1070 Dan Nhiem village hall

ĐÌNH ĐAN NHIỄM

h.Thường TínQuý Minhsông Nhuệ

Đình Đan Nhiễm có từ thời Lê trung hưng. Thờ: Quý Minh đại vương. Lễ hội: từ 11 đến Rằm tháng Hai. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2001). Vị trí: VRX9+F3P, Đan Nhiễm, Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 16 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: UBND Đại Áng, hoặc UBND Khánh Hà.

Lược sử

Thôn Đan Nhiễm xưa kia thuộc tổng Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng; ngày nay thuộc xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Đình Đan Nhiễm được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII, thờ Quý Minh đại vương. Đình mở rộng quy mô vào cuối thời Lê trung hưng, rồi tiếp tục được đại tu và bổ sung nhiều hiện vật trong các thế kỷ XIX, XX.

Theo cuốn Thần phả do Hàn lâm viện Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) và Quản giám bách thần Nguyễn Hiền phụng sao hiện đang lưu giữ tại đình Đan Nhiễm, vào đời vua Hùng thứ 18, có giặc Thục đến xâm lược. Vua Hùng ban chiếu kêu gọi người hiền tài ra giúp nước. Nghe tin ấy, Quý Minh xin đi đánh giặc. Nhà vua phong cho ngài chức Thống đốc đại quân. Ngài chỉ huy đánh đông dẹp bắc lập nhiều chiến công.

Cổng đình Đan Nhiễm

Khi cùng đại binh đến địa phận Đan Nhiễm, ngài cho quân sĩ nghỉ ngơi. Thấy nơi đây là vùng đất có linh khí đẹp, ngài liền lập đồn binh và bỏ một trăm quan tiền để nhân dân lập sinh từ và sai binh sĩ khai phá 50 mẫu ruộng chia cho dân nghèo, gọi là cánh đồng Quan. Sau khi ngài mất, dân làng suy tôn là Thành hoàng làng.

Năm 1990, đình Đan Nhiễm được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Ngôi đình toạ lạc ngay trên doi đất ven bờ đông sông Nhuệ và mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán, mặt nhìn về phía tây bắc. Sau cổng là sân đình rồi đến toà đại bái.

Sân đình Đan Nhiễm

Đại bái rộng 5 gian với 4 mái đao cong thanh thoát, hai đầu bờ nóc có hình con kìm, giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật. Các bộ vì nóc làm theo kiểu "chồng rường" đè trên 4 hàng chân cột gỗ có kê đá tảng lớn. Bốn bức cốn ở hai bộ vì gian giữa được chạm trổ công phu, sống động với các linh vật miêu tả cảnh “tứ linh chuyển bát”, hoặc “ngư long hý thuỷ”; mặt sau chạm nổi hoa lá cách điệu như mai, trúc, tùng hoá long. Trên thân và đầu các xà nách cũng được trang trí các hoạ tiết hoa lá hoá rồng, lá ngô đồng, lá lật...

Toà hậu cung gồm 3 gian nhà dọc nối vào gian giữa đại bái thành hình "chữ Đinh", các bộ vì làm theo kiểu "kèo cầu quá giang", thiên về bào trơn đóng bén.

Cổng đình Đan Nhiễm

Di sản

Đình Đan Nhiễm là nơi diễn ra lễ hội truyền thống của làng, xưa kéo dài từ ngày 11 tháng hai đến Rằm tháng Hai. Ngoài nghi thức tế lễ, hát ví và các trò chơi dân gian thì còn có lễ rước kiệu giao hữu giữa hai làng Đan Nhiễm (quan em) và làng Hoàng Xá (quan anh). Ngày thứ tư của hội, các giáp trong làng khiêng lợn tế thần ra thi tại sân đình. Lợn màu đen tuyền, tắm rửa sạch sẽ, nhốt trong cũi tre. Lợn giáp nào to nhất, đẹp mã nhất sẽ được giải thưởng. Sau đó các giáp mổ lợn làm cỗ để thi.

Trong đình Đan Nhiễm hiện bảo tồn được nhiều hiện vật có giá trị được tạo tác bằng nhiều chất liệu khác nhau. Về nguồn tư liệu Hán văn thì ngoài cuốn Thần phả nói trên lại có 7 đạo sắc phong, đạo cổ nhất ghi niên đại Thiệu Trị 6 (1846).

Rước kiệu về đình Đan NHiễm

>

Di tích lân cận

1070 dinh Dan Nhiem ©NCCông 2011-2024

Tập hồ sơ