1081 Mieu Nha pagoda 大悲寺
Chùa Miêu Nha (Đại Bi Tự)
q.Nam Từ Liêmsông NhuệLê sơChùa làng Miêu Nha còn gọi chùa xóm Dưới, có từ thời Lê sơ. Tên chữ: 大悲寺 Đại Bi Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: ngõ 124 Do Nha, 2P8P+J6R, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Công ty Viglacera Tây Mỗ.
Lược sử
Thôn Miêu Nha tên Nôm là làng Ngà, nay nằm ở vùng giữa sông Nhuệ và đường tỉnh lộ TL70A, gần đại lộ Thăng Long. Đây vốn là một vùng đất cao, từ trước thế kỷ VI đã trở thành ấp trại của những người họ Trần từ Thanh Hóa ra lập cư dưới thời Bắc thuộc. Sau đó có thêm họ Lưu ở Thanh Hóa, họ Đỗ ở Tiên Lữ (Hưng Yên) và các họ khác chuyển đến.
Làng Ngà ban đầu có tên chữ là Do Nha, đến triều vua Gia Long (1812—1819) mới đổi thành Miêu Nha. Chùa làng Miêu Nha có từ thời Lê sơ. Đầu thế kỷ XVI, có một vương phi đến đây cầu tự rồi sinh ra con trai, sau được lập làm vua. Bà bèn đứng ra hưng công xây lại, nên mới có tên gọi chùa Bà.
- Cổng ngách chùa Miêu Nha. Photo NCCông ©2017
Tháng 7-1518 vua Lê Chiêu Tông nghe dèm pha giết chết Trần Chân và thủ hạ. Nguyễn Kính, Nguyễn Áng bèn tấn công kinh đô báo thù cho Trần Chân, vua chạy trốn sang dinh Bồ Đề ở Gia Lâm. Mạc Đăng Dung đem quân cứu, đưa vua về Bảo Châu, Từ Liêm. Dung dần dần tiếm quyền, nhiều quan can ngăn đã bị giết hại. Trịnh Tuy, Nguyễn Sư lập hoàng thân Lê Bảng làm vua, đặt niên hiệu Đại Đức. Nửa năm sau lại phế Bảng lập Lê Do, đặt niên hiệu Thiên Hiến, dựng hành cung ở Do Nha. Dung rước Chiêu Tông về kinh đô, rồi xua quân thủy, bộ bao vây Do Nha. Nhân mưa to, Dung cho khơi nước vào trại địch và bắt sống Lê Do rồi đem giết đi.
Kiến trúc
Tam quan chùa Miêu Nha nhìn về phía tây nam. Sau chùa rộng, bên tay trái có vườn cây, bên phải là ao. Toà tiền đường 5 gian, tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì làm theo kiểu "thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ".
- Ao chùa Miêu Nha. Photo NCCông ©2017
Hậu cung gồm 4 gian dọc nối vào gian giữa tiền đường thành hình "chữ Đinh". Bên phải hậu cung có dãy nhà Tổ và nhà khách, bên trái là nhà Mẫu, cả hai đều 5 gian, tường hồi bít đốc.
Di vật
Tương truyền, Lê Do những ngày đầu đóng hành dinh tại chùa Bà. Khi ấy, chùa được đổi tên là Thiên Khánh Tự. Vết tích hành dinh còn lưu qua các địa danh: cánh đồng Voi, giếng tắm Ngựa… Trong chùa hiện còn nhiều bia mang niên hiệu Cảnh Hưng (1740—1786) ghi lại việc tu bổ chùa. Cổ vật trước hết gồm những đồ tế, đồ thờ bằng đồng, gốm, sứ, gỗ, đá. Đặc biệt là những pho tượng Phật bằng gỗ mang phong cách thế kỷ XVIII, XIX. Tại điện thờ Mẫu còn có tượng Tứ phủ và lưu giữ được 4 đạo sắc phong ban cho các vị.
- Sân chùa Miêu Nha. Photo NCCông ©2024
Ngày 21-01-1989, chùa Miêu Nha được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Hương Đỗ: thôn Hòe Thị, phường Phương Canh.
- Chùa Kim Hoàng: thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh.
- Đình An Trai: đường An Trai, xã Vân Canh.
- Đình Hòe Thị: thôn Hòe Thị, phường Phương Canh.
- Đình Miêu Nha: thôn Miêu Nha, phường Tây Mỗ.
- Đình Ngọc Mạch: thôn Ngọc Mạch, phường Xuân Phương.
(1081 chùa Miêu Nha ©NCCông 2017-2024)