1117 Xuan Quan pagoda
Chùa Dàn (Xuân Quan)
Pháp Thông sông ĐuốngKinh BắcChùa thôn Xuân Quan còn gọi chùa Dàn Chợ, có từ khoảng thế kỷ XIII. Tên chữ: 惠澤寺 Huệ Trạch Tự. Lễ hội: từ 11 đến 14 tháng 4 âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 22XH+4QW, Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 27km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: Điểm Đỗ Xe Buýt Lệ Chi.
Lược sử
Thôn Xuân Quan có tên Nôm là Dàn Chợ, nay thuộc xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Phía Đông Bắc giáp thôn Đại Trạch. Phía Tây Bắc có thôn Đình Tổ với ngôi chùa Bút Tháp nổi tiếng nằm ở chân đê sông Đuống. Phía Đông Nam giáp thôn Phương Quan với ngôi chùa Dàn Câu thờ Pháp Điện là một trong 4 vị nữ thần Tứ Pháp.
Theo sự tích thành hoàng thôn Đại Trạch, tướng Trần Hồng [1] đã cho dựng chùa thôn Xuân Quan. Chùa ở gần chợ Dâu và di tích thành Luy Lâu, từng là một trị sở của Giao Châu dưới thời Bắc thuộc, chỉ cách lăng mộ của Sĩ Nhiếp hơn 4km về phía Đông Nam. Gần chợ Dâu lại có ngôi chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân và vùng này chính là nơi Phật giáo từ Ấn Độ lần đầu tiên truyền vào đồng bằng sông Hồng.
- Cổng chùa Dàn Xuân Quan ©2024 NCCong
Kiến trúc
Chùa Xuân Quan đã từng trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo, hiện nay có bố cục hình "chữ Công" và phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Tam quan chùa giáp với đường TL283, mặt quay về phía Tây Nam. Sau cổng là sân và chùa chính gồm có 7 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương nối với 3 gian thượng điện được xây theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái.
Trong cả 3 tòa nhà tiền đường, thiêu hương, thượng điện đều có các đồ án trang trí bằng chạm nổi, chạm kênh bong… trên các bức cốn, các đầu dư, đầu bẩy. Các đề tài được thể hiện ở đây chủ yếu là tùng, cúc, trúc, mai hoá rồng hoặc hoa lá cách điệu. Ba đầu dư còn lại ở tòa tiền đường có các hình đầu rồng chạm kênh bong trong tư thế đang vươn về phía trước và gánh đỡ các câu đầu.
- Tiền đường chùa Dàn Xuân Quan ©2024 NCCong
Di sản
Trong chùa Xuân Quan còn giữ được một hệ thống tượng thờ mang ý nghĩa lịch sử văn hóa có giá trị nghệ thuật, tiêu biểu là 30 pho tượng Phật và tượng Bà Pháp Thông. Lại có các hiện vật quý khác như: 01 ngai gỗ thời Lê, 02 đạo sắc phong năm 1924, 02 bia đá khắc năm 1679 và 1876, 01 quả chuông đồng được đúc năm 1826 ghi tên “Huệ Trạch tự chung” và nhiều đồ tế khí bằng gỗ, đá, kim loại.
Theo văn bia "Xá lợi minh tháp" được phát lộ ở cách chùa Xuân Quan 20m thì Vua nhà Tùy vào năm 601 đã đặt một xá lợi trên tháp chùa Thiền Chúng nay không còn. Hằng năm, dân địa phương tổ chức lễ Tạ ân từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 4 âm lịch. Chính hội là ngày 12 tháng 4 âl, có đám rước tượng Bà Pháp Thông từ chùa Xuân Quan về chùa Đại Trạch để làm lễ cúng tế. Hôm sau rước tượng Bà trở lại chỗ cũ.
- Chánh điện chùa Dàn Xuân Quan ©2024 NCCong
Năm 1992, chùa Xuân Quan được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Bút Tháp: 326C+9VG, xã Đình Tổ, Thuận Thành.
- Chùa Dâu: 22PV+62, Thanh Khương, Thuận Thành.
- Chùa Tổ (Mẫu Tứ Pháp): 22JM+63, xã Hà Mãn, Thuận Thành.
- Chùa Phi Tướng: 22PQ+XJH, xã Khương Tự, Thuận Thành.
- Lăng Kinh Dương Vương: t32FX+2FH, Đại Đồng Thành, Thuận Thành.
- Lăng Sĩ Nhiếp: 23M7+6R, thôn Tam Á, xã Gia Đông, Thuận Thành.
1117 - Chua Dan Xuan Quan ©NCCong 2015-2024
[1] Trần Hồng: tướng chỉ huy đạo quân ở Thuận Thành, con trai bà vợ thứ của nguyên soái Trần Hưng Đạo.