1076 An Tri village hall

Đình An Trí

Uy Linh Langsông Hồngq.Ba Đình

Đình An Trí có từ thế kỷ XVI. Thờ thành hoàng: thuỷ thần Uy Linh Lang. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2009). Vị trí: số 55 Trúc Bạch, 2RXR+6G, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3 km (hướng 12 h). Trạm bus lân cận: Trước Đường Vào Bãi An Dương - Yên Phụ 50M, hoặc Đối Diện 28C Thanh Niên.

Lược sử

Theo truyền thuyết và sử sách, tướng Toa Đô đem quân Nguyên sang xâm lược nước ta vào thời Trần. Uy Linh Lang khi ấy mới 20 tuổi đã được vua Trần Nhân Tông cho phép thành lập đội quân riêng lấy hiệu là Thiên Tử Quân. Ngài dẫn họ đi theo đại quân của Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, tham gia nhiều trận đánh và lập chiến công.

Giờ Ngọ ngày 8 tháng 8 năm Canh Tý (1300), Uy Linh Lang bỗng nhiên không bệnh tật gì mà qua đời ở tuổi 36. Vua Trần Nhân Tông phong ngài là Dâm Đàm Đại Vương, cho lập miếu thờ tại nơi ngài ngụ cư lúc nhỏ trước khi được nhận vào cung làm con nuôi của vua Trần Thánh Tông và hoàng hậu Minh Đức.

Cuối thời Lê, tiến sĩ Trần Bá Lãm (1757-1815) đã tới thăm đền và viết bài thơ chữ Hán “Vịnh Uy Linh Lang từ” kèm lời dẫn khá thú vị [1].

Sân đình An Trí

Bản đồ thành Thăng Long cuối thời Lê do Lê Dư (1884-1967) vẽ lại cho thấy vị trí đền ở phía Bắc hồ Trúc Bạch. Trước thế kỷ XIX, đây là đất phường Yên Hoa. Đến năm 1831, Yên Hoa chia thành các thôn nhỏ: Yên Phụ, Yên Canh, Yên Định, Yên Ninh, Trúc Bạch.

Đình An Trí được xây trên nền ngôi đền cũ tại xóm Bình Thọ, thôn Yên Canh. Thời Pháp thuộc, phần lớn diện tích khuôn viên của đình bị chiếm. Ngay sau hậu cung là di tích của trường Thông ngôn, nơi từng có các vị Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, v.v. theo học tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Liền kề phía bên tả đình nay là trường THCS Mạc Đĩnh Chi.

Kiến trúc

Đình mới được khôi phục và tôn tạo vào đầu thế kỷ XXI. Cổng xây kiểu nghi môn tứ trụ, mặt quay về phía Tây Nam nhìn ra hồ Trúc Bạch. Sau cổng là sân trước với một cây đa cổ thụ.

Tiền tế đình An Trí

Toàn bộ ngôi đình có bố cục hình “chữ Công”, nền cao 10 bậc. Toà tiền tế 5 gian 2 chái, cửa bức bàn, 4 mái chảy dựa trên 6 hàng chân cột. Các mảng kiến trúc gỗ như thanh xà, con rường, ván mê được trang trí bằng những nét chạm nổi, chạm bong kênh các đề tài tứ linh, tứ quý và mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX. Toà trung cung làm kiểu 2 tầng 8 mái nằm song song với toà hậu cung, cả hai đều 3 gian với các mái chảy lợp ngói ri.

Di sản

Trong đình An Trí còn lưu một tấm bia mang niên đại Vĩnh Hựu 4 (1738). Tấm bia thứ hai là "Hậu thần bi ký" được dựng vào giữa mùa thu Quý Mùi năm Cảnh Hưng 24 (1763), khắc danh sách những người góp công đức xây đình. Tại đình này hằng năm vào ngày 10 tháng Hai âm lịch, dân làng Yên Canh tổ chức lễ hội để tưởng niệm Uy Linh Lang Đại Vương và trình diễn các trò văn nghệ thể thao dân tộc. Tại nhiều ngôi đình trong vùng cũng diễn ra lễ hội tương tự.

Tấm bia Vĩnh Hựu trong đình An Trí

Tại Quyết định số 838/QĐ-BVH,TT&DL của Bộ VH-TT&DL ngày 3-3-2009, đình An Trí được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

1076 dinh An Tri ©NCCong 2012-2024

Hậu cung đình An Trí

[1] Nguyên văn chữ Hán: 詠威靈郎祠
人工無力控橫流, 飛石空中夜不休. 江上狂波能砥柱, 神功高仰故堤頭.

Bản dịch của N.C.Công:
VỊNH ĐỀN UY LINH LANG
Sức người cạn trước lũ băng băng
Đá suốt đêm bay xuống nước ngăn
Sóng dựng trên sông như thạch trụ
Ngẩng nhìn đê cũ biết công thần

Tiểu dẫn
Đền thờ thuỷ thần Uy Linh Lang đại vương nằm ở phường Yên Hoa, huyện Vĩnh Thuận, phía bắc hồ Trúc Bạch. Niên hiệu Vĩnh Thọ, nước sông dâng cao, vỡ đê Yên Hoa. Quan quân không sao ngăn được, bèn lập đàn cầu cúng ở trước đền. Đêm đến, quan quân đắp đê cùng dân phu nghe thấy tiếng đá bay vù vù rơi xuống chỗ đê vỡ. Sáng ra mọi người nhìn thấy rõ ràng có một con đê đá chặn dòng nước. Dân nhờ thế tránh được nạn lụt, bèn bảo nhau xây lại miếu. Nhà vua ban cho dân ven hồ không phải nộp thuế để lấy tiền đèn hương. Vào tiết đầu xuân hằng năm, triều đình sai quan quân đến tế lễ.