1079 Phuc Ly pagoda and village hall
ĐÌNH, CHÙA PHÚC LÝ
sông Nhuệq.Bắc Từ LiêmBạch Hạc Tam GiangChùa Phúc Lý có từ thế kỷ XVIII. Kề bên là đình Phúc Lý 福李, thờ thành hoàng Bạch Hạc tam giang. Lễ hội: từ 12 đến 15 tháng Hai âl. Vị trí: 3P8R+MVM, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đình Và Miếu Đồng Cổ (Thôn Nguyên Xá) - Đường 32.
Địa lý
Đoạn đầu sông Nhuệ chảy qua ba thôn ở phía bờ tây đều có tên Nôm là Đăm, tên chữ là “Đàm”. Thôn Phúc Lý xưa gọi là Đông Đàm, thôn Tây Tựu là Tây Đàm, thôn Trung Tựu là Trung Đàm. Sau vì kỵ húy vua Lê Thế Tông (tên thật Lê Duy Đàm) nên phải đổi là Phúc Đam, Tây Đam, Trung Đam. Đến đời vua Minh Mạng (tên thật Nguyễn Phúc Đảm) lại phải đổi tiếp thành Phúc Lý, Tây Tựu và Trung Tựu.
Đầu thế kỷ XIX, đó là một xã thuộc tổng Tây Đam, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1831, cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi là tỉnh Hà Đông. Sau chuyển về huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 01/4/2014, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) được thành lập trên cơ sở các thôn Văn Trì, Ngoạ Long, Nguyên Xá và Phúc Lý của xã Minh Khai cũ.
- Cổng đình Phúc Lý. Photo NCCông ©2024
Giới thiệu
Phường Minh Khai có diện tích 512,8 ha và khoảng 34.000 người dân, đặc sản là Cam Canh, Bưởi Diễn. Ngày nay, vùng này trở nên nổi tiếng nhờ chuyên canh nhiều loại hoa đẹp. Trên địa bàn phường lại có 11 di tích lịch sử gồm đình, chùa, miếu và nhà thờ họ.
Cổng làng Phúc Lý đề 3 chữ “Tựu Phúc Môn”, phía sau có 3 chữ “Đồng Nhân Cát”. Dân làng đã trùng tu cổng vào năm 2004 và xây văn chỉ vào năm 2005. Chùa Phúc Lý có quy mô khá lớn nhưng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã bị phá huỷ cùng ngôi đình nằm kề bên. Cũng như đình của hai làng Đăm kia, đình Phúc Lý thờ thành hoàng Bạch Hạc tam giang Thổ lệnh Thống Quốc Đại vương Đào Trường, một vị tướng của Hùng Duệ Vương.
Năm 1993, đình và chùa Phúc Lý được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Cổng chùa Phúc Lý. Photo NCCông ©2024
Kiến trúc và di sản
Chùa Phúc Lý có bố cục hình “chữ Đinh”. Từ năm 2009 đến nay nhà chùa đã xây lại dần dần các toà tam quan, tiền đường, thượng điện và nhà thờ Mẫu. Trong chùa bảo lưu được 15 pho tượng mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII–XIX, một quả chuông đồng cũ cùng 3 bức cửa võng chạm trổ hình rồng và hoa cúc rất đẹp.
Đình Phúc Lý có quy mô khá lớn với kiến trúc “nội Công ngoại Quốc”. Sau cổng nghi môn tứ trụ là sân và vườn, ở giữa có ao nhỏ rồi đến phương đình 2 tầng 8 mái, hai bên là dãy tả hữu mạc. Trang trí trong đại đình chủ yếu là các bức cốn chạm rồng phượng. Hiện vật với niên đại cuối thế kỷ XIX gồm: hương án, kiệu bát cống, kiệu vây, tượng thánh và bộ bát bửu.
- Sân đình Phúc Lý. Photo NCCông ©2024
Hằng năm, ba làng Đăm mở hội bơi chải chung vào ngày 12 tháng Ba âm lịch. Hội đình Phúc Lý diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Hai âm lịch. Nghi thức chính gồm có lễ rước nước, lễ tế và lễ dâng hương; bên cạnh là các trò vui thể thao, văn nghệ theo truyền thống dân gian.
Di tích lân cận
- Chùa Đình Quán (Bà Bông): Ngõ 68 Đình Quán, phường Phúc Diễn.
- Chùa Đức Diễn (Sùng Khánh): Ng. 23 Đức Diễn, phường Phúc Diễn.
- Chùa Hưng Khánh: phố Đăm, phường Tây Tựu.
- Chùa Văn Trì (Bồ Đề): ngõ 70 Văn Trì, phường Minh Khai.
- Đình Ngoạ Long: 3P2V+MGR, phường Minh Khai.
- Đình Tây Tựu: 3P9J+JP, phố Đăm, phường Tây Tựu.
- Đình Văn Trì: số 25 ngõ 70 Văn Trì, phường Minh Khai.
(1079 dinh, chua Phuc Ly ©NCCông 2019-2024)