126 Dau village pagoda
Chùa Đậu (Thành Đạo Tự)
Lê trung hưngh.Thường TínTứ PhápChùa Đậu còn gọi chùa Bà hay chùa Vua; có từ thời Lý. Thờ: Pháp Vũ. Tên chữ: Pháp Vũ Tự, Thành Đạo. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1964). Vị trí: thôn Gia Phúc (làng Đậu), RVP3+7V, Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 23km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Quất Động trên QL1A. (xe 06a, 06c, 06d, 06e, 101)
Giới thiệu
Du khách thăm chùa Đậu có thể lên xe bus số 06 tuyến Giáp Bát—Phú Xuyên rồi xuống ở bến Quất Động. Rẽ hướng tây vào Khu Công nghiệp Quất Động đi 1,7km sẽ gặp một con kênh nước lặng lờ và ngôi miếu nhỏ dưới gốc đa. Rẽ trái đi tiếp sẽ qua đình rồi tới chùa.
Chùa Đậu có tên chữ Thành Đạo Tự. Chùa thờ Bà Đậu tức nữ thần Pháp Vũ nên còn có tên là Pháp Vũ Tự. Đạo Phật khi mới từ Ấn Độ truyền vào nước ta đã đem theo việc thờ Tứ pháp (4 vị thần mây, mưa, sấm, chớp) được cư dân trồng lúa nước đón nhận, di tích nay còn ở chùa Dâu, tức Pháp Vân Tự (Luy Lâu, Bắc Ninh).
- Mặt trước chùa Đậu. Ảnh ©NCCong 2024
Tại chùa Đậu hiện có cuốn "Sách đồng" gồm 10 tờ dát mỏng khắc chữ Hán cả 2 mặt, mỗi tờ chiều ngang 0,13m, chiều dọc 0,24m, chiều dày từ 0,07cm đến 0,09cm. Sách được cho là của Sĩ Nhiếp (137—226), nhưng rất lạ là trong đó lại chép thơ bằng thể Đường luật (thế kỷ VII) và với văn phong thậm chí như muộn hơn hàng nghìn năm. Theo sách, chùa Đậu được xây dựng dưới thời Bắc thuộc.
Theo tấm bia dựng năm Dương Hoà thứ 5 (1639) đời vua Lê Thần Tông thì ngôi chùa được khởi lập dưới triều nhà Lý. Văn bia cho biết đến năm Dương Hoà nguyên niên (1635), cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên đã đứng lên hưng công tôn tạo ngôi chùa với quy mô lớn hơn. [1]
Ngoài ra trong chùa Đậu còn nhiều viên gạch to thời nhà Mạc và một số tấm bia đá có niên hiệu Sùng Khang (1566—1577). Sử sách ghi lại ngày xưa chùa được phong tặng "Đệ nhất đại danh lam" và chỉ dành cho các bậc vua chúa đến đây lễ bái, cầu an, dân không được vào, vì vậy còn có tên là chùa Vua.
- Tiền đường chùa Đậu. Ảnh ©NCCong 2024
Năm 1964, chùa Đậu được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Kiến trúc
Trước mặt chùa Đậu ở phía đông nam có một hồ bán nguyệt lớn nối với cổng chính tam quan bằng con đường ngắn mới làm, hơi lệch chính đạo. Hai cổng phụ cách nhau khoảng 15m, ở giữa là một phương đình hai tầng với những cột lim dựa trên trụ đá. Tầng dưới xây nền cao, chừa ra một lối vào thấp gần bằng mặt sân; có 4 cặp cửa sổ đối xứng ở 4 mặt và hai cửa đi ngang cao 4 bậc. Gian bên trái phương đình có cầu thang gỗ để lên tầng gác, nơi treo quả chuông ghi niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 9 (năm 1801, thời Tây Sơn). Trên đỉnh là tám mái lợp ngói lá đề với các đầu đao cong cong truyền thống. Khuôn viên chùa khá lớn, được xây theo kiểu "nội công ngoại quốc". Qua cổng là một sân gạch rộng, có 3 thềm đá 6 bậc lên hiên tiền đường, hai bên sân có hai tòa giải vũ.
- Dưới gác chuông chùa Đậu. Ảnh ©NCCong 2024
Tiền đường rộng 7 gian, nối liền với hai dãy hành lang và nhà Tổ làm thành một khung vuông bao bọc lấy tòa thiêu hương và điện thờ nữ thần Pháp Vũ. Vườn tháp mộ nằm ở phía sau. Các góc sân, vườn đều trồng cây nhưng nay chỉ còn sót lại vài cổ thụ.
Di sản
Chùa Đậu hiện nay vẫn giữ được 6 bia đá khắc từ thế kỷ XVI—XVIII. Tấm bia “Pháp Vũ Tự tạo lệ bi” cho biết nhà sư trụ trì Đạo Tâm từng giữ chức Tăng lục ty Tăng thống, một vị trí cao trong giới Phật giáo lúc bấy giờ. Trong chùa còn treo hai tấm biển gỗ sơn son thếp vàng, khắc bài thơ chữ Nôm của chúa Trịnh Căn (1682—1709) và chúa Trịnh Cương (1709—1729). Lại có đôi rồng đá và chiếc khánh đồng đúc năm 1774 với bài minh soạn bởi danh sĩ đời vua Lê Hiển Tông là Phan Trọng Phiên.[2]
- Chạm khắc ở chùa Đậu. Ảnh ©NCCong 2024
Trong chùa có đầy đủ hệ thống tượng Phật. Du khách chú ý nhất bộ tượng Tổ được tạo bằng cách bó sơn ta rồi quang dầu ra ngoài thi hài của hai thiền sư Đạo Chân (ảnh trên cùng) và Đạo Tâm (ảnh dưới). Hai vị vốn là chú cháu ruột, tu đắc đạo ở chùa Đậu vào thế kỷ XVII, toàn thân đã hoá thành xá lợi do trai tịnh và toạ thiền lâu ngày trước khi chết.
Tượng Đạo Chân Vũ Khắc Minh cổ hơn nhưng bảo quản rất tốt. Nhục thân đã được bó, hom, lót, thí, mài theo các kỹ thuật truyền thống rồi thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Trước khi tu bổ, tượng nặng 7kg, nay nặng 7,5kg.
Pho tượng Đạo Tâm Vũ Khắc Trường từng bị hỏng nặng vào khoảng năm 1983 do ngập nước trong trận lụt lớn. Tượng hồi đó được gia cố bằng đồng. Khung xương nay đã được các nhà khoa học sắp xếp đúng vị trí hơn và phủ bằng nhựa PVC rồi toàn tượng bao kín bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc, chỗ dày nhất tới 22 lớp. Tượng sau khi phục chế nặng 31kg.
- Tam quan chùa Đậu nhìn từ trong. Ảnh ©NCCong 2024
Di tích lân cận
- Đình Hướng Dương: thôn Hướng Dương, xã Thắng Lợi.
- Đình Kiều Thị: thôn Kiều Thị, xã Thắng Lợi.
- Đình làng Khoai: làng Khoai, xã Thắng Lợi.
- Đình Là (La Phù): thôn La Uyên, xã Tân Minh.
- Đình Nghiêm Xá: thôn Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên.
[1] Khổ bia 120 x 80 cm. Văn bia có bài minh 56 câu do Thám hoa khoa thi Tân Mùi (1631) là Nguyễn Thọ Xuân soạn. Vài dòng chữ bị đục trước phần ghi tác giả ở mặt sau (ông người xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh, phù Nam Sách, nay thuộc Hải Dương). Nét chữ khắc phóng khoáng, dòng cuối cùng ghi: “Gia Phúc xã trụ trì bản tự tăng Vũ Khắc Trường tự Đạo Tâm thư” (Sư trụ trì chùa ở xã Gia Phúc là Vũ Khắc Trường, tên Đạo Tâm, viết chữ).
[2] Phan Trọng Phiên (1735—1798) tên thật là Phan Văn Độ và Phan Lê Phiên, quê làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội).
©NCCông 2014, Dau village pagoda