nối sát hồi bên phải của thượng điện và được xây như một toà phương đình 2 tầng 8 mái. Sát đầu hồi bên trái nhà Mẫu là trai phòng 3 gian. Nhà thờ Tổ 3 gian được ngăn riêng làm nơi thờ và tiếp khách, gian còn lại là nơi ở của nhà chùa.
- Sân chùa Đức Diễn. Photo NCCong ©2024
Di vật
Trong chùa hiện bảo lưu 29 pho tượng Phật giáo Bắc tông, 10 pho tượng Hậu và 1 tấm bia công đức được dựng vào đầu thế kỷ XIX. Lại có 1 quả chuông đồng đã bị đục mất niên đại (có thể căn cứ vào hoa văn mà đoán đó là thời Tây Sơn) và 1 chiếc khánh đồng được đúc năm 1838. Ngoài ra còn có các hiện vật khác như: hương án, khám thờ, long ngai, đại tự, hoành phi, câu đối, cửa võng,… phần lớn được sơn son thếp vàng lộng lẫy và mang dấu ấn nghệ thuật trang trí của thời Nguyễn.
Di tích lân cận
- Chùa Đình Quán (Bà Bông): Ngõ 68 Đình Quán, phường Phúc Diễn.
- Chùa Thị Cấm (Linh Ứng): đường Phúc Diễn, phường Xuân Phương.
- Chùa Văn Trì (Bồ Đề): ngõ 70 Văn Trì, phường Minh Khai.
- Đình Kiều Mai: phố Phúc Kiều, phường Phúc Diễn.
- Đình Văn Trì: 25 ngõ 70 Văn Trì, phường Minh Khai.
- Miếu Đồng Cổ: 132 đường Cầu Diễn, phường Minh Khai.
1059 chua Duc Dien ©NCCông 2016-2024