1077 Phuong My village hall

Đình Phượng Mỹ

nhà Đinhsông Nhuệh.Thanh Oai

Đình Phượng Mỹ có trước năm 1670. Thờ: thành hoàng Phạm Huyền Thông - tướng nhà Đinh. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1998). Vị trí: VQVV+PXJ, Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 20 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Đối Diện Đường Vào Trại Tạm Giam Thanh Xuân.

Lược sử

Xưa kia thôn Phượng Mỹ vốn là trang Phượng Lịch, thuộc xã Phượng Lịch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng; nay thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Đình Phượng Mỹ có từ thời Lê trung hưng. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) ngôi đình được xây lại, mở rộng quy mô và định hình với phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Theo nội dung cuốn thần phả còn lưu trong hậu cung, Phạm Huyền Thông là một tướng tài được cử đi đánh 2 sứ quân Ngô Nhật Khánh, Nguyễn Siêu và đã chiến thắng. Thống nhất đất nước xong, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua và phong ngài chức Thái uý thượng quốc công. Ngài xin cho 38 người ở trang Phượng Lịch và Hồ Liên làm gia thần giúp việc. Sau khi hoá, ngài được dân hai trang này thờ phụng và tôn vinh là thành hoàng.

Cổng đình Phượng Mỹ ©NCCông 2024

Kiến trúc

Cổng đình là một nghi môn với 4 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán. Hai bên cửa chính có 2 cửa phụ kiểu 2 tầng 8 mái đắp giả ngói ống với 8 đầu đao cong. Sau cổng là sân rồi đến toà tiền tế. Sát liền là toà đại bái 3 gian 2 chái rộng kết nối thành hình “chữ Đinh” với toà hậu cung 3 gian dọc. Các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường” và dựa trên 4 hàng chân cột. Những bộ rường, cốn ở đây đều có chạm khắc hình hoa lá cách điệu.

Trên hai bức tường cánh gà phía trước toà tiền tế có phù điêu hình Hộ pháp. Tiền tế là một phương đình 2 tầng 8 mái chồng diêm dựa trên những hàng cột gỗ lim. Giữa bờ nóc có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Các mái được đắp hình rồng và con kìm đuôi cong hoá lá ôm bờ dải; 4 mái ở tầng trên là biểu tượng của yếu tố Dương, 4 mái ở tầng dưới là biểu tượng cho yếu tố Âm. Đối xứng qua toà tiền tế có 2 dãy tả hữu mạc 3 gian. Các nếp nhà này đều có mái chảy lợp ngói ri và xây tường hồi bít đốc đắp hình hổ phù.

Tiền tế đình Phượng Mỹ ©NCCông 2024

Di sản

Đình Phượng Mỹ bảo tồn được nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt lưu ý một pho tượng gỗ tạc hình cô tiên, lưng thắt đai xanh, hai tay xoè như cánh chim phượng. Một pho khác tạc hình đức thành hoàng ở tư thế ngồi chân chống, hai tay đặt trên đầu gối và mang phong cách điêu khắc thời Nguyễn. Tại toà đại đình còn có cỗ kiệu bát cống, long đình chạm trổ rồng phượng công phu, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trên bộ vì rường, cốn lại có chạm khắc hoa văn và các tích long cuốn thuỷ (rồng khuấy nước).

Trong hậu cung lưu giữ được 22 đạo sắc phong cho ngài Phạm Huyền Thông, đạo sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670), ngoài ra còn có một cuốn thần phả ghi chép lai lịch của đức thành hoàng làng.

Hạ giải đình Phượng Mỹ ©NCCông 2024

Năm 1998, đình Phương Mỹ được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Tin cập nhật: Tháng 4 năm 2024, đình được hạ giải. Hy vọng rằng hầu hết các hạng mục kiến trúc dự kiến xây lại sẽ giữ nguyên vẹn hình dáng cũ.

Di tích lân cận

1077 dinh Phuong My ©NCCông 2014-2024