1096 Gia Le pagoda

Chùa Bá Dương Nội (Già Lê Tự)

sông Hồngh.Đan PhượngLê trung hưng

Chùa làng Bá Dương Nội có từ khoảng cuối thời Lê sơ. Tên chữ: Già Lê Tự. Vị trí: 4MPP+66M, 302 Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 26 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: Đối diện Cổng Đông Làng Bá Dương Nội.

Lược sử

Chùa làng Bá Dương Nội có tên chữ là Già Lê Tự, thường gọi chùa Bá Nội hoặc chùa Già Lê. Vị trí tọa lạc tại bờ Nam sông Hồng, nay thuộc địa phận xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Chưa rõ chính xác chùa được thành lập năm nào, tuy nhiên có thể đoán rằng vào khoảng cuối thời Lê sơ hoặc đầu thời Lê trung hưng, nếu dựa vào tư liệu của nhà chùa và niên đại khắc trên những tấm bia đá còn sót lại.

Chùa Già Lê nằm trên bãi phù sa của làng Bá Dương Nội, đúng vị trí mà sông Hồng đổi dòng, tạo ra một mỏm đất nhô lên phía đông bắc và đối diện với đền Mê Linh thờ Hai Bà Trưng ở bờ bên kia. Phải chịu ảnh hưởng lớn của lũ lụt và chiến tranh cùng sự thay đổi thời tiết cho nên chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, phần lớn kiến trúc hiện nay không còn dáng vẻ như trước.

Toàn cảnh-chùa Bá Dương Nội ©NCCong 2023

Vào năm 2010, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhà chùa cùng nhân dân và Phật tử đã tổ chức một đợt đại trùng tu và tôn tạo hầu hết các hạng mục công trình. Kết quả đến cuối năm 2011 đã khánh thành được tòa Tam bảo, nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu.

Đến tháng Giêng năm Nhâm Thìn (2012), nhà chùa đã tiếp tục cho xây dựng lại lầu chuông theo nguyên mẫu cũ. Kinh phí thực hiện công trình này do gia đình của liệt sĩ Phạm Văn Tựu (Miền Hồng Giang) phát tâm đóng góp công đức.

Kiến trúc

Khuôn viên chùa có nhiều cây xanh, tam quan gồm 3 gian, cửa gỗ, 10 mái cong, mặt nhìn về phía tây nam ra đê Hồng Hà. Sau cổng là lầu chuông xây kiểu 2 tầng 8 mái với 8 đầu đao cong vút và dựa trên 16 cột đá. Nền lầu khá cao, bao quanh bằng đá, phía trước và phía sau có 2 lối lên xuống cũng đều bằng đá.

Chùa Bá Dương Nội ©NCCong 2023

Tiếp theo lầu chuông là tượng đài Quan Âm Nam Hải đứng trên một hồ sen có tường bao bằng đá rồi đến một sân rộng. Toà nhà đồ sộ ở cuối sân xây kiểu 2 tầng tường hồi bít đốc, cầu thang lộ thiên ở hai bên, chủ yếu dùng vật liệu bê tông cốt thép và gỗ, đá. Phía sau toà nhà này là vườn chùa.

Chùa chính có tầng dưới 7 gian với hàng hiên gồm 8 cột tròn, ở trên nối nhau bằng 7 vòng cung trang trí. Tầng 2 gồm sân thượng và tiền đường 7 gian kết nối với hậu cung theo hình chữ "Đinh". Hệ thống các tượng Phật giáo được bài trí theo kiểu Bắc tông. Nội thất được trang hoàng bằng những đồ vật hiện đại lộng lẫy.

Di sản

Chùa Già Lê hiện bảo lưu được khá nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Đáng chú ý nhất là nguồn tư liệu đa dạng và phong phú, bao gồm 36 tấm bia đá (phần lớn là bia công đức), 9 bức hoành phi và 14 câu đối chữ Hán. Ngoài ra còn có hai quả chuông và một chiếc khánh cổ bằng đồng đúc.

Trong chùa Bá Dương Nội ©NCCong 2023

Hằng năm, hội rước bánh giầy của làng Bá Dương Nội được tổ chức vào mùng 3 Tết Nguyên đán để tỏ lòng biết ơn quan thái phó nhà Lê sơ là Thiếu Khanh có công tu sửa chùa. Còn tại miếu Châu Trần diễn ra lễ hội thả diều lớn nhất miền Bắc vào Rằm tháng Ba để tưởng nhớ công ơn của đức thành hoàng làng là Nguyễn Cả, một tướng tài ba ở thời nhà Đinh. Tháng 2-2024, lễ hội thả diều đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể.

Di tích lân cận

  • Chùa Hải Giác: 192 Đ. Vạn Xuân, Cụm 4, huyện Đan Phượng.
  • Chùa Khánh Hưng: thôn Nại Yên, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.
  • Đền Văn Hiến: xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.
  • Đình Bá Dương Nộii: 219 Cơ đê Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
  • Đình Hữu Cước: xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng.
  • Đình Vạn Xuân: xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.

1096 chua Gia Le ©NCCông 2015-2024