1091

THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ NGỤY TẠO NIÊN ĐẠI TRONG THÁC BẢN VĂN BIA VIỆT NAM

bia

Khi nghiên cứu văn bia Việt Nam, từ lâu giới nghiên cứu đã lưu ý đến một hiện tượng bất bình thường về mặt niên đại xuất hiện ở một số văn bản bia thuộc kho thác bản văn khắc do Viện Viễn đông Bác cổ (EFEO) sưu tầm vào khoảng đầu thế kỷ XX, hiện đang lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Khi biên soạn những bộ Thư mục văn bia trước đây, các soạn giả đã lẻ tẻ phát hiện ra những mâu thuẫn của dòng niên đại trên một số thác bản, chủ yếu là sự không ăn khớp giữa niên hiệu với năm thứ hoặc năm can chi của niên đại ấy, hay mâu thuẫn giữa niên hiệu tương đối sớm ở dòng niên đại với những chi tiết mang thông tin về thời kỳ lịch sử muộn hơn nằm trong chính nội dung thác bản đó. Cũng đã có một vài công trình đề cập tới, hoặc bài viết [1] đi vào khảo biện khá tỉ mỉ về hiện tượng này trong một số trường hợp cụ thể, nhằm phát hiện và cảnh báo về hiện tượng gọi là "niên đại giả" trong thác bản văn bia.

Chúng tôi nhận thấy, đây là một vấn đề văn bản học quan trọng, bởi niên đại ghi trên bia có liên quan trực tiếp đến thời gian, một trong các yếu tố cấu thành của các sự kiện được ghi chép trong nội dung văn khắc. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi mà các nhà khoa học nghiên cứu văn bia phần lớn đều thông qua thác bản mà ít có điều kiện trực tiếp tiếp xúc với tấm bia thực tế thì càng cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề này. Sự tồn tại những niên đại đáng ngờ của văn bản trong kho thác bản của một loại hình văn bản gốc vẫn được coi là bền vững và tin cậy bậc nhất này, một mặt có thể gây tác hại cho những nhà khoa học vô tình sử dụng tư liệu của chúng mà bỏ qua khâu giám định văn bản (thực tế đã có công trình khoa học mắc phải trường hợp này [2], vì thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu do dựa vào những dữ liệu thiếu chính xác của tài liệu; mặt khác, phổ biến hơn, là tạo ra một tâm lý hoài nghi, khiến người nghiên cứu có phần e dè khi sử dụng những tư liệu văn khắc. Cả hai trường hợp, rõ ràng đều ảnh hưởng tới việc nghiên cứu và khai thác nguồn tư liệu quí giá của bộ phận di sản Hán Nôm này. Vì vậy, việc điều tra khảo sát một cách toàn diện đối với nghi án về niên đại thác bản văn khắc là rất cần thiết nhằm loại trừ những hạt sạn lẫn trong kho báu, giúp cho các nhà nghiên cứu yên tâm khi nghiên cứu khai thác văn khắc thông qua thác bản của chúng.

1. Thực chứng

Trước hết, để khẳng định sự tồn tại những niên đại ngụy tạo trong thác bản văn bia, chúng tôi đã chọn ra một số thác bản có nghi vấn (được sưu tầm từ xã Quan Nhân huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông cũ và xã Xa La huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương), rồi tìm tới hiện trường đặt bia hiện nay để chụp ảnh những tấm bia tương ứng hiện còn ở địa phương. Tiến hành đối chiếu những thác bản này với những bức ảnh mới sưu tầm được có thể nhận thấy tình hình như sau:

  1. Thác bản No.278: đoạn ghi niên đại: "Chính Hòa thập lục niên thập nguyệt nhị thập tứ nhật". Trên bia thực tế đoạn ghi niên đại đó là: "Thành Thái thập lục niên thập nguyệt nhị thập tứ nhật".
  2. Thác bản No.1106: dòng niên đại ghi: "Vĩnh Trị thập bát niên tứ nguyệt sơ cửu nhật". Trên bia thực tế dòng niên đại đó là: "Thành Thái thập bát niên tứ nguyệt sơ cửu nhật".
  3. Thác bản No.1106: dòng niên đại ghi: "Bảo Thái Mậu Tuất niên tam nguyệt nhị thập lục nhật". Trên bia thực tế dòng niên đại đó là: "Thành Thái Mậu Tuất niên tam nguyệt nhị thập lục nhật".
  4. Thác bản No.1108: dòng niên đại ghi: "Bảo Thái thập thất niên ngũ nguyệt thập nhất nhật". Trên bia thực tế dòng niên đại đó là: "Thành Thái thập thất niên ngũ nguyệt thập nhất nhật".
  5. Thác bản No.1119: dòng niên đại ghi: "Vĩnh Trị thập tứ niên tam nguyệt nhị thập tứ nhật". Trên bia thực tế dòng niên đại đó là: " Tự Đức thập tứ niên tam nguyệt nhị thập tứ nhật".
  6. Thác bản No.1121: dòng niên đại ghi: "Long Đức tam thập niên chính nguyệt nhị thập tứ nhật". Trên bia thực tế dòng niên đại đó là: "Tự Đức tam thập niên chính nguyệt nhị thập tứ nhật".
  7. Thác bản No.1123: dòng niên đại ghi: "Vĩnh Trị nhị thập nhị niên tam nguyệt nhị thập nhất nhật". Trên bia thực tế dòng niên đại đó là: "Tự Đức nhị thập nhị niên tam nguyệt nhị thập nhất nhật".
  8. Thác bản No.1125: dòng niên đại ghi: "Lê Cảnh Hưng nguyên niên tam nguyệt cát nhật". Trên bia thực tế dòng niên đại là: "Đồng Khánh Mậu Tí niên bát nguyệt thập bát nhật".
  9. Thác bản No.2903: dòng niên đại ghi: "Chính Hòa thập thất niên nhất nguyệt thập cửu nhật". Trên bia thực tế dòng niên đại đó là: "Gia Long thập thất niên nhất nguyệt thập cửu nhật".
  10. Thác bản No.1143: đoạn ghi niên đại ở dòng đầu: "Cảnh Hưng vạn vạn niên chi nhị, tuế tại Tân Tị quí hạ nguyệt cốc nhật ". Trên bia thực tế dòng niên đại là: "Hoàng triều Minh Mệnh vạn vạn niên chi nhị, tuế tại Tân Tị quí hạ nguyệt cốc nhật".

Trong 10 trường hợp dẫn chứng trên đây, ta thấy toàn bộ những niên hiệu thời Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Thành Thái, Tự Đức, Đồng Khánh trên các tấm bia gốc đều bị sửa đổi trên thác bản thành các niên hiệu thời Lê có niên đại sớm hơn: Chính Hòa, Vĩnh Trị, Bảo Thái, Long Đức, Cảnh Hưng. Như vậy, với những bằng chứng thu thập được qua điều tra thực tế, chúng ta có thể khẳng định hiện tượng ngụy tạo trong kho thác bản là có thật. Tuy nhiên, xem xét kĩ hơn có thể thấy rằng, trong tất cả các trường hợp này, chỉ có những đoạn liên quan đến niên đại trên thác bản là bị sửa đổi, còn lại hầu như toàn bộ phần nội dung văn bia vẫn giữ nguyên như bia gốc. Vì vậy cần phải xác định chính xác hiện tượng này chỉ là sự ngụy tạo niên đại trên các thác bản văn bia mà thôi. Dù sao, đây vẫn là một thực trạng khá nghiêm trọng, vì thực tế số thác bản có tồn tại hiện tượng này cũng chiếm một phân lượng đáng kể trong kho thác bản, khiến chúng ta cần phải điều tra và đi sâu khảo sát một cách cụ thể tường tận.

2. Số lượng và phạm vi phân bố

Khi đặt ra nhiệm vụ điều tra số lượng thác bản có vấn đề ngụy tạo niên đại, hay chí ít là ước lượng ra một tỉ lệ về số thác bản này trong kho thác bản văn khắc do EFEO sưu tầm, chúng tôi đã hình dung ra một khó khăn rất lớn, bởi chỉ riêng chuyện xem xét lần lượt từng thác bản trong số hơn 2 vạn thác bản của bộ phận tài liệu này đã bao hàm một khối lượng công việc khổng lồ. Song dầu vậy vẫn cần phải tiến hành để có cơ sở đánh giá mức độ và tìm biện pháp khắc phục cho vấn đề này.

Chúng tôi đã khảo sát các thác bản lần lượt theo thứ tự ký hiệu thư viện.

  • Trong một nghìn thác bản đầu tiên (từ kí hiệu No.1 đến No.1000), chúng tôi phát hiện ra hiện tượng ngụy tạo niên đại ở 36 thác bản của 30 đơn vị bia;
  • Từ kí hiệu No.1001 đến No.2000: có 166 thác bản của 131 đơn vị bia có vấn đề ngụy tạo niên đại;
  • Từ kí hiệu No.2001 đến No.3000: có 171 thác bản của 86 đơn vị bia có vấn đề ngụy tạo niên đại;.
  • Từ kí hiệu No.3001 đến No.4000: có 89 thác bản của 55 đơn vị bia có vấn đề ngụy tạo niên đại;
  • Từ kí hiệu No.4001 đến No.5000: có 52 thác bản của 32 đơn vị bia có vấn đề ngụy tạo niên đại;

Tổng cộng lại, trong đợt điều tra đối với 5000 kí hiệu thác bản đầu tiên chúng tôi đã tìm ra được 514 thác bản có dấu hiệu ngụy tạo niên đại rõ rệt của 334 đơn vị bia. Tính ra, số thác bản bị ngụy tạo niên đại chiếm đến 10,28% số lượng thác bản được xem xét trong đợt điều tra đầu tiên này. Đây là một tỉ lệ khá lớn, nếu đem áp dụng cho toàn bộ bộ phận thác bản của EFEO thì ước đoán số thác bản có vấn đề ngụy tạo không chừng có thể lên tới hàng ngàn.

Nhưng rất may, tình hình thực tế không đến nỗi trầm trọng như vậy.

Khi tiếp tục khảo sát mấy nghìn thác bản tiếp theo, chúng tôi ngạc nhiên vì hầu như không tìm thấy một trường hợp ngụy tạo niên đại nào nữa. Những tìm kiếm ngẫu nhiên đối với toàn bộ phần thác bản còn lại cũng cho kết quả giống như thế. Điều đó chứng tỏ, sự ngụy tạo niên đại chỉ xảy ra trong phạm vi 5000 kí hiệu thác bản đầu tiên mà thôi.

Tiếc rằng hiện nay chúng ta chưatìm lại được những hồ sơ tư liệu lưu trữ liên quan đến việc sưu tầm thác bản văn khắc do EFEO tổ chức tiến hành vào thế kỷ trước để có thể tìm hiểu kỹ hơn về cách thức cũng như diễn biến của công trình. Nhưng nếu hình dung quá trình đó được tiến hành theo trình tự đánh số kí hiệu thác bản (và trong thực tế chắc cũng đã diễn ra như thế), thì có thể ước đoán rằng sau khi công trình thực hiện được khoảng một phần tư số lượng thác bản (vào khoảng trước năm Duy Tân thứ 8, tức năm 1914), người ta mới phát hiện ra hiện tượng ngụy tạo niên đại, và lập tức đã có sự điều chỉnh rút kinh nghiệm, nhờ đó kịp thời ngăn chặn không để tình trạng tiếp tục xảy ra trong những thác bản sưu tầm tiếp sau.

Như vậy, do phạm vi xuất hiện những thác bản có vấn đề ngụy tạo niên đại chỉ giới hạn trong số 5000 thác bản đầu tiên của đợt sưu tầm, nên ta có thể xác định một cách chính xác số lượng thác bản cần khảo sát giám định là 514 bản.
Trong số thác bản này, xét về phương diện xuất xứ sưu tầm, thì trừ tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình và Nam Định là ba địa phương có số lượng tối thiểu (mỗi tỉnh 1 thác bản), còn lại chủ yếu gồm thác bản bia thuộc 4 tỉnh là:

  • Hà Đông 313 thác bản (chiếm 60,9%),
  • Nghệ An 100 thác bản (chiếm 19,4%),
  • Hưng Yên 71 thác bản (chiếm 13,8%),
  • Hải Dương 27 thác bản (chiếm 5,2%). [3]

NGUYỄN VĂN NGUYÊN
(NCV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

[1Xem Trịnh Khắc Mạnh: Bước đầu tìm hiểu văn bản bia trong Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 1983 và Đinh Khắc Thuân: Đính chính niên đại giả trên một số thác bản bia tại kho bia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tập san Nghiên cứu Hán Nôm, số 2, 1985.

[2Ví dụ: Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự: Le Đinh, maison communale du Vietnam (École française d’Extrème-Orient, Nxb. Thế giới, H. 2001); hay Ngô Ðức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, (École française d’Extrème-Orient, Nxb. Văn hóa, H. 1997).

[3Số lượng và kí hiệu thác bản cụ thể được trình bày ở phụ bảng kèm theo bài gốc trong Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (74) 2006; Tr. 28-34.