1086 Vu Ban village hall

Đình Vụ Bản

Cao SơnQuý Minhh.Sóc Sơnsông Cà Lồ

Đình Vụ Bản có từ cuối thời Lê. Thờ: 2 vị thành hoàng: Cao Sơn, Quý Minh. Xếp hạng: Di tích thành phố (2002). Vị trí: 7QH2+RW6, Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 38 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Đd Trường Tiểu Học Minh Trí (xe 95, tuyến Nam Thăng Long - Xuân Hòa)

Lược sử

Thôn Vụ Bản thuộc xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Đình Vụ Bản có từ cuối thời Lê, trong thờ hai vị phúc thần là Cao Sơn và Quý Minh. Tương truyền họ là hai anh em sinh đôi con ông Sùng Hoằng và bà Lê Thị Dụ sống vào thời Hùng Vương. Hai ông lớn lên đều văn võ song toàn, được vua Hùng tuyển chọn và phong làm chỉ huy sứ. Khi quân Thục xâm lấn nước ta, Cao Sơn và Quý Minh làm tiền đạo tướng quân đem 50 đạo quân thuỷ bộ lên phòng ngự tại phía tây bắc lộ Thái Nguyên.

Trên đường qua trang Thắng Trí, huyện Bình Tuyền, phủ Phú Bình, đạo Thái Nguyên, Quý Minh thấy trang Vụ Bản ở thế đất rồng cuộn, hổ ngồi, non nước bao quanh, dân cư trù phú, phong tục thuần hậu, ông liền hạ lệnh dựng đồn sở tại đây rồi chọn hơn 30 trai tráng cho theo đi đánh giặc. Thắng trận trở về, ông được vua ban thưởng trở lại đồn trại tại trang Vụ Bản dạy dân giáo hoá, ban cho dân 30 hốt bạc để dựng đền thờ và lo việc đèn hương khi ông trăm tuổi. Ngày 16 tháng giêng ông hoá, nhà vua phong là Quý Minh Hiển Ứng đại vương Thượng đẳng thần cho dân trang Vụ Bản miễn phu phen tạp dịch để lo việc thờ phụng ông.

Năm 2002, đình Vụ Bản đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Kiến trúc

Trải qua nhiều lần trùng tu ngôi đình hiện mang dáng vẻ kiến trúc của thời Nguyễn. Đình toạ lạc trong một khuôn viên rộng rãi ở giữa làng. Toà đại bái gồm 3 gian, 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, các vì kèo đỡ mái làm kiểu “chồng rường giá chiêng”. Trang trí trên các rường, kẻ hình rồng mây, hoa lá, hoa chanh, rồng cuốn thuỷ. Toà hậu cung gồm 1 gian 2 dĩ cũng xây tường hồi bít đốc, vì kèo làm kiểu “kèo cầu quá giang” kết nối với đại bái theo hình “chữ Đinh”. Nền nhà lát gạch vuông.

Di sản

Hiện trong đình Vụ Bản bảo lưu được 3 tấm bia hậu thời Nguyễn, trong đó có một tấm ghi niên hiệu Thành Thái 11 (1899), một tấm ghi niên hiệu Bảo Đại và một cuốn thần tích chữ Hán do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn bản chính năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) Nguyễn Hiền sao y bản chính năm Vĩnh Hựu 6 (1740), sao lại năm Thành Thái 4 (1892). Ngoài ra còn có 3 đạo sắc phong từ thời Nguyễn gồm các niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Lại có 2 cỗ ngai thờ và kiệu bát cống chạm rồng cùng hương án, hoành phi, câu đối được chạm khắc đề tài tứ linh mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Hội đình Vụ Bản hàng năm được tổ chức từ ngày 14 tháng giêng âm lịch với đủ mọi nghi thức tế lễ theo truyền thống và diễn ra các trò chơi dân gian thu hút rất đông người tham gia và khán giả.

Di tích lân cận

©NCCông 2023, Vu Ban village hall