1072

Một số địa danh cổ ven sông Nhuệ (1)

sông Nhuệq.Hà Đông

Lược sử

Thời Lê sơ, nước ta chia thành phủ Phụng Thiên và 12 đạo thừa tuyên, đầu thế kỷ XVI đổi là các trấn. Phủ Phụng Thiên gồm 2 huyện Vĩnh Xương, Quảng Đức (sau đổi là Vĩnh Thuận), được sông Tô Lịch và sông Hồng che chở. Thời Mạc, huyện Vĩnh Xương đổi là Thọ Xương.

Năm 1831, vua Minh Mạng bãi bỏ 4 doanh và 23 trấn, thay bằng phủ Thừa Thiên và 31 tỉnh. Tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân. Năm 1888, vua Đồng Khánh cắt đất thuộc phủ Hoài Đức gồm Thọ Xương và một phần Vĩnh Thuận cho Pháp để lập ra thành phố Hà Nội, huyện Thọ Xương bị bãi bỏ.

Làng Cầu Đơ nằm ven sông Nhuệ, tên chữ là Cầu Đa, cùng Triều Khúc, Yên Xá đều gọi là Kẻ Đơ, xưa thuộc tổng Thượng Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1896, Toàn quyền Đông Dương A.Rousseau chuyển trị sở tỉnh Hà Nội vào Cầu Đơ. Năm 1902, Toàn quyền P.Doumer ra nghị định đổi tên Hà Nội thành Cầu Đơ. Năm 1904, Toàn quyền P.Beau đổi tên tỉnh Cầu Đơ thành Hà Đông. Thời đó, Hà Đông có 3 chợ lớn là: chợ Cầu Đơ, chợ Ba La và Chợ Xốm.

Năm 1965, hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành Hà Tây, thủ phủ là thị xã Hà Đông. Cuối năm 2008, quận Hà Đông trực thuộc TP Hà Nội được thành lập trên cơ sở thị xã này.

Di sản

Vùng Ngũ Lãm (Thanh Lãm, Quang Lãm, Bắc Lãm, Đông Lãm, Thắng Lãm) có lăng Cừ suý Chu Bá và di tích thờ các tướng của Hai Bà Trưng như Phùng Thị Chính, Đinh Cống, Đinh Lượng. Tại đây đã từng đào được trống đồng thời Đông Sơn, và chuông Thanh Mai được đúc vào năm 798.

Lăng Cừ suý Chu Bá. Photo ©NCCong 2024

Đặc biệt ở làng Vân Nội có bài đồng dao hát về nơi tương truyền có mộ các Vua Hùng và Lạc hầu, Lạc tướng, được gọi là ông Linh, ông Lang: “Ông Lỉnh ông Linh / Đi ra đầu đình / Lại gặp ông Lảng ông Lang / Ông Lảng ông Lang / Đi ra đầu làng / Lại gặp ông Lỉnh ông Linh”, v.v..

Năm 1592, Trịnh Tùng tiến đến khúc sông Đáy ở xã Do Lễ, sai làm cầu phao và chia quân đi đánh các huyện xung quanh rồi trở về Thanh Hoa. Không lâu sau thì đuổi được quân Mạc khỏi Thăng Long và rước vua Lê về kinh đô. Từ đó, vùng này sinh ra nhiều danh Nho và lương y cùng các di tích lịch sử - văn hoá.

Đình Huyền Kỳ được xây năm 1655, thờ Lãnh Lãng - tướng của Hùng Vương thứ 18. Đình Quang Lãm có từ năm 1691, thờ Cảo Nương Công chúa - con gái của Triệu Việt Vương. Đình Văn Phú được dựng năm 1733, thờ Thiết Du - tướng thời Tiền Lý, v.v..

Chùa Quang Lãm. Photo ©NCCong 2024

Vùng La, Xốm nổi tiếng về hát ví, hát trống quân. Địa danh Xốm và các tên cổ khác còn lưu truyền qua các câu ca: “Thợ Xốm, cốm Vòng”; “Bầu già, cà đỏ đít, mướp xơ / Đem ra chợ Xốm mà vơ lấy tiền”; “Trâu ăn lúa, lấy lúa bổ đầu / Làng Màu ăn da, làng ta ăn thịt / Hà Trì hít lông, Bến Xốm trông mồm, Xa La rửa bát”, “Giếng Xa La vừa trong vừa mát / Đường Xa La lắm cát dễ đi”, v.v..

Vùng Kiến Hưng có làng rèn Đa Sỹ và ngôi chùa Mậu Lương cũng xuất hiện trong ca dao, thành ngữ như: “Hỡi ai đi ngược về xuôi / Có về Đa Sỹ với tôi thì về / Đa Sỹ có lĩnh, có nghè / Có sông tắm mát, có nghề rèn dao”; “Ai mua tiu cảnh thì mua / Thanh la, não bạt, thầy bùa bán cho / Hộ pháp thì một quan ba / Cửu Long chín chục, Thích Ca ba tiền / Hai bà mụ thiện hai bên / Sư đem bán nốt lấy tiền nộp cheo”, v.v..

Ca dao vùng La Khê, Vạn Phúc giới thiệu con người và sản phẩm the, lụa của quê hương: “The La, lụa Vạn, vải Canh / Nhanh tay đi bán, ai sành thì mua”; “La Khê tốt đất cao nền / Ai đi đến đó dễ quên đường về”; “Văn có Tiến sĩ, võ có Quận công”; “Trai làng làm Lang trung / gái làng làm Thứ phi”, v.v..

Miếu Linh Tiên. Photo ©NCCong 2024

Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Phụng của chúa Trịnh Căn (1633-1709) quê ở vùng Tam Lộ (Do Lộ, Nghĩa Lộ, Yên Lộ), bà rất giỏi hát ả đào. Dương Thị Ngọc Hoan là phi của chúa Trịnh Sâm (1739-1782) thì mở một hành cung ở ao Vạc cạnh làng Tuân. Rất tiếc Nguyễn Hữu Chỉnh khi bỏ Trịnh theo Tây Sơn đã phá hết phủ đệ nhà chúa ở đây...

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2024, Old Ha Dong